Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đối thoại liên Triều: Quan chức hai miền gặp nhau tại Bàn Môn Điếm

Quan chức đại diện hai miền bán đảo Triều Tiên đã chính thức gặp nhau lần đầu tiên trong hơn hai năm, sau nhiều tháng căng thẳng liên tục leo thang vì hạt nhân và tên lửa.

Yonhap cho hay cuộc gặp đã bắt đầu lúc 10h sáng 9/1 (giờ địa phương) tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm (Panmunjom) ở khu phi quân sự giữa hai nước. Đại diện chính phủ Hàn Quốc có phát biểu khai mạc.

Ông Ri Son Gwon, trưởng đoàn đối thoại Triều Tiên, nói ông hy vọng hai bên sẽ đạt được những kết quả "quý giá" trong cuộc gặp.

"Chúng ta hãy trao cho người dân một món quà năm mới quý giá", ông Ri phát biểu đầu cuộc đối thoại. "Có một câu nói rằng nếu hai người cùng đi thì sẽ đi được quãng đường dài hơn chỉ một người đi".

Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myung Gyun nói Seoul tin rằng Thế vận hội Pyeongchang "sẽ trở thành một kỳ Olympics hòa bình khi đa số khách quý từ miền Bắc sẽ tham gia cùng những vị khách đến từ khắp nơi trên thế giới".

"Người dân vô cùng mong muốn nhìn thấy miền Nam và miền Bắc cùng hướng đến hòa bình và hòa giải", ông Cho nói thêm.

trieu tien gap han quoc anh 1
Quan chức 2 nước bắt tay trong cuộc gặp. Ảnh: Reuters.

Cuộc gặp diễn ra sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho hay trong bài phát biểu năm mới rằng Bình Nhưỡng có thể cử đoàn vận động viên tham dự Thế vận hội mùa đông Pyeongchang tại Hàn Quốc. Seoul đáp lại bằng việc đề nghị đối thoại cấp cao và hai bên đã nối lại đường dây nóng cuối tuần qua.

Trước cuộc gặp, Bộ trưởng Thống nhất Cho Myung Gyun, trưởng đoàn đối thoại 5 người của Hàn Quốc, cam kết sẽ hướng đến việc cải thiện quan hệ căng thẳng lâu năm giữa hai miền bán đảo Triều Tiên.

Seoul quảng bá Thế vận hội mùa đông Pyeongchang là "kỳ Olympics của hòa bình", song họ cần sự tham gia của Bình Nhưỡng để điều này có ý nghĩa. Sự kiện được tổ chức tại địa điểm chỉ cách khu phi quân sự khoảng 80 km về phía nam.

Nếu đoàn thể thao Triều Tiên tham dự Olympics, họ có thể sẽ được bố trí ở trên một du thuyền đậu tại Sokcho, cách nơi diễn ra các cuộc thi đấu khoảng một giờ lái xe. Điều này sẽ cho phép nhất cử nhất động của họ đều được Seoul kiểm soát.

Cả nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đều có thể can thiệp vào cuộc đối thoại bất kỳ lúc nào. Theo CNN, mỗi nhà lãnh đạo đều có đường dây nóng kết nối với Nhà Hòa bình cho phép họ "giám sát đối thoại theo thời gian thực và can thiệp nếu cần thiết".

trieu tien gap han quoc anh 2
Đoàn xe chở quan chức Hàn Quốc đi qua cầu Đại Thống Nhất để tiến vào Bàn Môn Điếm. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, chỉ Tổng thống Moon có thể theo dõi băng hình phát trực tiếp cuộc gặp trong khi nhà lãnh đạo Triều Tiên chỉ có thể nghe.

Theo Reuters, mỗi nước cử năm quan chức cao cấp, gặp nhau tại Nhà Hòa bình ở Bàn Môn Điếm. Một quan chức của Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết phía Triều Tiên đã đi qua đường biên giới nằm trong khu vực an ninh chung (JSA), tiến vào ngôi nhà ba tầng vào khoảng 9h30 (giờ địa phương).

Camera và micro được lắp đặt trong phòng để quan chức hai bên có thể theo dõi cuộc đối thoại.

Triều Tiên và Hàn Quốc về mặt kỹ thuật vẫn còn đang trong tình trạng chiến tranh bởi cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên cách đây hơn 50 năm kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn, không phải hiệp định hòa bình. Căng thẳng giữa Seoul và Bình Nhưỡng đã tăng vọt vào năm ngoái khi Triều Tiên đẩy mạnh chương trình hạt nhân và tên lửa.

trieu tien gap han quoc anh 3
Vị trí làng đình chiến Bàn Môn Điếm (Panmunjom) tại khu phi quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Đồ họa: AFP.
Giây phút binh sĩ Triều Tiên đào tẩu bị bắn trọng thương Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc đã công bố đoạn băng ghi lại cảnh binh sĩ Triều Tiên bị các đồng đội bắn nhiều phát súng khi cố chạy sang phía Hàn Quốc tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm.

Triều Tiên gặp Hàn Quốc hôm nay, lần đầu tiên sau hơn 2 năm

Cuộc gặp dự kiến bắt đầu lúc 10h sáng 9/1 tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm ở khu vực biên giới hai miền bán đảo Triều Tiên.

Việt Nam hoan nghênh đối thoại Triều Tiên - Hàn Quốc

Bộ Ngoại giao cho hay Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ các biện pháp liên quan tới tình hình bán đảo Triều Tiên nhằm thúc đẩy đối thoại, duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực.

Đông Phong

Bạn có thể quan tâm