Nhà báo Evan Gershkovich. Ảnh: evangershkovich.com. |
"Sức khỏe của Gershkovich vẫn ổn định và anh ấy vẫn mạnh mẽ", Wall Street Journal dẫn bài đăng của bà Tracy trên Twitter.
“Chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho anh ấy”, bà cho biết.
Đây là lần đầu tiên quan chức Mỹ được tiếp cận nhà báo Evan Gershkovich kể từ khi anh bị giam giữ vào tháng trước.
Bà Tracy không cho biết mình được thăm nhà báo Gershkovich trong bao lâu.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết Đại sứ Tracy đã truyền đạt tới Gershkovich rằng “chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc chăm chỉ để giúp anh ấy được trả tự do”, đồng thời nói thêm rằng Mỹ muốn thấy việc tiếp cận lãnh sự diễn ra thường xuyên.
"Thật tốt khi được gặp anh ấy hôm nay. Một lần nữa chúng tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi có thể tiếp tục làm điều đó", ông Kirby nói.
Chuyến thăm tại nhà tù Lefortovo ở Moscow diễn ra một ngày trước khi tòa án ở thủ đô Nga dự kiến xem xét đơn kháng cáo về việc giam giữ Gershkovich với cáo buộc hoạt động gián điệp. Wall Street Journal và chính phủ Mỹ đã bác bỏ cáo buộc này.
Văn phòng báo chí của Cơ quan Tòa án Liên bang Nga nói rằng Gershkovich “không phàn nàn về sức khỏe của mình hay các điều kiện trong trại tạm giam trước khi xét xử” với đại sứ Mỹ, TASS đưa tin.
Tòa án thành phố Moscow có thể giữ nguyên việc tiếp tục giam giữ trước khi xét xử nhà báo Gershkovich ở Lefortovo, ra lệnh chuyển anh đến một nhà tù khác, cho phép quản thúc tại gia hoặc cho tại ngoại.
Hôm 30/3, Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết đã bắt giữ Gershkovich tại thành phố Yekaterinburg, vùng Urals (Nga), cũng như mở cuộc điều tra về nghi án nhà báo 32 tuổi này thu thập thông tin mật về một tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã chính thức xem vụ bắt giữ Gershkovich là "sai trái", trong khi Tổng thống Joe Biden gọi vụ việc này là "hoàn toàn bất hợp pháp".
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.