Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Qantas rút vốn, Jetstar Pacific sẽ đổi tên thành Pacific Airlines

Sự hiện diện của thương hiệu Jetstar Pacific trong suốt 12 năm qua sẽ chấm dứt khi Qantas chuyển toàn bộ cổ phần hãng bay cho Vietnam Airlines.

Jetstar Pacific - hãng hàng không có vốn Nhà nước lớn thứ 2 tại Việt Nam - đang đứng trước nhiệm vụ cải tổ toàn bộ hệ thống cũng như "thay tên, đổi chủ" để cải thiện kết quả kinh doanh hơn 10 năm qua.

Theo khẳng định của Vietnam Airlines, Jetstar Pacific sẽ đổi thương hiệu thành Pacific Airlines, với logo và bộ nhận diện thương hiệu mới. Thời điểm thay đổi thương hiệu sẽ dựa theo quyết định của nhà chức trách.

Chia sẻ với báo chí, ông Trịnh Hồng Quang, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines kiêm Chủ tịch HĐQT Jetstar Pacific, cho biết Vietnam Airlines đang đàm phán với Tập đoàn Qantas về việc chuyển toàn bộ cổ phần Qantas đang nắm giữ tại Jetstar Pacific sang cho Vietnam Airlines.

Jetstar Pacific tai co cau anh 1

Bản phác thảo diện mạo mới của máy bay Pacific Airlines.

"Qantas sẵn sàng rút lui để Vietnam Airlines nắm cổ phần chính (98%) của Jetstar Pacific. Chúng tôi sẽ có cơ hội tái cơ cấu như mong muốn", ông Quang chia sẻ.

Lãnh đạo Jetstar cho biết tiến trình tái cơ cấu sẽ tập trung vào 3 việc chính là chuyển đổi thương hiệu, tái cơ cấu cổ đông và đổi mới hệ thống bán vé.

Ở khâu chuyển đổi thương hiệu, hãng sẽ từ bỏ tên Jetstar Pacific tồn tại 12 năm để chuyển thành Pacific Airlines. Logo nhận diện thương hiệu và màu sơn của máy bay cũng sẽ được đổi mới.

Khi bước vào giai đoạn tái cơ cấu, mục tiêu trước mắt của Pacific Airlines là tồn tại và vượt qua khủng hoảng, tiếp đó là tăng vốn và mở rộng quy mô. Về dài hạn, Pacific Airlines hướng tới kinh doanh có lãi, đủ khả năng cạnh tranh và phát triển.

Jetstar Pacific tai co cau anh 2

Ông Trịnh Hồng Quang, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, chia sẻ về tương lai của Jetstar Pacific. Ảnh: Ngọc Tân.

"Chiến lược của chúng tôi là trở thành một hãng giá rẻ được khách hàng yêu thích", ông Trịnh Hồng Quang khẳng định khi đề cập đến tương lai của Pacific Airlines.

Để đạt được mục tiêu trên, Pacific Airlines sẽ phải có hệ thống tài chính lành mạnh, thu hút được nhà đầu tư. Bộ máy vận hành phải đảm bảo tinh giản, hiệu quả. Hãng sẽ đẩy mạnh phối hợp với Vietnam Airlines, hoạt động đúng theo mô hình hàng không giá rẻ để đảm bảo chi phí khai thác thấp.

Để tái cơ cấu cổ đông, Vietnam Airlines sẽ đàm phán với Qantas và báo cáo Chính phủ về việc tiếp nhận chuyển giao vốn từ Qantas sang Vietnam Airlines. Về dài hạn, hãng sẽ tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược mới để mở rộng quy mô vốn và quy mô sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh và thị phần.

Hãng sẽ dừng bán vé trên trang Jetstar.com, thay thế bằng website mới. Hệ thống đặt giữ chỗ của hãng cũng sẽ được đổi từ Navitaire sang Sabre, tăng khả năng phối hợp với Vietnam Airlines trong khâu bán vé và phục vụ khách.

Giai đoạn cao điểm dịch Covid-19, Jetstar Pacific gần như rơi vào tình trạng "ngủ đông" khi toàn bộ đội tàu bay dừng hoạt động. Khi các hãng ồ ạt khôi phục hoạt động, Jetstar chỉ khai thác cầm chừng với 2 máy bay hoạt động. Dự kiến giữa tháng 6 hãng nâng lên 10 chiếc và đến 15/7 đưa toàn bộ đội bay 17 chiếc vào khai thác.

Jetstar Pacific ra đời năm 1991, có tên ban đầu là Pacific Airlines. Pacific Airlines cùng với Vietnam Airlines là 2 hãng hàng không thuộc sở hữu Nhà nước tại Việt Nam.

Bước ngoặt của hãng đến vào năm 2008, khi Tập đoàn Qantas (Australia) mua lại 30% cổ phần Nhà nước tại Pacific Airlines.

Cuối năm 2011, Jetstar Pacific đứng trên bờ vực phá sản khi kinh doanh thua lỗ, lỗ lũy kế đã lên tới hơn 2.000 tỷ đồng. Để vực dậy hãng hàng không này, Chính phủ đã giao Vietnam Airlines tiếp nhận nguyên trạng phần vốn Nhà nước (gần 70% cổ phần) tại Jetstar.

Từ đó đến nay, Jetstar luôn được coi là hãng bay thành viên của VNA với vai trò khai thác phân khúc giá rẻ. Lịch sử 12 năm phát triển của Jetstar Pacific gắn liền với thua lỗ và các cuộc tái cơ cấu. Tính đến năm 2018, tổng lỗ lũy kế của hãng là khoảng 4.000 tỷ đồng.

Vì sao sự cố tại Tân Sơn Nhất gây thiệt hại nặng cho ngành hàng không?

Việc vừa sửa chữa, vừa vận hành đường cất hạ cánh đang đẩy sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất vào trạng thái dễ bị đình trệ khi sự cố xảy ra.

Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm