Sự suy sụp chóng mặt của lực lượng an ninh Afghanistan đang khiến nỗ lực của Mỹ giải cứu những người bản địa từng cộng tác với liên quân quốc tế biến thành một thảm họa nhân đạo toàn diện.
Hàng nghìn người Afghanistan lúc này vẫn đang trong quá trình làm các thủ tục xin tị nạn, nhiều khả năng Washington không thể kịp di tản tất cả trước ngày binh sĩ Mỹ cuối cùng rời khỏi quốc gia này sau 20 năm chiến tranh.
Hàng nghìn người chờ đến Mỹ
Các nỗ lực di tản những người Afghanistan cộng tác với lực lượng đồng minh đang được thúc đẩy bởi lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ, trong bối cảnh tình báo Mỹ dự đoán Kabul sẽ rơi vào tay Taliban chỉ trong từ 1-3 tháng tới.
Hàng chục thành phố và trị trấn lớn đã bị Taliban thôn tính trong tuần qua, khi mà Mỹ đã rút dần sự hiện diện, chuẩn bị chính thức rời khỏi Afghanistan vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 như kế hoạch của Tổng thống Joe Biden.
Những ngày gần đây, chính phủ Mỹ đã đưa khoảng 1.200 người Afghanistan tới Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price nói.
Chính phủ của ông Biden cam kết sẽ tạm thời đưa thêm 4.000 người Afghanistan cùng thành viên gia đình họ tới các quốc gia khác, trong thời gian nhà chức trách Mỹ đang xử lý hồ sơ xin tị nạn và nhập cư của họ.
Dân Afghanistan đổ xô tới quán Internet để nộp hồ sơ trực tuyến xin tị nạn ở Mỹ. Ảnh: Washington Post. |
Hàng nghìn người Afghanistan khác đã nộp đơn xin tị nạn, hồ sơ của họ đang trong quá trình xét duyệt. Những người này sẽ không còn nhiều thời gian.
"Tôi thực sự rất buồn. Tôi không hiểu họ còn đang chờ đợi gì nữa? Chẳng lẽ họ muốn đợi cho tới khi tất cả bị Taliban giết?", Ismail Khan, người từng là thông dịch viên cho quân đội Mỹ, hiện làm việc cho tổ chức phi lợi nhuận No One Left Behind, nói.
Trước cuộc khủng hoảng tại Afghanistan, chính quyền Biden hôm 12/8 cho biết sẽ triển khai 3.000 quân tới Kabul để bảo vệ an ninh tại sân bay, giúp nhân viên đại sứ quán cũng như thường dân Afghanistan được Mỹ chấp nhận di tản an toàn.
Nhưng việc rút nhân viên đại sứ quán khỏi Kabul có nguy cơ làm trì hoãn thêm quá trình di tản những người Afghanistan còn ở lại. Nhiều người trong số này chỉ chờ giấy tờ hoàn tất là sẽ rời Afghanistan.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã có cuộc họp với giới chức lưỡng viện hôm 12/8, cho biết những nhân viên chủ chốt của đại sứ quán sẽ ở lại Kabul. Nhưng công việc của họ có thể sẽ kết thúc sớm, tùy thuộc vào diễn biến tình hình an ninh trên chiến trường.
Nhóm nhân viên chủ chốt này gồm bộ phận chính trị phụ trách làm việc với chính quyền Afghanistan, bộ phận lãnh sự có nhiệm vụ xử lý visa nhập cư đặc biệt, và đội an ninh ngoại giao.
"Chúng ta cần khẩn trương xử lý các hồ sơ để họ không bị bỏ lại", Thứ trưởng Sherman cho biết.
"Dunkirk của thế kỷ 21"
Ngoài những người nộp hồ sơ diện visa nhập cư đặc biệt, một nhóm công dân Afghanistan khác cũng đang cần trợ giúp là phóng viên, nhân viên dân sự và các nhà hoạt động. Hôm 13/8, khoảng 40 nghị sĩ đã gửi tới Tổng thống Biden đề nghị di tản những công dân Afghanistan nói trên.
"Trước viễn cảnh Kabul sắp sụp đổ, chúng ta cần coi tình hình hiện nay giống như thời khắc Dunkirk", các nghị sĩ viết, so sánh bối cảnh lúc này với sự kiện giải cứu quân Đồng minh trên bờ biển Dunkirk trong Thế chiến 2.
