Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quá khứ chưa biết về 'sư Thích Minh Tuệ'

Để hiểu hơn về người đàn ông xem mọi thứ là con số "0" này, phóng viên Tiền Phong đã có buổi chia sẻ với ông Lê Xuân, thân sinh ra "sư Thích Minh Tuệ".

Thich Minh Tue anh 1

Ông Lê Xuân chia sẻ với phóng viên về con trai Lê Anh Tú.

Cách thành phố Pleiku (Gia Lai) chừng 40 cây số, ông Lê Xuân (84 tuổi, thân sinh ra "sư Thích Minh Tuệ") cùng vợ sống trong căn nhà hai tầng khang trang ở một xã của huyện Ia Grai (Gia Lai). Dù lớn tuổi nhưng ông Xuân vẫn rất khoẻ mạnh, minh mẫn.

Ông Xuân kể, cách đây hơn 30 năm, ông cùng gia đình từ huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vào huyện Ia Grai (Gia Lai) lập nghiệp. Ông Xuân cùng vợ có 3 người con trai và 1 người con gái. Trong đó anh Lê Anh Tú là người con thứ hai, hiện đã 43 tuổi.

Thich Minh Tue anh 2

Cảnh sát giao thông một số tỉnh đã phân luồng, hướng dẫn người dân đi theo “sư Thích Minh Tuệ” đảm bảo an toàn giao thông

Ông Xuân chia sẻ, ngay từ nhỏ, Tú là người con trai lành hiền, hiếu thảo, học lực khá nên được mọi người quý mến. Học xong phổ thông, theo nghiệp bố, anh Tú đi bộ đội chừng 3 năm, sau đó theo học Trường Trung cấp lâm nghiệp Tây Nguyên (Gia Lai).

Ra trường, anh Tú làm đo đạc cho một công ty tư nhân ở Đắk Lắk. Thời điểm này anh Tú đọc những sách về Phật nên đã ăn chay, tu tại gia. Gia đình hồi ấy cũng khá lo lắng vì không thấy anh có bạn gái, tâm tư cũng không muốn lập gia đình.

“Gần 10 năm về trước Tú có đọc sách về Phật pháp nên phát nguyện đi tu. Lúc ấy tôi nói đi tu rất khó khăn nhưng đã quyết thì phải tu trọn vẹn, không được phá giới, phải chân cứng đá mềm, không tham lam sân si. Lúc đi Tú để lại cho tôi một cái đồng hồ, điện thoại, tủ lạnh, 8 mét vải màu vàng”, ông Xuân nói.

Thich Minh Tue anh 3

“Sư Thích Minh Tuệ” thời điểm đi bộ đội.

Ông Xuân bộc bạch, hai người con trai còn lại cũng theo truyền thống của cha, đi bộ đội trước khi đi học nghề. Anh trai của “sư Thích Minh Tuệ” sau khi đi bộ đội về học hành, rồi làm giám đốc một doanh nghiệp có vốn nhà nước ở Gia Lai. Bởi vậy gia đình ông Xuân hiện thuộc diện khá ở địa phương.

Lau giọt nước mắt, ông Xuân bày tỏ sự thương nhớ con trai. Tuy vậy qua mạng xã hội, ông thấy con trai mình được mọi người ủng hộ nhiều nên thấy rất ấm lòng.

"Vợ tôi đẻ rơi Tú ngoài đường, do lúc ấy đi làm ruộng nên về nhà không kịp. Từ nhỏ Tú đã có lòng từ bi với mọi người, không bao giờ muốn làm ai buồn lòng. Ai em nó cũng xem là cha mẹ, phải học hỏi. Tú đi cả chục năm nay chưa về rồi nhưng thời gian này mọi người mới để ý nhiều", ông Xuân xúc động.

Ngày 16/5, Ban Tôn giáo Chính phủ có gửi văn bản tới các Ban/Phòng Tôn giáo (Sở Nội vụ) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về trường hợp ông Thích Minh Tuệ - nổi tiếng trên mạng xã hội vì mặc trang phục mang hình thức như tu sĩ Phật giáo, đi bộ từ Nam ra Bắc, rồi từ Bắc vào Nam. Theo bước đầu xác minh, ông Thích Minh Tuệ tên thật là Lê Anh Tú (sinh năm 1981 tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), không phải là tu sĩ Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trước đây ông Thích Minh Tuệ đã ba lần đi bộ theo hình thức thực hành phương pháp tu tập "hạnh đầu đà" nhưng không thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Đến lần thứ tư này, hành trình của ông Minh Tuệ đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, có thời điểm lên tới hàng trăm người đi theo.

Trong đoàn đi theo có tín đồ phật tử, có những người hiếu kỳ và nhóm tiktoker, youtuber quay clip, livestream đăng tải trên các trang mạng xã hội tạo nên “hiện tượng Thích Minh Tuệ”, thu hút sự quan tâm của dư luận và có nhiều bình luận theo các chiều hướng khác nhau.

Cùng ngày, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - ký văn bản số 151 thông báo về việc người được mạng xã hội gọi là "sư Thích Minh Tuệ" không phải là tu sĩ Phật giáo.

Ông Thích Minh Tuệ giãi bày về những 'ồn ào' quanh mình

Ông Thích Minh Tuệ chia sẻ 6 năm qua, không liên lạc với gia đình bởi tu tập nên không dùng điện thoại. Ông muốn bộ hành trọn đời, thực hành những lời dạy của đức Phật.

Giáo hội Phật giáo lên tiếng về người được cho là 'Sư Thích Minh Tuệ'

Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định người được cho là "Sư Thích Minh Tuệ" không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập, không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào.

Sách hay về xã hội

Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.

Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

https://tienphong.vn/qua-khu-chua-biet-ve-su-thich-minh-tue-post1638191.tpo

Tiền Lê/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm