Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quá khứ của nước Đức trong văn chương Günter Grass

Tạp chí Der Spiegel từng đánh giá G.Grass là người “khai sinh ra nền văn học hậu chiến Đức, chỉ với một cuốn sách”.

G. Grass sinh ngày 16/10/1927 ở Danzig-Langfuhr, nay là Gdansk (Danzig) thuộc Ba Lan. Ông là nhà thơ, nhà văn, nhà biên kịch, nhà điêu khắc người Đức.

Cuốn tiểu thuyết đầu tiên, Cái trống thiếc, đã trở thành “phát ngôn viên” văn học của thế hệ người Đức lớn lên trong thời kì Quốc xã và sống sót sau chiến tranh. Năm 1999, ông được trao giải Nobel văn chương cũng chính nhờ cuốn tiểu thuyết đầu tay này.

Ông được xem là nhà văn đã phá vỡ sự im lặng của nước Đức về quá khứ của họ, không chỉ những gì Đức Quốc xã làm cho những người khác mà còn thể hiện sự truy vấn về những hệ quả mà người Đức đã phải hứng chịu trong và sau chiến tranh thế giới thứ II. Nhiều độc giả nước ngoài gọi G. Grass là “lương tâm của quốc gia”.

Kho tàng sáng tạo của Grass rất đồ sộ với hơn 30 tiểu thuyết, thơ, cùng với những tác phẩm nghệ thuật đồ họa và điêu khắc đặc sắc. Tuy nhiên, vai trò nổi bật nhất của cá nhân ông chính là một nhà văn, và tác phẩm nổi tiếng xuất sắc nhất của ông chính là Cái trống thiếc.

Thông qua nhân vật Oskar, Grass đã tạo dựng nên cả một xã hội Đức thời chiến tranh đầy sinh động. Đây là một cuốn sách có thể thể tìm thấy niềm an ủi trong sự sắc bén, hóm hỉnh và đầy riêng biệt.

OsKar trở thành một nhân vật điển hình của thế giới. Các nhân vật khác trong tiểu thuyết đều để lại dấu ấn sâu đậm, trong đó Anna Bronski, bà của Oskar cũng là một trong những nhân vật phụ xuất sắc của nền văn học thế giới.

ve tac gia Gunter Grass anh 1
Nhà văn G. Grass.

Tiểu thuyết Cái trống thiếc (1959) của ông gây nên sự kinh ngạc không phải vì nó cho thấy bi kịch của những người đã đầu hàng Hitler, nhưng vì nó cho thấy trò hề, hài kịch kỳ quái và kinh hoàng của sự đầu hàng đó. Một cuốn sách chất chứa những nét tinh hoa táo bạo nhất của văn chương Grass.

Là nhà văn cùng thế hệ hậu chiến, với Heinrich Boll, Walter Kempowski... Tuy nhiên, Grass được coi là một tác giả văn học chính yếu của thế hệ đó. Ông được đánh giá là người tiếp nối lịch sử văn học Đức, sau văn hào Thomas Mann.

Sau Cái trống thiếc, Grass viết thêm khá nhiều những tác phẩm lấy ý tưởng ngụ ngôn nữa, nhưng phải mãi cho đến khi tiểu thuyết Bò ngang ra đời, năm 2003, Grass mới lại một lần nữa khiến thế giới kinh ngạc.  

Tác phẩm kể chuyện con tàu Wilhem Gustloff bị bắn chìm, một con tàu du lịch chuyển sang chuyên chở dân tị nạn. Con tàu này bị tàu ngầm Liên Xô bắn chìm vào tháng Giêng năm 1945. Chín nghìn người chết chìm dưới đáy biển Ban-tích là một thảm họa đường thủy lớn nhất trong lịch sử.

Bò ngang là câu chuyện kể có sức quyến rũ và sự can đảm đặc biệt về tấn bi kịch đau thương trên biển, cũng là khắc họa lại những tan rã thê thảm trong quá khứ của người Đức. Bằng một phức cảm quá khứ mạnh mẽ về nước Đức, cùng với tài năng ngôn ngữ điêu luyện, khả năng tạo dựng không khí sống động, Grass đã khiến người đọc ngỡ ngàng khi bước vào thế giới của quá khứ do ông dụng công tạo nên.

Phong cách ngụ ngôn và hài hước luôn là phong cách đặc trưng xuyên suốt trong tiểu thuyết của Grass.

Cái trống thiếc chính một thành công đặc biệt của phong cách này. Cậu bé Oskar vĩnh viễn trong hình dạng ba tuổi, lần lượt chứng kiến tất thảy mọi điều xảy ra trong cuộc sống, là một dạng ẩn dụ cho quá khứ buồn thảm. Sau Cái trống thiếc, Grass viết tiếp các tác phẩm như Mèo và chuột, Những năm chó, dấn sâu hơn vào thể loại ngụ ngôn.

Trong Những năm chó (1963) tác giả kể về con chó Hoàng Tử (Prinz) được “nhân danh nhân dân Đức của thành phố Đức Danzig” tặng cho Hitler, và số phận của nó kết gắn với số phận nhiều người Đức trong những ngày cuối cùng của cuộc Thế chiến: Quốc trưởng “di chúc” con chó cho thần dân của mình. Hitler và con chó dường như thay chỗ cho nhau, và hóa ra những người Đức đã đổ máu xương vì một con chó… Một câu chuyện cười ra nước mắt,  vừa hỉ hả vừa đau đớn.

ve tac gia Gunter Grass anh 2
Cái trống thiếc - tác phẩm nổi bật nhất của Gunter Grass.

Càng về giai đoạn sau này, đặc biệt là từ sau khi đoạt giải Nobel, ngôn ngữ văn chương của G. Grass có một số chuyển biến theo hướng bi quan tăm tối hơn rất nhiều.

Quá khứ của nước Đức vẫn hiển hiện rõ qua từng giai đoạn đau buồn, nhưng Grass dường như lùi sâu hơn vào bản thế cá nhân mình. Cuốn hồi ký tự truyện Peeling the Onion (2010) chính là một điểm nổi bật của phong cách G. Grass trong giai đoạn sau cùng này.

Đây là là một cuốn hồi ký được G. Grass viết vào những năm cuối đời, nhưng lại khiến cuộc đời ông rơi vào bão tố và tranh chấp.

Việc tiết lộ mình từng là thành viên của Waffen - SS (lực lượng võ trang SS, một lực lượng mà sau khi chiến tranh kết thúc - tại Tòa án Nuremberg - đã bị kết tội là có những dính líu chính trị với đảng Quốc xã Đức, và vì thế những người lính của lực lượng này thường bị trừng phạt nghiệt ngã hơn so với các lực lượng khác của nước Đức phát xít), đã khiến đông đảo dư luận lên tiếng phản đối đối Grass. Thậm chí có nhiều độc giả còn yêu cầu Grass trả lại giải thưởng Nobel, bởi cho một kẻ “đạo đức giả” như ông không xứng đáng có được nó.

Dẫu vậy, cũng như người ta đã từng tranh cãi về Cái trống thiếc, cho rằng nó là sự phỉ báng đối với nước Đức, thì cuối cùng người ta cũng phải công nhận nó. Grass là một nhà văn tài năng, đó là điều không thể phủ nhận. Tạp chí Der Spiegel từng đánh giá G. Grass là người “khai sinh ra nền văn học hậu chiến Đức, chỉ với một cuốn sách”.

G. Grass thường so sánh công việc của một nhà văn với việc Sisyphus lăn tảng đá của mình, ông nói rằng đá của ông đang thu thập rêu, chờ đợi “một người đủ mạnh để di chuyển nó”.

Tại Việt Nam, một số tiểu thuyết của G. Grass gồm có: Cái trống thiếc (Dịch giả Dương Tường, 2002); Bò ngang (Dịch giả Anh Thư, 2004).

Thế giới văn chương hoài nghi và tăm tối của J.M.Coetzee

J.M.Coetzee là nhà văn có khả năng đi sâu vào những ngóc ngách tâm thần con người, đem tới cho người đọc cảm giác về sự đau đớn nên thơ trong văn chương.


Dạ Vũ

Bạn có thể quan tâm