Quốc gia "tí hon" về diện tích Qatar đã dành 12 năm để chuẩn bị công tác tổ chức cho World Cup 2022. Trong hơn một thập kỷ, Qatar đã chi hàng trăm tỷ USD để "vẽ lại" bộ mặt đất nước, xây thêm sân vận động, khách sạn, đường sá, và cả một hệ thống tàu điện ngầm mới.
Nhưng mãi tới hôm 18/11, tức 2 ngày trước khi World Cup khởi tranh, quốc gia Hồi giáo mới ra quyết định cuối cùng, cấm bán đồ uống có cồn tại các sân vận động tổ chức World Cup, theo New York Times.
Sức ép từ hoàng gia
Tại các quốc gia Hồi giáo Trung Đông, đồ uống có cồn tuyệt đối bị cấm, kể cả với nhân viên ngoại giao nước ngoài vốn được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ gần như tuyệt đối, và Qatar không phải ngoại lệ.
Kể từ khi Qatar được chọn làm nước chủ nhà World Cup 2022, giới chức Qatar và lãnh đạo liên đoàn bóng đá thế giới đã nhiều lần trấn an người hâm mộ rằng bia - đồ uống không thể thiếu trong các sự kiện thể thao toàn cầu - sẽ không bị cấm.
Ban đầu, giới chức Qatar dự định cho phép bán bia tại sân vận động 3 giờ trước trận đấu và 1 giờ sau trận đấu. Cổ động viên không được phép mang bia lên khán đài.
Thế nhưng, quyết định đưa ra hôm 18/11 là toàn bộ đồ uống có cồn bị cấm tại khu vực khuôn viên sân vận động. Người hâm mộ chỉ có thể mua đồ uống không cồn.
Đồ uống có cồn sẽ bị cấm tại các sân vận động Qatar. Ảnh: Reuters. |
Theo CNBC, Qatar không cấm hoàn toàn bia rượu. Đồ uống có cồn vẫn được bán cho du khách tại một số khách sạn, nhà hàng được cấp phép.
Bên cạnh đó, trong mùa World Cup, đồ uống có cồn cũng được bán tại các khu vực đặc biệt dành cho cổ động viên sau 18h30. Các cổ động viên say xỉn sẽ được đưa tới một khu vực đặc biệt để tỉnh lại.
"FIFA và nước chủ nhà sẽ bảo đảm sân vận động và các khu vực xung quanh mang lại trải nghiệm tận hưởng, thoải mái, tôn trọng dành cho tất cả cổ động viên", FIFA cho biết.
Theo New York Times, việc chính sách đồ uống có cồn liên tục thay đổi là dấu hiệu cho thấy quyết định đến từ các tranh cãi chính trị trong nội bộ nước chủ nhà, thậm chí có thể trực tiếp từ Hoàng gia Qatar.
Một số nguồn tin cho biết quyết định cấm đồ uống có cồn tại sân vận động được đưa ra sau chỉ đạo của Sheikh Jassim bin Hamad bin Khalifa Al Thani - anh trai của Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani.
Ông Sheikh Khalifa là thành viên Qatar tích cực nhất trong tổ chức World Cup. Vị hoàng thân này coi đồ uống có cồn là vấn đề "không tranh cãi".
Quyết định cấm đồ uống có cồn là xung đột mới nhất giữa Qatar và FIFA, khiến cả hai bên vấp phải sự phản đối từ một bộ phận người hâm mộ quốc tế.
Năm 2014, FIFA từng gây sức ép buộc Brazil đổi luật và cho phép bán bia trong các sân vận động, điều đã bị cấm tại quốc gia Nam Mỹ kể từ 2003 để ngăn tình trạng bạo lực.
Thế nhưng FIFA dường như bất lực trước sức ép từ nước chủ nhà Qatar. Điều này làm dấy lên hoài nghi về những lời hứa khác mà Qatar và FIFA đưa ra trước đó, như bảo đảm quyền của cộng đồng LGBTQ và quyền tự do biểu đạt tại World Cup năm nay.
"Quay xe" tiền hỗ trợ cổ động viên
Cấm bán bia không phải quyết định "quay xe" duy nhất mà Qatar đưa ra hôm 18/11. Trong một diễn biến bất ngờ khác, nước chủ nhà đã cắt tiền hỗ trợ sinh hoạt phí cho một số cổ động viện được mời tham dự lễ khai mạc World Cup, Guardian cho biết.
Ban đầu, Cơ quan Di sản Qatar lập ra chương trình có tên Mạng lưới Lãnh đạo Cổ động viên nhằm "đóng góp vào việc lên kế hoạch giải đấu thông qua hiểu biết về người hâm mộ, nghiên cứu, tạo nội dung và khuếch đại thông điệp", theo Guardian.
Theo đó, chính phủ Qatar trả tiền vé máy bay khứ hồi, cung cấp chỗ ở, tiền sinh hoạt phí tối thiểu 14 ngày, vé tham dự một số sự kiện tại World Cup cho các cổ động viên. Một trong các sự kiện là lễ khai mạc ngày 20/11.
Cổ động viên đồng ý tham gia chương trình sẽ phải ký cam kết quảng bá giải đấu và các trải nghiệm tại Qatar bằng cách ấn "thích" và chia sẻ lại các bài đăng về World Cup trên mạng xã hội.
Qatar hủy kế hoạch trả tiền hỗ trợ cổ động viên tham dự World Cup. Ảnh: Reuters. |
Hơn 400 cổ động viên từ 60 quốc gia đã được mời tham gia chương trình Mạng lưới Lãnh đạo Cổ động viên, theo ESPN.
Thế nhưng, những thông tin bất lợi trên truyền thông quốc tế trước thềm lễ khai mạc dường như là nguyên nhân khiến Qatar hủy bỏ kế hoạch chi trả sinh hoạt phí cho cổ động viên tham gia chương trình Mạng lưới Lãnh đạo Cổ động viên, Guardian hôm 18/11 đưa tin.
"Trợ cấp ban đầu nhằm mục đích hỗ trợ một phần nhỏ chi phí cá nhân trong thời gian các bạn tới Qatar. Do những diễn biến gần đây trên truyền thông, chúng tôi muốn bảo vệ các cổ động viên trước thông tin sai lệch về việc 'cổ động viên được trả tiền', do đó sinh hoạt phí sẽ bị cắt", nội dung từ bức thư mà nhà chức trách Qatar gửi tới cổ động viên.
Phía Qatar yêu cầu các cổ động viên chuẩn bị đủ tiền để chi trả sinh hoạt phí trong thời gian tham dự World Cup. Nước chủ nhà vẫn sẽ chi trả tiền vé máy bay, chỗ ở và vé tham dự lễ khai mạc.
Quyết định được đưa ra không lâu sau khi tờ Marca của Tây Ban Nha đưa tin về nghi vấn 8 cầu thủ Ecuador được trả số tiền 7,4 triệu USD để dàn xếp tỷ số trong trận khai mạc với đội chủ nhà Qatar.
Liên đoàn Bóng đá Qatar cũng như FIFA chưa đưa ra bình luận về vụ việc.
Những cuốn sách hay về thể thao
Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo, Lê Công Vinh...