Theo Bloomberg, Qatar đã gây tranh cãi ngay từ khi giành quyền đăng cai FIFA World Cup 2022 vì thời tiết khắc nghiệt và những thách thức về logistics. Đất nước chỉ có một sân vận động cũ kỹ, một vài khách sạn và kinh nghiệm về du lịch đại chúng bằng 0.
Đất nước không có gì ngoài một khoản tiền khổng lồ. 12 năm sau khi giành quyền đăng cai giải đấu, với 300 tỷ USD, quốc gia nhỏ bé này đã sẵn sàng chào đón những cầu thủ hàng đầu thế giới cùng khoảng 1 triệu người hâm mộ cuồng nhiệt nhất của họ.
Qatar giờ đã có thêm 7 sân vận động, 20.000 phòng khách sạn, một tuyến metro và hơn 1.770 km đường mới. Đó là thành quả của một thập kỷ đầu tư và xây dựng không ngừng nghỉ.
Qatar đã có thêm 20.000 phòng khách sạn mới. Ảnh: Reuters. |
Cải thiện hình ảnh
Qatar không chỉ chi mạnh vào World Cup. Kể từ khi giành quyền đăng cai sự kiện, quốc gia này đã vung tiền mua phần lớn cổ phần của đội bóng hàng đầu nước Pháp Paris Saint-Germain và 22% cổ phần tại CLB Bồ Đào Nha SC Braga.
Qatar cũng tổ chức một chặng của Giải đua xe Công thức 1 vào đầu năm ngoái, và giành được hợp đồng đăng cai môn thể thao này trong 10 năm, bắt đầu từ năm sau.
"Sự giàu có của các quốc gia vùng Vịnh, trong khi quy mô dân số nhỏ, giúp họ có thể đầu tư để quảng bá hình ảnh quốc gia. Những sự kiện thể thao lớn sẽ làm tăng uy tín quốc gia và thu hút du khách", bà Dania Koleilat Khatib, học giả tại Viện Hoover thuộc Đại học Stanford, bình luận.
Việc đăng cai World Cup sẽ giúp củng cố hình ảnh của Qatar
Ông Giorgio Cafiero - Giám đốc điều hành của công ty tư vấn rủi ro Gulf State Analytics (có trụ sở tại Washington)
"Việc đăng cai World Cup sẽ giúp củng cố hình ảnh của Qatar", ông Giorgio Cafiero - Giám đốc điều hành của công ty tư vấn rủi ro Gulf State Analytics (có trụ sở tại Washington) - bình luận.
"Sự kiện sẽ thể hiện Qatar là một nước có tư duy cầu tiến, tiến bộ, hướng ngoại và cam kết gắn kết người với người", ông nói thêm.
Nói cách khác, đó sẽ là nơi thích hợp để chiêu đãi khách hàng, tổ chức hội nghị hay nghỉ dưỡng với gia đình.
Một trong những vấn đề của Qatar trong kỳ World Cup 2022 là không đủ nơi ở cho người hâm mộ. Để đáp ứng nhu cầu tăng vọt, Qatar đã cho thuê các du thuyền xa xỉ, khuyến khích người dân cho khách du lịch thuê nhà, thiết lập hệ thống chuyến bay để người hâm mộ có thể ở lại những nước lân cận.
Hàng nghìn phòng trong các khách sạn sang trọng được dành cho quan chức FIFA và cầu thủ. Ông Nasser Al Khater - Giám đốc FIFA World Cup Qatar 2022 - cho biết nước này cũng sẽ tăng nguồn cung phòng để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Đẩy mạnh quảng bá du lịch
Thập kỷ tới là giai đoạn then chốt với các nước phụ thuộc vào nguồn thu từ nhiên liệu hóa thạch như Qatar.
Nhiều quốc gia và doanh nghiệp đã xác định năm 2023 là thời điểm bắt đầu giảm mức tiêu thụ năng lượng. Một số nước cũng đang đẩy mạnh tìm kiếm các giải pháp thay thế để làm chậm quá trình biến đổi khí hậu.
Bản thân Qatar cũng đã đặt mục tiêu trung hòa carbon tại kỳ World Cup này, nhưng giới nghiên cứu vẫn hoài nghi về cách tính toán của họ.
Trong ngắn hạn, những quốc gia như Qatar sẽ hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga - Ukraine. Là một trong những nước xuất khẩu LNG (khí đốt tự nhiên hóa lỏng) hàng đầu, Qatar có thể kiếm bộn từ nhu cầu ngày càng gia tăng của châu Âu.
Nhưng xung đột cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các quốc gia nhập khẩu dầu khí về an ninh năng lượng, thúc đẩy họ giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Qatar, Saudi Arabia và UAE đều đang cải thiện hình ảnh, để thế giới không chỉ nhớ tới họ như những nước sản xuất nhiên liệu hóa thạch.
Các sự kiện thể thao lớn sẽ làm tăng uy tín quốc gia và thu hút du khách. Ảnh: Reuters. |
Các nước láng giềng cũng đang đẩy mạnh quảng bá du lịch. UAE đặt mục tiêu đến cuối thập kỷ, du lịch sẽ đóng góp vào 15% GDP.
Trong khi đó, Qatar đang đặt mục tiêu 6 triệu du khách mỗi năm, tăng gấp đôi so với năm 2016. Dĩ nhiên, các quốc gia vùng Vịnh không thể đạt được những con số đó mà không thay đổi hình ảnh của mình trong mắt du khách.
Các sự kiện thể thao không chỉ đem lại lợi ích về mặt tăng trưởng kinh tế. Đối với Qatar, chỉ 5 năm trước, căng thẳng khu vực đã khiến Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao, thương mại, du lịch với quốc gia này.
Một số báo cáo còn cảnh báo về khả năng can thiệp quân sự của Saudi Arabia. Căng thẳng chấm dứt vào năm ngoái nhờ sự can thiệp của Mỹ. Cùng với đó là lợi ích kinh tế tiềm năng của các quốc gia láng giềng nhờ làn sóng du khách World Cup sắp đến khu vực.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế.