Khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ và đang cân nhắc người cho vị trí ngoại trưởng, nhiều người đã dự đoán nếu "ông trùm" dầu mỏ Rex Tillerson được chọn, quan hệ Nga - Mỹ sẽ được cải thiện. Tillerson có 2 thập kỷ với quan hệ làm ăn mật thiết với Nga, ông thậm chí từng được Tổng thống Nga Putin trao Huân chương Hữu nghị, một trong những phần thưởng dân sự cao quý nhất của Nga.
Ông Tillerson cuối cùng đã được chọn để trở thành ngoại trưởng Mỹ. Dù vậy, sau nửa năm ông đảm nhận cương vị này, quan hệ Nga - Mỹ lại đang khủng hoảng khi 2 bên liên tục cắt giảm cơ sở và nhân viên ngoại giao của nhau.
Tổng thống Vladimir Putin và ông Rex Tillerson, khi đó là CEO tập đoàn dầu khí ExxonMobil trong buổi ký thỏa thuận hợp tác giữa ExxonMobil với một công ty dầu khí của nhà nước Nga. Ảnh: AFP. |
Ngày 7/9, trong bài phát biểu trước các công dân Mỹ tại một diễn đàn kinh tế ở thành phố viễn đông Vladivostok, Tổng thống Putin cho biết: "Chúng tôi đã trao cho người đồng bào của các bạn, ông Tillerson Huân chương Hữu nghị, nhưng ông ấy có vẻ đã lầm đường lạc lối và đang hướng về hướng ngược lại".
"Tôi hy vọng làn gió của sự hợp tác, hữu nghị và trao đổi cuối cùng sẽ đưa ông ấy về đúng hướng", tổng thống Nga nói thêm. Cử tọa đáp lại ông bằng tiếng hò reo.
Ngày 31/8, Mỹ yêu cầu Nga đóng cửa lãnh sự quán ở San Francisco cùng 2 tòa nhà phụ trợ tại Washington D.C. và New York. Động thái này là sự trả đũa với quyết định trục xuất 755 nhân viên ngoại giao đang đóng tại Nga mà Điện Kremlin đưa ra cách đây không lâu.
Nguyên nhân của chuỗi hành động "ăn miếng trả miếng" giữa 2 nước là lệnh trừng phạt do Quốc hội Mỹ thông qua hồi cuối tháng 7 và được Tổng thống Donald Trump phê duyệt sau đó.
Đây là biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga, sau các biện pháp trừng phạt vì vụ sáp nhập Crimea vào Nga hồi đầu năm 2014 và cáo buộc từ phía Mỹ rằng Nga đã can thiệp cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2016.