Các nhà cách tân đang tìm cách phát triển vải từ cây tảo. Ảnh: Algalife/Atmos. |
Đâu là điểm chung giữa thân cây dứa, vỏ chuối, chân nấm, bã cà phê và sữa? Tất cả chúng đều nằm trong nhóm các nguyên liệu đang được chế biến thành vải và điều này tạo ra sự phát triển bùng nổ cho cái gọi là “vải chay” (loại vải được tạo ra mà không sử dụng và làm hại động vật).
Công ty khởi nghiệp Bolt Threads do Tiến sĩ hóa học Dan Widmaier điều hành đã tạo ra được một nguyên liệu thay thế da gọi là Mylo, được làm từ sợi nấm. Stella McCartney sử dụng nguyên liệu này cho dòng túi xách tay Falabella của cô. Được tạo thành từ lá dứa bỏ đi, Pinatex là một nguyên liệu khác thay thế cho da và nguyên liệu mới này đã được H&M và Hugo Boss sử dụng.
Như để chứng minh cho câu nói mọi thứ cũ rồi lại mới, một số loại vải trong nhóm này thực sự không phải mới mà là được khám phá lại. Len đậu nành, được làm từ bã đậu nành, là phiên bản mới của loại vải được chế tạo theo chỉ đạo của Henry Ford vào năm 1937 để làm nguyên liệu nhồi ghế cho những chiếc xe của Ford. Sợi chuối, được làm từ vỏ, thân, và vỏ cây chuối, vốn được dùng phổ biến suốt nhiều thế kỷ ở Nhật, nhưng sau đó chúng bị thay thế bằng bông và sợi tổng hợp.
Nguồn vải mới mà tôi hào hứng nhất là một loại cây siêu nhỏ, có thể trồng với số lượng lớn mà không đòi hỏi nhiều về năng lượng và nước: vi tảo. Đội phối hợp giữa cha và con gái, Renana và Oded Krebs, nằm trong số các nhà cách tân đang tìm cách phát triển vải từ cây tảo. Tham vọng của họ rất táo bạo. “Chúng tôi muốn trở thành cỗ máy xanh của cuộc cách mạng thời trang”, Renana chia sẻ với một phóng viên.
Khi đọc được lời tâm sự này, tôi biết rằng mình cần phải gặp cô và cha của cô, vì thế tôi đã lên đường tới sa mạc Negev của Israel để được tận mắt chứng kiến hệ thống canh tác vòng lặp kín trong trạng thái đang hoạt động.
Negev là một bối cảnh phù hợp cho các hoạt động đổi mới sáng tạo mang tầm nhìn xa, chỉ có điều tính khả thi của việc này không lớn. Vào năm 1948, sau khi trở thành thủ tướng của nhà nước Israel mới, David Ben-Gurion tuyên bố: “Sức sáng tạo và sức mạnh tiên phong của Israel sẽ được thử nghiệm tại chính Negev”. Quả thực, cả sức sáng tạo lẫn sức mạnh đều rất cần ở đây, bởi vì Negev là một trong những môi trường đáng sợ nhất trên Trái đất.
Với quang cảnh nơi nơi là cồn cát giống như trên Mặt trăng, sa mạc Negev nằm sát Biển Chết, không có sông, suối hay ao, hồ, [...] và nhiệt độ vào mùa hè đạt tới ngưỡng nóng bỏng 120 độ trong khi mùa đông lại rơi xuống dưới ngưỡng đóng băng. Hiện nay nơi này bao gồm một thành phố lớn, một trường đại học, một khu định cư, một số khu vực bảo tồn thiên nhiên, và các công ty đổi mới sáng tạo. Nếu Negev có thể trở thành trung tâm nuôi trồng tảo bền vững, khi đó triển vọng phát triển loại vải tuần hoàn toàn bộ sẽ trở thành thực tế trong vòng vài năm sắp tới.
Oded và Renana sở hữu những kỹ năng hoàn hảo để xây dựng nên công ty Algaeing. Renana là một nhà thiết kế thời trang từng giành giải thưởng với 15 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực này, còn Oded là một nhà sinh lý học thực vật từng đi khắp nơi trên thế giới để làm việc với các công ty năng lượng nhằm phát triển các loại nhiên liệu sinh học làm từ thực vật thay thế cho nhiên liệu hóa thạch - trong số đó nhiên liệu tảo là một ứng viên chủ chốt.
Nhưng điều gây ấn tượng nhất với tôi là niềm đam mê của họ trong việc hỗ trợ thúc đẩy một cuộc cách mạng trong ngành may mặc, và sự quyết tâm sắt đá của Renana trong việc thực hiện tầm nhìn mà cô đã đặt ra.
Thực ra, Renana chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ trở thành một doanh nhân. Cô đã thu hút được sự chú ý trong ngành thời trang quốc tế khi vẫn còn là sinh viên thuộc khoa Thiết kế và Nghệ thuật của Đại học Kỹ thuật Shenkar. Đồ án tốt nghiệp đại học của cô là một dòng comple và vali dành cho nam giới mọc rêu trên bề mặt, được đặt tên là “Hiệu ứng nhà kính”.
