Sau khi Thế chiến II kết thúc, nhân loại lại chứng kiến một cuộc chiến khác không kém phần khốc liệt là Chiến tranh Lạnh. Cuộc chiến tuy không tiếng súng nhưng rất gay cấn với cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Liên Xô, đặc biệt là vũ khí hạt nhân.
Mọi loại vũ khí được chế tạo đều cần trải qua quá trình thử nghiệm để đánh giá khả năng hoạt động cũng như hiệu chỉnh các thiếu sót kỹ thuật nếu có. Tuy nhiên, bom hạt nhân là vũ khí hủy diệt ghê gớm. Bên cạnh sức công phá tương đương hàng chục nghìn kg chất nổ thông thường, bom hạt nhân còn để lại bụi phóng xạ chết người với bán kính hàng chục kilomet tính từ tâm vụ nổ.
Do đó, người ta cần phải thử nghiệm bom hạt nhân ở những vùng xa xôi, hẻo lánh không có hoặc thưa thớt người ở để đảm bảo an toàn. Các quần đảo nằm xa đất liền trên các đại dương được xem là nơi lý tưởng để thử nghiệm bom hạt nhân.
Vị trí quần đảo Marshall trên Thái Bình Dương. Đồ họa: Britannica |
Theo Business Insider, những năm Chiến tranh Lạnh, quân đội Mỹ đã chọn quần đảo Marshall ở Tây Thái Bình Dương với dân số khoảng 52.000 người làm nơi thử nghiệm bom hạt nhân. Từ năm 1946 đến 1958, Mỹ đã ném khoảng 67 bom hạt nhân xuống quần đảo này, đặc biệt là đảo Bikini (cùng tên với trang phục áo tắm 2 mảnh dành cho phụ nữ) biến hòn đảo xinh đẹp thành vùng đất chết.
Thử nghiệm hạt nhân mạnh nhất mang tên Bravo diễn ra vào năm 1954 với đương lượng nổ gấp 1.000 lần quả bom hạt nhân Mỹ ném xuống Hiroshima năm 1945.
Một thử nghiệm hạt nhân trên đảo Bikini. Ảnh: Reddit |
Cư dân bản địa trên hòn đảo buộc phải rời khỏi nơi sinh sống lâu nay của họ và đến nay vẫn không thể trở lại vì ô nhiễm phóng xạ. Theo một nghiên cứu của Đại học Columbia, mức độ ô nhiễm phóng xạ ở đảo Bikini lên đến 184 milligam mỗi năm, cao gần gấp 2 lần so với tiêu chuẩn an toàn ở quần đảo Marshall. Thậm chí một số địa điểm lên đến 639 milligam/năm.
Các nhà khoa học nói rằng, mức độ ô nhiễm phóng xạ ở đảo Bikini cao và kéo dài hơn nhiều so với họ dự đoán trước đây. Nghiên cứu của Đại học Columbia cho biết thêm, trong 5 đảo khác thuộc quần đảo Marshall, ô nhiễm phóng xạ đã giảm xuống dưới 100 milligam.
Nghiên cứu mới nhất đã mở ra cơ hội cho người dân Marshall trở về nhà. Hiện nay, gần một nửa dân số quần đảo Marshall sống tập trung tại khu đô thị chính Majuro khiến thành phố này trở nên chật chội. Bên cạnh đó, hiện tượng nước biển dâng do biến đổi khí hậu có nguy cơ nhấn chìm hòn đảo, đe dọa cuộc sống của người dân.
Các nhà khoa học nói rằng, cần phải tiến hành nhiều thử nghiệm hơn nữa về nguồn nước, thực phẩm trên các đảo thuộc quần đảo Marshall trước khi kết luận có đủ an toàn để sinh sống.
Những thử nghiệm hạt nhân của Mỹ trên quần đảo Marshall khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn và để hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Các nhà hoạt động vẫn đang nỗ lực đấu tranh cho việc giải trừ vũ khí hạt nhân trên toàn cầu, nhưng đó là một cuộc đấu tranh đầy chông gai và dường như chưa có hồi kết.
Trong khi đó, những người Marshall buộc phải rời nhà cửa đang vật lộn để mưu sinh ở Mỹ, đặc biệt là cộng đồng người Marshall ở Honolulu và Springdale, Arkansas.