Sau khi biết thông báo được phép mở bán mang về ở địa bàn của mình, anh Nguyễn Mạnh Tùng (39 tuổi) - chủ quán bún chả trên phố Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) - cùng người nhà chuẩn bị đồ từ sớm. Anh Tùng mua lượng thịt làm chả ngang với lúc trước dịch, khoảng 60 kg. "Tầm trưa khách gọi đặt hàng liên tục. Nhân viên quán tôi chưa kịp lên nên phải huy động người nhà hỗ trợ", anh chia sẻ trong lúc vừa nướng chả vừa nghe điện thoại đặt hàng của khách. |
Dự đoán hàng này sẽ đông khách, hai anh Lưu Quang Hiếu (trái) và Đào Quang Trưởng (phải) gọi điện đặt trước. "Tôi mua 8 suất, mỗi suất 30.000 đồng cho cả nhà vì lâu lắm rồi mới được ăn bún chả", anh Hiếu cho biết. |
Anh Tùng chuẩn bị đủ lượng thịt để dự kiến bán tới 14h. Nhưng gần 12h, quán đã hết hàng. Anh Tùng phải liên tục từ chối khách. Nhiều người tỏ ra khá hụt hẫng khi không mua được bún chả. |
Tại một quán bún bò Huế trên đường Láng, khách xếp hàng dài chờ đến lượt. |
"Tôi mở cửa từ 6h hôm nay. Khoảng 10-12h30 là khoảng thời gian khách tới xếp hàng liên tục", anh Ba (34 tuổi, chủ quán) chia sẻ. Anh chuẩn bị lượng hàng bán cho cả ngày nhưng tới trưa quán đã không còn chả cua, móng luộc gần hết. Anh cho biết sẽ phải mua thêm vì còn bán tới tối. |
Xe máy của người tới mua bún bò tại một hàng khác cũng trên đường Láng được xếp kín trước cửa quán. |
"Từ sáng tôi chạy được khá nhiều đơn, còn bây giờ phải luôn giao 7 suất bún bò lên phố ngay cho kịp", người giao hàng này nói. |
Do không chuẩn bị kịp nên tới trưa quán phở trên đường Vũ Tông Phan (quận Thanh Xuân) mới mở cửa bán. |
Trong khi đó, nhiều quán ăn nổi tiếng khác vẫn đóng cửa im lìm. |