Cô đã dành sáu tháng trong phòng thí nghiệm để tìm ra giống rêu phù hợp, có thể tiếp tục mọc sau khi “được trồng” vào một loại vải linen dày. Mục đích của cô ở đây là kêu gọi sự chú ý tới mối liên kết giữa quần áo mà chúng ta mặc và thế giới tự nhiên, và cô lựa chọn rêu, bởi vì, như cô chia sẻ với tôi, “đó là một loại cây rất kỳ lạ” có thể sống không cần nước tới 20-30 năm và sau đó có thể lập tức hồi sinh.
Renana giải thích, cô muốn tạo ra loại trang phục “vẫn sẽ có đời sống riêng sau khi chúng được tạo ra”, đồng thời muốn kêu gọi sự chú ý của công chúng vào những hệ quả tai hại của ngành may mặc đối với hành tinh này. Từ nhỏ cô đã yêu thích cây cối, đặc biệt là rêu; cô từng phụ trách tưới nước cho các cây bonsai mà cha cô trồng trong nhà kính để bán trong trang trại nhỏ của gia đình ở miền bắc Israel.
Theo truyền thống trồng bonsai, Oded trồng rêu xung quanh gốc cây. Ông cũng là một người yêu thiên nhiên, sự nghiệp của ông cũng tập trung vào việc tìm hiểu mối cộng sinh của thế giới tự nhiên. Ông nói với tôi: “Khi anh làm việc với cây cối hàng ngày, anh sẽ nhìn nhận những gì mà tự nhiên mang đến cho mình từ góc độ các hệ thống thực vật".
TS Oded Krebs và Renana Krebs. Ảnh: billiondollarcollection. |
Nhiều người nói với Renana rằng cô sẽ không bao giờ có thể làm cho rêu mọc trên quần áo được, nhưng cô rất cương quyết - và nỗ lực của cô đã được trả công xứng đáng bằng những bài điểm tin trên trang nhất của báo chí quốc tế khi cô giới thiệu dòng sản phẩm của mình tại một buổi trình diễn các giải thưởng thiết kế.
Một phóng viên còn dí dỏm bình luận: “Renana Krebs không giặt quần áo, mà tưới nước cho chúng.” Cô phải mất vài tháng thương lượng mới đưa quần áo đi tham dự buổi trình diễn được, bởi vì bộ phận kiểm soát biên giới của New Zealand, nước chủ nhà tổ chức buổi trình diễn đó, muốn xếp chúng vào danh mục chất hữu cơ. Tinh thần bền bỉ không khoan nhượng này đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng lên công ty Algaeing.
Tính tới thời điểm diễn ra buổi trình diễn trên, cô đã làm chuyên gia thiết kế suốt nhiều năm cho một công ty ở miền nam nước Đức, và cũng đã từng đi đến nhiều trung tâm chế tạo vải ở châu Á, được chứng kiến tận mắt cái mà cô gọi là “tình trạng nô lệ hiện đại” trong ngành thời trang và sự hủy hoại của các con sông khi chúng bị chất nhuộm vải độc hại biến thành màu đỏ, tím, hay vàng cam.
Để chuẩn bị cho đồ án tốt nghiệp cao học, cô chế tạo một loại vải mịn màu trắng làm từ tảo, và loại vải mới này đã làm dậy lên mối quan tâm mạnh mẽ trong ngành - đây chính là nguồn cảm hứng để cô khởi dựng Algaeing.
Năm 2016, cô giành được suất đại diện cho Israel tham gia Thử thách Kinh doanh Sáng tạo, một cuộc thi được ví như “giải đấu vô địch thế giới giữa các doanh nhân sáng tạo”, và là một trong năm người lọt vào vòng cuối cùng.
Tiếp đó, cô giành được chỗ trong một chương trình vườn ươm khởi nghiệp của Fashion for Good và vào năm 2019 cô là một trong số bốn doanh nhân được chọn cho chương trình mở rộng quy mô của chính chương trình trên. Algaeing cũng giành được giải thưởng Global Change Award uy tín vào năm 2018 trị giá 150.000 euro do Quỹ H&M trao thưởng hàng năm để hỗ trợ những bước tiến triển vọng nhất trong lĩnh vực phát triển bền vững trong ngành thời trang.
Tất cả những sự ghi nhận ấy không chỉ nhờ vào năng lực xuất sắc của Renana trên cương vị một nhà thiết kế và một doanh nhân, mà còn nhờ vào tiềm năng kiến tạo sự thay đổi của công nghệ chế tạo vải mà cô và cha mình đã và đang phát triển. Họ kết hợp vi tảo với bột len được trồng hoàn toàn theo các phương pháp bền vững, và sau đó đưa hỗn hợp này đi qua một tấm lưới lọc có mắt cáo rất nhỏ để tạo thành sợi vải. Cô lựa chọn tảo làm thành phần chính không chỉ bởi vì có thể trồng tảo theo phương pháp có lợi cho môi trường, mà còn bởi vì, như cô nói, “nó còn có thể mọc rất nhanh”.
[...]
Dĩ nhiên, sử dụng nguyên vật liệu có ích cho Trái Đất mới chỉ là điểm xuất phát. Một điều quan trọng không kém là làm sao để bảo đảm rằng quần áo sẽ được mặc lâu hơn và có thể tái chế.