"An toàn của quân nhân và nhân viên ngoại giao Mỹ phải là ưu tiên hàng đầu. Nhưng chúng ta cũng phải di tản những người Afghanistan có đủ điều kiện, tất cả nguồn lực công và tư lúc này cần được sử dụng để giải cứu càng nhiều người Afghanistan càng tốt", các nghị sĩ viết.
Nhiều người hoài nghi chính quyền ông Biden có khả năng di tản những công dân Afghanistan còn đang mắc kẹt hay không, bởi lúc này Taliban đang tiến như vũ bão.
Những người từng làm phiên dịch cho liên quân quốc tế cầu cứu ở Kabul. Ảnh: AP. |
"Người ta miêu tả Kabul lúc này giống hệt những gì từng xảy ra vào giữa thập niên 1990, các gia đình bán đi mọi thứ và làm tất cả những gì có thể để rời khỏi đất nước", Matt Zeller, đại diện tổ chức phi lợi nhuận Association of Wartime Allies, cho biết.
Khoảng 19.000 người nộp hồ sơ visa nhập cư đặc biệt lúc này vẫn đang xếp hàng chờ, con số trên còn chưa tính đến thành viên gia đình họ. Ước tính, mỗi người nộp đơn theo diện này sẽ ra đi cùng 4 người phụ thuộc.
Điều này có nghĩa sẽ cần di tản ít nhất 88.000 người Afghanistan, chưa kể các nhóm công dân Afghanistan khác có nguy cơ trở thành mục tiêu trả thù của Taliban.
Các khó khăn về hậu cần khiến gần như chắc chắn sẽ có một số lượng không nhỏ người nộp đơn diện visa nhập cư đặc biệt bị bỏ lại. Khoảng 50% trong số này sống bên ngoài Kabul. Lúc này, đại sứ quán Mỹ không thể làm gì để giúp họ vào được thủ đô.
"Taliban đã kiểm soát phần lớn đất nước, nếu họ không thể đến được Kabul thì quả thực không may mắn", một trợ lý giấu tên làm việc tại Quốc hội Mỹ, cho biết.
Người Afghanistan sẽ đi đâu?
Một trong các thách thức với chính quyền Tổng thống Biden là tìm địa điểm bố trí cuộc sống tạm thời cho những người Afghanistan được di tản.
Giới ngoại giao Mỹ đang thỏa thuận với Kosovo và Albania tạm thời tiếp nhận những người Afghanistan di tản, trước khi họ được tái định cư ở Mỹ. Một số nước ở Trung Á như Kazakhstan, Tajikistan và Uzbekistan cũng được Washington liên hệ.
Giới chức Mỹ cho biết đã thảo luận khó khăn hiện nay với các đối tác Kuwait và Qatar. Hôm 12/8, Lầu Năm Góc thông báo 1.000 binh sĩ Mỹ sẽ được triển khai tới Qatar để hỗ trợ những người Afghanistan đã được di tản tạm thời tới đây.
Hàng trăm người trong nhóm 1.200 công dân Aghanistan đã được di tản tới Mỹ vừa được đưa đến Fort Lee, Virginia. Nhóm này sẽ tạm thời ở tại một nhà nghỉ trên đất do quân đội quản lý. Những người di tản đã được một số nghị sĩ tới tận nơi chào mừng.
Quân đội Mỹ sẽ rút hết khỏi Afghanistan trước ngày 11/9. Ảnh: AP. |
Hạ nghị sĩ Dân chủ Jason Crow là một trong số chính trị gia gây sức ép nhiều nhất kêu gọi ông Biden nhanh chóng di tản người Afghanistan. Nghị sĩ Crow nói ông rất ấn tượng và không thể quên cuộc trò chuyện với một bé gái Afghanistan 10 tuổi, cô bé muốn sau này trở thành bác sĩ.
"Chuyên đi khiến tôi rất xúc động, việc di tản là điều rất có ý nghĩa, và là những gì chúng tôi đang cố gắng để có thể đạt được", Hạ nghị sĩ Crow nói. Ông Crow từng chiến đấu ở Afghanistan.
Một số hạ nghị sĩ lưỡng đảng cho biết quốc hội đang thúc ép chính quyền ông Biden dỡ bỏ thêm các thủ tục, để có thể nhanh chóng đưa người Afghanistan di tản từ sân bay về thẳng nơi họ sẽ được định cư ở Mỹ.
"Rất đáng buồn khi phải nhìn thấy họ (chính quyền Tổng thống Biden) đang lãng phí quá nhiều thời gian", Hạ nghị sĩ Cộng hòa Joni Ernst cho biết.