Trong khoảng 25 năm qua, Qatar - quốc gia nhỏ bé vùng vịnh Ba Tư - đã vận chuyển lượng khí đốt tự nhiên ngày càng tăng tới nhiều khách hàng trên thế giới. Do vậy, quốc gia này đã tích lũy khối tài sản dồi dào và đạt được tầm quan trọng về mặt địa chính trị.
Giờ đây, một phần do “chiến dịch quân sự” của Nga ở Ukraine, ảnh hưởng của Qatar sẽ còn gia tăng hơn nữa.
Khi Mỹ và các đồng minh châu Âu tìm cách loại bỏ dầu Nga, phương Tây đã coi nhiên liệu từ Qatar như một phương án thay thế. Mặc dù Qatar không thể vận chuyển lượng khí đốt bổ sung đến châu Âu ngay lập tức vì phần lớn sản lượng của họ vẫn nằm trong hợp đồng ở những nơi khác, họ đang đầu tư hàng chục tỷ USD để tăng sản lượng lên khoảng 2/3 vào năm 2027.
Thời cơ
Trong một cuộc phỏng vấn, Saad Al-Kaabi, Bộ trưởng Năng lượng Qatar và là người đứng đầu công ty xăng dầu QatarEnergy, cho biết khoảng một nửa lượng khí đốt đó có thể được chuyển đến châu Âu.
“Tất cả điều kiện đều phù hợp để giúp Qatar trở thành một nhà xuất khẩu LNG (khí đốt tự nhiên hóa lỏng) quan trọng với châu Âu”, Cinzia Bianco, một nhà nghiên cứu về vùng Vịnh tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu, cho biết.
Sự quan tâm ngày càng gia tăng đối với khí đốt của Qatar là bước ngoặt lớn đối với quốc gia này. Theo ông Al-Kaabi, các quốc gia từng nói “chúng tôi không cần các công ty dầu khí”, giờ đây lại nói “hãy giúp chúng tôi và sản xuất nhiều hơn”.
Sự thay đổi đó là do “chiến dịch quân sự” của Nga ở Ukraine. Đột nhiên, các nước châu Âu, vốn phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga, đang tranh giành để tìm các nguồn nhiên liệu thay thế. Điều đó đã giúp Qatar nhận được nhiều sự quan tâm.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani. Ảnh: New York Times. |
Vào tháng một, lo ngại Nga tấn công Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Qatar là một "đồng minh lớn không thuộc NATO" và tiếp đón Tiểu vương Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani tại Nhà Trắng.
Đây là lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia vùng Vịnh nhận được sự chào mừng theo cách như vậy từ ông Biden. Các vấn đề năng lượng đã được đề cao trong chương trình nghị sự.
Sau khi “chiến dịch quân sự” nổ ra tại Ukraine, Thủ tướng Anh Boris Johnson điện đàm với ông Sheikh Tamim để thảo luận về “đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt bền vững” và các vấn đề khác. Một số nhà lãnh đạo cấp cao của châu Âu cũng bay đến Qatar để thảo luận về vấn đề năng lượng.
Tuy nhiên, khả năng của Qatar trong việc xoa dịu khủng hoảng khí đốt ở châu Âu trong thời gian tới là rất hạn chế. Ông Al-Kaabi cho biết khoảng 85% sản lượng hiện tại của họ vẫn nằm trong các thỏa thuận dài hạn, chủ yếu là ở châu Á.
“Sự nghiêm minh của các hợp đồng và danh tiếng của chúng tôi là điều tối quan trọng, vì vậy tôi không thể đến gặp khách hàng và nói: ‘Xin lỗi, tôi cần giúp đỡ châu Âu’”, ông nói.
Tuy nhiên, nhiều năm trước khi xung đột ở Ukraine xảy ra, Qatar đã bắt đầu dự án với chi phí ước tính là 45 tỷ USD để xây dựng hai nhà máy khí đốt mới và tăng sản lượng hàng năm lên 64%, ông Al-Kaabi nói.
Khí đốt đó sẽ bắt đầu thâm nhập thị trường vào năm 2026, và rất có thể sẽ được phân chia giữa những người mua ở châu Âu và châu Á.
