Vào ngày 10/12, tổng thống đắc cử Biden cho biết cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng Denis McDonough là ứng viên hàng đầu cho vị trí bộ trưởng Cựu chiến binh trong nhiệm kỳ tới.
Susan Rice, cựu cố vấn an ninh quốc gia thời ông Obama, cũng được chọn làm giám đốc tương lai của Hội đồng Chính sách Nội địa.
Những đề cử mới được công bố vẽ nên một bức tranh ngày càng rõ ràng về một chính quyền của ông Joe Biden mang đầy dấu ấn cựu Tổng thống Obama. Hầu hết đề cử cho các vị trí chủ chốt trong chính quyền tương lai của ông Biden đều là những gương mặt từng làm việc tại Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống Obama.
Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice. Ảnh: Getty. |
Trước đó, tổng thống đắc cử Biden đã cân nhắc tái bổ nhiệm Tom Vilsack vào vị trí Bộ trưởng Nông nghiệp. Ông Vilsack từng đảm nhận vai trò tương tự trong chính quyền Obama.
Cựu Ngoại trưởng John Kerry nhiều khả năng sẽ trở thành đặc phái viên về biến đổi khí hậu dưới thời ông Biden, trong khi “phó tướng” của ông Kerry là Antony Blinken được chọn làm ngoại trưởng tương lai.
Ngoài ra, cựu cố vấn kinh tế cấp cao Jeff Zients của chính quyền Obama sẽ trở lại Nhà Trắng với vai trò điều phối viên lực lượng ứng phó đại dịch Covid-19 của ông Biden.
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Antony Blinken lọt vào tầm ngắm của ông Biden cho vị trí ngoại trưởng tương lai. Ảnh: Reuters. |
Kinh nghiệm dày dạn, tầm nhìn tương đồng
Trên thực tế, ngoại trừ ông Trump vốn không có nhiều kinh nghiệm chính trị trước khi tiếp quản đất nước vào năm 2016, hầu hết tổng thống Mỹ sau khi đắc cử đều có xu hướng tái bổ nhiệm nhân sự trong chính quyền cũ cùng đảng.
Việc nhậm chức trong bối cảnh nước Mỹ đang chìm sâu trong khủng hoảng vì đại dịch Covid-19 và nền kinh tế suy thoái nặng nề càng thôi thúc ông Biden triệu tập đội ngũ quan chức chủ chốt thời Obama trở lại Nhà Trắng, AP nhận định.
“Nhiều người trong chính quyền cũ được ông Biden lựa chọn vì họ tin vào sứ mệnh phục vụ cộng đồng. Họ cũng hiểu rằng đây là thời điểm cần phục hồi đất nước sau bốn năm đầy biến động và chịu sự tàn phá của đại dịch Covid-19”, cựu cố vấn cấp cao David Axelrod của ông Obama nhận định.
“Họ sở hữu kinh nghiệm quý báu, đồng thời có tầm nhìn và giá trị cốt lõi giống với tổng thống đắc cử Biden”, ông Axelrod nói thêm.
Cựu cố vấn cấp cao David Axelrod của ông Obama. Ảnh: AP. |
Những luồng ý kiến trái chiều
Tuy nhiên, không phải mọi quan chức dưới thời Obama đều được ưu ái trong quá trình tuyển lựa nhân sự cho chính quyền mới, hãng tin AP nhận định.
Điển hình, cựu Thị trưởng Chicago Rahm Emanuel, người có ba nhiệm kỳ làm việc trong Quốc hội, từng giữ chức chánh văn phòng Nhà Trắng đầu tiên của cựu Tổng thống Obama.
Nhưng giờ đây, nhiều khả năng chính trị gia lão luyện đến từ Illinois sẽ không có mặt trong dàn nội các tương lai của ông Biden, bất chấp việc ông đã nỗ lực vận động hành lang cho vị trí bộ trưởng Giao thông.
Nguyên nhân xuất phát từ sự chỉ trích của công luận đối với cách xử lý được cho là chưa thỏa đáng của ông Emanuel thời còn là thị trưởng Chicago trong vụ việc của thiếu niên da đen Laquan McDonald. McDonald tử vong sau khi bị một sĩ quan da trắng bắn 16 phát hồi năm 2016.
Cựu Thị trưởng Chicago Rahm Emanuel hẹp cửa vào nội các của ông Biden. Ảnh: Getty. |
Việc ông Biden tái bổ nhiệm các quan chức dưới thời Obama cũng được đánh giá là tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Một số ứng viên đề xuất bởi ông Biden có liên hệ mật thiết với “đầm lầy Washington” mà Tổng thống Trump từng đòi “tát cạn” trong chiến dịch tranh cử hồi 2016.
Do đó, việc bổ nhiệm những cựu quan chức này được dự đoán sẽ vấp phải sự phản đối từ nhiều đảng viên Cộng hòa thân Tổng thống Trump.
Ông Trump từng đòi "tát cạn đầm lầy Washington". Ảnh: New York Times. |
Trong khi đó, một bộ phận của phe cấp tiến thuộc đảng Dân chủ vốn không ủng hộ chính quyền cựu Tổng thống Obama. Họ tin rằng giới cầm quyền giai đoạn đó đã quá thận trọng và hành động chưa đủ táo bạo.
Phe cấp tiến của đảng Dân chủ cũng đã gây sức ép buộc ông Biden phải đảm bảo tính đa dạng của các thành viên nội các trong tương lai, sau khi tổng thống đắc cử công bố những đề cử đầu tiên, phần lớn bao gồm các chính trị gia da trắng.
Hồi đầu tháng 12, Hạ nghị sĩ New York Alexandria Ocasio-Cortez thuộc đảng Dân chủ đã công khai chất vấn “thông điệp tổng thể” mà ông Biden muốn truyền tải thông qua danh sách ứng viên nội các.
Hạ nghị sĩ New York Alexandria Ocasio-Cortez, điển hình cho nhánh cấp tiến trong đảng Dân chủ, chất vấn cách tuyển chọn nhân sự của ông Biden. Ảnh: Getty. |
Ở thái cực ngược lại, các đồng minh của ông Biden cho biết tổng thống đắc cử đang đi đúng hướng khi vừa bám sát cam kết về việc thể hiện tính đa dạng của nước Mỹ trong nội các, vừa đảm bảo tính hiệu quả của các lựa chọn nhân sự.
“Các ứng viên cho chính quyền mới đều có tư duy tiến bộ, có kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng và sẵn sàng phát huy vai trò của chính phủ trong việc thay đổi cuộc sống người dân theo hướng tích cực”, nhóm phụ trách chuyển giao quyền lực của ông Biden khẳng định trong một thông cáo.
Cựu Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest, người giữ chức dưới thời Obama, nhận định rằng các lựa chọn nhân sự của tổng thống đắc cử Biden phản ánh tính chất cấp bách và phức tạp của tình hình nước Mỹ hiện tại.
“Những vấn đề mà các cơ quan chính phủ cần đối mặt và giải quyết là hết sức quan trọng. Hệ quả từ những vấn đề này mang tính dài hạn, do đó cần cân nhắc kỹ lưỡng”, ông Earnest nói. “Trước mắt, cần phải tập trung vào những thứ chúng ta có đủ khả năng thực hiện”.