Theo AFP, một tàu chở dầu bị bỏ hoang ngoài bờ biển Yemen chứa lượng dầu thô tương đương 1,1 triệu thùng (150.000 tấn) đang xuống cấp trầm trọng và có thể chìm xuống biển bất cứ lúc nào.
Liên Hợp Quốc và các chuyên gia cảnh báo nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là một thảm hoạ sinh học cho môi trường sống ở Biển Đỏ.
Con tàu mang tên FSO Safer đã có tuổi đời 45 năm và đang được neo đậu ngoài khơi cảnh Hodeida, dưới sự kiểm soát của lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn. Lực lượng này ban đầu đã chặn nỗ lực của Liên Hợp Quốc nhằm gửi một nhóm chuyên gia đến đánh giá hiện trạng của con tàu.
Kể từ khi cuộc chiến Yemen nổ ra cách đây 5 năm, con tàu đã nằm đó mà không nhận được sự bảo dưỡng hay sửa chữa nào.
Hôm 12/7, có thông tin cho rằng lực lượng Houthi - bên đang kiểm soát phần lớn miền Bắc Yemen - đã đồng ý với đề nghị của Liên Hợp Quốc, và gửi một bức thư chấp thuận cho phép nhóm chuyên gia đến khảo sát tình hình của con tàu chở dầu.
Tàu FSO Safer được neo đậu tại một vị trí trong suốt 5 năm qua ngoài khơi cảng Hodeida của Yemen, sau khi lực lượng Houthi chiếm được con tàu từ công ty dầu khí quốc doanh Yemen. Ảnh: CBS. |
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức phiên họp đặc biệt vào ngày 15/7 tới để đánh giá cuộc khủng hoảng, sau khi nước được cho là đã tràn vào phòng máy của con tàu - "điều có thể dẫn tới một thảm hoạ", theo ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
"Chúng tôi hy vọng quá trình sắp xếp về mặt hậu cần sẽ nhanh chóng hoàn thành để nhiệm vụ này có thể bắt đầu", ông Dujarric nói.
Chính phủ Yemen, bên kêu gọi Liên Hợp Quốc giải quyết vấn đề này, đã cảnh báo rằng tàu Safer có thể phát nổ và điều đó sẽ "gây ra thảm hoạ môi trường lớn nhất khu vực và toàn cầu".
Ông Mohamed Ali al-Houthi, một trong những lãnh đạo hàng đầu của lực lượng Houthi, cho biết rằng phe nổi dậy muốn đảm bảo rằng con tàu chở dầu sẽ được sửa chữa, và lượng dầu trên boong sẽ được bán để trả lương cho các tay súng của lực lượng này.
Lượng dầu trên tàu được ước tính có giá trị vào khoảng 40 triệu USD, một nửa so với mức giá trước đại dịch Covid-19, mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng dầu trên tàu có thể có chất lượng thấp, và số tiền thu về có khi còn ít hơn.
Cũng như nhiều vấn đề kinh tế và viện trợ khác ở Yemen, số phận của tàu chở dầu Safer đã bị biến thành con bài mặc cả trên bàn đàm phán. Phe Houthi bị cáo buộc sử dụng mối đe doạ về một thảm hoạ môi trường để kiểm soát giá trị hàng hoá của con tàu.
Thủ tướng Yemen Maeen Abdulmalik Saeed hôm 9/7 cho rằng tiền thu về từ số dầu trên tàu nên nên được dành cho các dự án y tế và nhân đạo.