Chiều 11/7, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Ngọc Sơn và đoàn công tác đã có buổi làm việc với Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) về tình hình thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, cũng như các định hướng phát triển.
Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn chủ trì buổi làm việc với PV GAS. Ảnh: PV GAS. |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo PV GAS cho biết trong 6 tháng đầu năm, các cơ sở sản xuất kinh doanh của PV GAS đều đảm bảo an ninh, an toàn, mọi hoạt động diễn ra liên tục, xuyên suốt.
PV GAS đã nhập 4 chuyến LNG với giá trị gần 3.000 tỷ đồng để cung cấp cho điện, đặc biệt là trong cao điểm mùa khô, góp phần bù đắp sản lượng khí nội địa đang sụt giảm nhanh.
Sản lượng kinh doanh LPG hoàn thành ở mức cao, tăng 38% so với cùng kỳ, góp phần bù cho doanh thu sụt giảm do tiêu thụ khí thấp. Công tác đầu tư xây dựng được triển khai tích cực, với giá trị giải ngân đạt 124% kế hoạch 6 tháng.
Với kết quả đó, PV GAS hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu kế hoạch quản trị được Tập đoàn giao. Trong đó, doanh thu toàn Tổng công ty đạt 111% kế hoạch quản trị 6 tháng, tăng 12% so với cùng kỳ và xếp thứ 2 trong Tập đoàn. Lợi nhuận trước thuế đạt 129% kế hoạch quản trị 6 tháng và xếp thứ 3 trong Tập đoàn.
Chủ tịch HĐQT PV GAS Nguyễn Thanh Bình báo cáo. Ảnh: PV GAS. |
Nhìn nhận về các khó khăn cốt lõi, lãnh đạo PV GAS cho rằng sự suy giảm nguồn khí nội địa đang diễn ra nhanh hơn so với dự báo, trong khi cơ chế chính sách trong đầu tư, sản xuất kinh doanh vẫn còn một số vướng mắc.
Trong bối cảnh này, PV GAS xác định kinh doanh, phát triển thị trường sẽ là một trong những động lực trong ngắn hạn; song song đó là thực hiện các mục tiêu chuyển dịch, phát triển xanh trong trung và dài hạn. Trong đó, LNG sẽ là nền tảng, sản phẩm chủ lực của PV GAS trong tương lai.
Lãnh đạo PV GAS nhìn nhận việc đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ phải đi trước một bước để có thể chiếm lĩnh thị trường trong bối cảnh nguồn khí nội địa đang suy giảm nhanh và yêu cầu sử dụng nguồn LNG để bù đắp/thay thế là tất yếu. Việc này cũng phù hợp với mục tiêu đề ra theo Quy hoạch điện VIII và những định hướng về phát triển lĩnh vực công nghiệp khí theo Kết luận 76-KL/TW của Bộ Chính trị.
Cũng tại buổi làm việc, PV GAS kiến nghị lãnh đạo Tập đoàn hỗ trợ trong quá trình làm việc với các địa phương để triển khai các dự án kho LNG tập trung tại Bắc bộ và Trung bộ; đồng thời hỗ trợ làm việc với các bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan với các vấn đề về giá khí, cước phí, huy động khí, thanh toán các khoản tiền khí đến hạn...
PV GAS cũng hy vọng Tập đoàn có những định hướng, góp ý cho chiến lược phát triển của Tổng công ty giai đoạn sắp tới.
Tổng giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong báo cáo. Ảnh: PV GAS. |
Kết luận chỉ đạo, Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn đánh giá cao kết quả đạt được của PV GAS với việc hoàn thành các mục tiêu quản trị được Tập đoàn giao trong 6 tháng đầu năm, là đơn vị hàng đầu của Tập đoàn đóng góp về doanh thu và lợi nhuận.
Tổng giám đốc Tập đoàn cũng phân tích cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của PV GAS và nhận định rằng Tổng công ty phải chuyển dịch mô hình kinh doanh, điều chỉnh chiến lược phù hợp với bối cảnh mới.
Nhận định những rủi ro và cơ hội đan xen trong ngắn và dài hạn, Tổng giám đốc Lê Ngọc Sơn nhấn mạnh PV GAS cần tiếp tục tập trung đi trước, đón đầu trong phát triển hạ tầng và kinh doanh LNG; đẩy mạnh kinh doanh LPG; phát triển lĩnh vực hydrogen gắn với chuỗi giá trị năng lượng tái tạo của Tập đoàn; hoàn thiện chiến lược của PV GAS đến năm 2030, đồng bộ với chiến lược của Tập đoàn.
Bên cạnh đó, Tổng công ty cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế chính sách trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu…
Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn phát biểu chỉ đạo. Ảnh: PV GAS. |
Với rất nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới, Tổng giám đốc Lê Ngọc Sơn đề nghị tập thể PV GAS nêu cao tinh thần “Một đội ngũ, Một mục tiêu”, nỗ lực thực hiện tốt kế hoạch quản trị được giao trong năm 2024, góp phần thực hiện thành công kế hoạch giai đoạn 2021-2025 và tạo nền tảng thực hiện chiến lược phát triển trong các năm tiếp theo.
Sách hay về môi trường
How to Save Our Planet - Mark Maslin: Tác phẩm được ví như cuốn cẩm nang về các vấn đề còn tồn tại và các giải pháp khả thi để cứu Trái Đất; trang bị cho người đọc những kiến thức khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu, tính bền vững và các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt.
We are the Weather: Saving the Planet Starts at Breakfast - Jonathan Safran Foer. Tác giả tin rằng mối liên hệ giữa ngành nông nghiệp chăn nuôi và cuộc khủng hoảng khí hậu hiện ra không thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, các hành động mang tính tập thể như giảm tiêu thụ thịt có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon.