Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quan chức Hàn -Triều nói gì trong cuộc đối thoại hiếm hoi

Cuộc đối thoại cấp cao liên Triều tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm diễn ra hôm 9/1 đã mang tới những kết quả đầu tiên, bước đầu phá băng quan hệ Triều Tiên - Hàn Quốc.

Trong lần gần nhất một công dân Triều Tiên vượt qua đường biên giới liên Triều tại Bàn Môn Điếm, súng từ phía các binh sĩ Triều Tiên đã nổ và máu đã rơi. Nhưng trong ngày 9/1, khi phái đoàn Triều Tiên vượt qua đường phân chia căng thẳng nhất thế giới, không có tiếng súng nào vang lên. Từ cả hai miền, những tràng vỗ tay hoan nghênh nổ ra với niềm hy vọng về một thời kỳ mới cho quan hệ liên Triều.

Băng giá bao vây đối thoại liên Triều

Bất chấp cái lạnh cắt da cắt thịt 0 độ C với tuyết phủ trắng xóa mặt đất, phái đoàn Triều Tiên xuất hiện tại Bàn Môn Điếm chỉ với những bộ âu phục mỏng manh. Ri Son Gwon, chủ tịch Ủy ban Hòa bình thống nhất tổ quốc Triều Tiên, mở lời, chẳng ngần ngại nhắc tới một năm căng thẳng vừa qua.

"Chưa từng có mùa đông nào tuyết rơi dày như vậy. Sông núi của đất nước đều đóng băng cả rồi. Nhưng tôi nghĩ không hề phóng đại nếu nói quan hệ liên Triều còn băng giá hơn cả thời tiết", Reuters dẫn lời ông Ri.

Dam phan Trieu Tien Han Quoc anh 1
Ông Ri Son Gwon (giữa) dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên băng qua đường biên giới liên Triều tham gia cuộc đối thoại. Ảnh: AFP.

Nhưng người đứng đầu phái đoàn Triều Tiên đã lập tức xoa dịu không khí cuộc đối thoại khi tuyên bố sự mong mỏi thiết tha từ nhân dân hai miền, hy vọng vào sự cải thiện quan hệ liên Triều, đã giúp cuộc gặp gỡ được tổ chức.

"Thật tâm chúng tôi tới đây mong muốn mang tới thành quả tốt đẹp cho cuộc đối thoại, món quà năm mới vô giá dành cho những người anh em vốn rất kỳ vọng vào sự kiện này (ám chỉ Hàn Quốc)", ông Ri nói.

Bất chấp sự hoài nghi từ phía các đồng minh và đối tác như Mỹ và Nhật Bản, các quan chức Hàn Quốc kỳ vọng cuộc hội đàm có thể mang tới những kết quả tốt đẹp thay vì chỉ có những bức ảnh ngoại giao. Một trong những kết quả đó là sự cải thiện về căn bản mối quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng.

Ngay trước khi phái đoàn miền Nam đặt chân tới khu vực phi quân sự, khoảng 20 người Hàn Quốc đã xuất hiện, mang theo biểu ngữ "Chúc cho đối thoại cấp cao liên Triều thành công tốt đẹp". Một trong số họ tay vẫy lá cờ với hình ảnh một bán đảo Triều Tiên thống nhất.

Bước đầu phá băng

Cuộc gặp gỡ ngày 9/1 diễn ra sau một năm đầy ắp căng thẳng xung quanh chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng, cũng như màn đấu khẩu giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Vì vậy, không ngạc nhiên khi cả thế giới dõi theo từng diễn biến tại Bàn Môn Điếm.

"Có quá nhiều sự trông đợi vào cuộc đối thoại cấp cao hôm nay. Vì lẽ đó, chúng tôi nghĩ có lẽ chúng ta nên công khai cuộc họp cho công chúng. Các phóng viên ở đây, các bạn nghĩ sao nếu chúng tôi mở cuộc họp công khai?", ông Ri nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng bộ Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung Gyon cho rằng tốt hơn hết cuộc họp nên diễn ra theo đúng thông lệ và sẽ có buổi thông tin cho báo giới sau đó.

Dam phan Trieu Tien Han Quoc anh 2
Bộ trưởng bộ Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung Gyon (trái) và Chủ tịch Ủy ban Hòa bình thống nhất tổ quốc Triều Tiên Ri Son Gwon (phải) bắt tay trong cuộc đối thoại. Ảnh: AFP.

Trong phòng họp tại Bàn Môn Điếm, nhiều máy quay và microphone được lắp đặt giúp cho quan chức chính phủ hai miền, từ Seoul và Bình Nhưỡng, có thể điều hành cuộc họp trực tiếp. Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết Tổng thống Moon Jae In được cập nhật mọi thông tin về cuộc đối thoại nhưng từ chối xác nhận ông Moon có trực tiếp điều khiển phái đoàn Hàn Quốc từ xa hay không.

"Tổng thống có lịch trình riêng, ông ấy khó có thể ngồi trước màn hình suốt cả ngày", phát ngôn viên phủ tổng thống Hàn Quốc cho biết.

Trong cuộc đối thoại, ông Ri tuyên bố Mỹ và kho vũ khí của nước này là mối đe dọa tới quan hệ liên Triều. Người dẫn đầu phái đoàn miền Bắc khẳng định chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng không phải là vấn đề giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

"Vũ khí của Triều Tiên chỉ nhắm vào Mỹ và kho vũ khí của nước này chứ không nhắm vào những người anh em (Hàn Quốc), Nga hay Trung Quốc", ông Ri nói.

Sau hai phiên họp buổi sáng, ông Ri cùng phái đoàn Triều Tiên trở về phía bắc đường biên giới liên Triều để dùng bữa trưa tại Tongilgak, tòa nhà của Triều Tiên tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Phái đoàn Hàn Quốc dùng bữa trưa tại cơ sở do Seoul quản lý ở phía nam.

Quan chức hai miền hiếm khi cùng dùng bữa trong các sự kiện đối thoại liên Triều. Reuters nhận định bữa trưa là khoảng thời gian các quan chức xem xét lại nội dung đã được thảo luận cũng như nhận chỉ thị từ các lãnh đạo tại Seoul và Bình Nhưỡng.

Cuộc đối thoại ngày 9/1 mang tới những dấu hiệu nồng ấm đầu tiên. Triều Tiên cam kết gửi phái đoàn quan chức cấp cao, các vận động viên và một đội cổ vũ tới tham dự Olympics mùa đông Pyeongchang tổ chức tại Hàn Quốc vào tháng tới. 

Về phía Hàn Quốc, nước này đề nghị một số biện pháp nhằm làm giảm căng thẳng giữa hai miền, một trong số đó là dỡ bỏ một số lệnh cấm vận chống Triều Tiên. Tuy nhiên, quan chức Hàn Quốc cho biết tất cả mới chỉ là khởi đầu.

"Có thể bắt đầu cũng có nghĩa là chúng ta đã đi được một nửa cuộc hành trình. Nhưng quãng đường phía trước còn dài, chúng ta không thể trông chờ mọi sự tốt đẹp chỉ sau một cuộc thảo luận", Chung Hae Sung, thứ trưởng bộ Thống nhất Hàn Quốc, nói với Reuters.

Ngôi làng 'nằm kẹt' giữa cuộc đua tuyên truyền của 2 miền Triều Tiên Người dân làng Taesung trong khu phi quân sự (DMZ) giống như khán giả hàng ghế đầu của một võ đài, nơi chứng kiến và cảm nhận rõ nhất căng thẳng leo thang giữa 2 miền Triều Tiên.

Đối thoại liên Triều: Quan chức hai miền gặp nhau tại Bàn Môn Điếm

Quan chức đại diện hai miền bán đảo Triều Tiên đã chính thức gặp nhau lần đầu tiên trong hơn hai năm, sau nhiều tháng căng thẳng liên tục leo thang vì hạt nhân và tên lửa.

Đối thoại ở Bàn Môn Điếm: 'Phá băng' không dễ

Nếu Bình Nhưỡng lại thử vũ khí hay tập trận Mỹ - Hàn tiếp tục sau Thế vận hội thì kết quả của đối thoại Hàn Quốc - Triều Tiền, cho dù tích cực thế nào đi nữa, cũng chỉ là tạm thời.

Duy Anh

Theo Reuters

Bạn có thể quan tâm