Trong khi đó, Qatar đã đầu tư vào các cảng tiếp nhận LNG ở Bỉ, Anh và Pháp. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cũng đã phân bổ hơn 3 tỷ USD để xây dựng các cảng nổi ngoài khơi. Pháp và Italy đang cân nhắc các lựa chọn tương tự.
David Roberts, phó giáo sư về quan hệ quốc tế tại King’s College London, cho biết khi phát hiện ra khí đốt tự nhiên trong vùng lãnh hải của mình vào đầu những năm 1970, giới chức Qatar đã thất vọng về việc đó không phải là dầu mỏ.
Gia tăng tầm ảnh hưởng
Theo ông, trong 20 năm đầu, không ai muốn nó vì không ai hình dung ra thị trường cho loại nhiên liệu này. Sau đó, những tiến bộ công nghệ đã mang đến cơ hội. Trong những năm 1990, Qatar và các đối tác quốc tế đã đổ hàng tỷ USD để tạo ra ngành công nghiệp LNG.
Trước đây, khí đốt tự nhiên được vận chuyển bằng đường ống, hạn chế khả năng vận chuyển xa. Tuy nhiên, khi nó được làm lạnh đến âm 260 độ F, khí hóa lỏng và giảm thể tích khiến một lượng lớn LNG có thể được vận chuyển khắp thế giới.
Vào thời điểm đó, LNG được coi là một cuộc đánh cược tốn kém và đầy rủi ro, nhưng thị trường nhiên liệu này đã phát triển và giúp Qatar đạt được thành công lớn. Điều đó giúp Qatar vươn lên trở thành một trong những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới.
Nguồn thu từ LNG đã giúp Qatar nhanh chóng phát triển. Ảnh: New York Times. |
Thủ đô Doha phát triển vượt bậc, mọc lên hàng loạt tòa nhà chọc trời cùng với khách sạn và trung tâm mua sắm sang trọng.
Năm nay, Qatar sẽ tổ chức World Cup, giúp quốc gia này thể hiện hình ảnh của mình với 1,5 triệu người hâm mộ bóng đá trên khắp thế giới. Qatar cũng sử dụng sự giàu có của mình để đóng một vai trò lớn hơn trong chính trị khu vực.
Qatar sẽ tạo được ảnh hưởng như thế nào trong tương lai là một câu hỏi bỏ ngỏ, nhưng hiện tại, nước này đang thu hút sự chú ý của quốc tế nhờ khí đốt của mình.
Trong chuyến thăm đến thành phố công nghiệp Ras Laffan ở phía đông bắc đất nước, ban lãnh đạo QatarEnergy giới thiệu về hai nhà máy đã chế biến khí đốt để bán từ những năm 1990 và mô tả các kế hoạch mở rộng trong tương lai. Họ nói rằng trên những mảnh đất rộng lớn sẽ có hai nhà máy mới và một nhà máy hóa dầu.
Hai nhà máy LNG đang được xây dựng gần cảng ở Ras Laffan. Ảnh: AFP. |
Sáu chiếc tàu chở khí đã cập cảng ở Ras Laffan để vận chuyển LNG. Mohammed Al-Mohannadi, một giám sát tại cảng, cho biết nhiều người khác cũng đang chờ đợi trên biển.
“Tất cả điều kỳ diệu xảy ra ở đây”, ông nói.
Ông Al-Kaabi cũng rất hài lòng về việc khí đốt đã giành được sự quan tâm.
Ông cho biết trong nhiều năm trước xung đột Ukraine, ông đã đàm phán với các công ty lớn của Đức về việc xây dựng cảng nổi để tiếp nhận LNG, song chính phủ Đức không đưa ra sự phê chuẩn cần thiết.
Tuy nhiên, sau khi xung đột ở Ukraine xảy ra, bộ trưởng Năng lượng của Đức đã bay đến Doha và cho biết chính phủ sẽ thúc đẩy các dự án đó.
“Chính phủ (Đức) hiện đã thay đổi 180 độ”, ông Al-Kaabi nói.