- Tổng thống Putin tuyên bố sẽ ra tranh cử với tư cách ứng viên độc lập, thay vì ứng viên của đảng Nước Nga Thống nhất. Để đủ tư cách tranh cử, ông cần thu thập 300.000 chữ ký.
- Ông ca ngợi chính quyền mới của Mỹ có "thành tựu đáng kể" và cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ là sự thêu dệt của những người phản đối ông Trump.
- Tổng thống cáo buộc vụ bê bối doping của Nga đã bị "chính trị hóa" và người làm lộ thông tin này ra đã "hành động dưới sự điều khiển của mật vụ Mỹ".
- Người phát ngôn tổng thống nói rằng ông đã "chuẩn bị ngày đêm" cho cuộc họp báo. Tổng thống Nga liên tục ho khi trả lời một câu hỏi, ông cũng thừa nhận "mắt đã yếu".
-
Tâm điểm là cuộc bầu cử 2018
Chủ đề dự đoán sẽ "chiếm sóng" trong cuộc họp báo sẽ là việc Tổng thống Putin vừa tuyên bố sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 4 trong cuộc bầu cử tổng thống Nga vào tháng 3/2018. Mọi số liệu thăm dò dư luận đều cho thấy một chiến thắng gần như chắc chắn dành cho ông Putin.
Trong một sự kiện dành cho các tình nguyện viên cách đây ít ngày, khi ông Putin nhận được câu hỏi liệu có ra tranh cử tiếp hay không, tổng thống Nga đã hỏi ngược lại cử tọa: "Nếu tôi ra tranh cử, các bạn có ủng hộ tôi hay không?".
Đáp lại ông Putin là những tiếng hò reo và vỗ tay từ đám đông.
-
Cuộc họp báo lần thứ 13
Theo Sputnik, cuộc họp báo do tổng thống Nga chủ trì diễn ra tại thủ đô Moscow lúc 12h (16h theo giờ Hà Nội) và kéo dài trong nhiều giờ.
"Đương nhiên có giới hạn về mặt thời gian, nhưng mọi việc rất linh động, vì vậy cuộc họp báo sẽ kéo dài như thường lệ", người phát ngôn Dmitry Peskov của ông Putin cho biết.
Ông Putin trong cuộc "họp báo marathon" cuối năm 2016. Ảnh: Getty. Đây là cuộc họp báo quy mô lần thứ 13 của ông chủ điện Kremlin. Ông đã dành nhiều thời gian để chuẩn bị trả lời câu hỏi trong hàng loạt lĩnh vực khác nhau, từ đời sống cá nhân cho đến chính sách đối ngoại.
Lần đầu tiên tổng thống Nga tổ chức "họp báo marathon" kiểu này là vào năm 2001. Hôm nay là lần cuối cùng ông Putin tổ chức họp báo trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 3 của mình.
Năm nay, số lượng phóng viên tham dự họp báo phá kỷ lục năm ngoái và đến từ nhiều quốc gia như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc...
-
Đảng cầm quyền ủng hộ ông Putin tái tranh cử tổng thống
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết ông và đảng Nước Nga thống nhất sẽ ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin nếu ông quyết định tái tranh cử.
Cuộc bầu cử tổng thống Nga dự kiến diễn ra vào ngày 18/3/2018. Theo quy định, ông Putin vẫn đủ tiêu chuẩn tranh cử cho nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp và là nhiệm kỳ thứ 4 trong sự nghiệp chính trị của ông.
Hôm 6/12, Tổng thống Putin vừa tuyên bố ông sẽ ra tranh cử vào tháng 3/2018 để tìm kiếm một nhiệm kỳ 6 năm. Điều này không mấy bất ngờ khi một cuộc thăm dò độc lập hồi tháng 9 cho thấy tỷ lệ ủng hộ của người dân dành cho ông Putin là 83%.
Ông Putin, 65 tuổi, làm tổng thống Nga hai nhiệm kỳ trong giai đoạn 2000-2008 và nhiệm kỳ thứ ba từ năm 2012 đến nay. Trong thời gian giữa nhiệm kỳ thứ hai và thứ ba làm tổng thống, ông giữ vị trí thủ tướng. Nếu chiến thắng trong cuộc bầu cử vào mùa xuân năm sau, ông Putin sẽ nắm quyền đến năm 2024.
Cơ hội chiến thắng của ông Putin trong cuộc bầu cử sắp tới rất cao khi trong một thời gian dài vừa qua, ông đã duy trì tỷ lệ ủng hộ cao trong nước Nga, bất chấp việc kinh tế Nga đi xuống vì các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây.
-
Putin chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc họp báo marathon
Người phát ngôn của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov nói rằng tổng thống đã "chuẩn bị" ngày đêm cho cuộc họp báo ngày hôm nay.
Khoảng 1.600 nhà báo đã có mặt trong khán phòng và chờ đợi tổng thống. Rất nhiều người mang theo các biểu ngữ, đồ chơi sặc sỡ để thu hút sự chú ý của Putin, nâng cao cơ hội được gọi.
Ảnh: CBC/Chris Brown/Twitter.
-
Vì sao ông tái tranh cử?
Tổng thống Putin trong buổi họp báo. Ảnh: Getty. Moscow Times dẫn câu hỏi đầu tiên đến từ đài phát thanh Govorit Moskva: "Vì sao ông tái tranh cử?". Tổng thống Putin nói rằng ưu tiên của ông là "sự phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống giáo dục, y tế, công nghệ".
Tổng thống Nga nói rằng ông không muốn thảo luận về chương trình tranh cử dù "trên thực tế" ông có kế hoạch cho nó.
-
Ra tranh cử độc lập
Theo Sputnik, Tổng thống Putin đã tuyên bố rằng ông sẽ ra tranh cử với tư cách một ứng viên độc lập và hy vọng có được sự ủng hộ từ các đảng và tổ chức. Tổng thống Nga vẫn chưa quyết định ai sẽ đứng đầu chiến dịch tranh cử của ông.
Đảng nước Nga thống nhất đã bày tỏ sự ủng hộ cho ứng viên độc lập Putin và nói rằng họ sẽ giúp ông thu thập chữ ký ra tranh cử. Với tư cách là một ứng viên độc lập, ông Putin sẽ cần thu thập đủ 300.000 chữ ký ủng hộ.
-
"Đối thủ bình thường"
Câu hỏi tiếp theo đến từ một tờ báo thân Kremlin, "Theo quan điểm của ông, vì sao trong 20 năm cầm quyền của ông, không có một ứng viên bình thường nào ra tranh cử thách thức ông?".
"Tôi nghĩ rằng môi trường chính trị nên có cạnh tranh. Mục tiêu của tôi là chúng ta có một hệ thống chính trị cân bằng", ông Putin trả lời. Tổng thống Nga liên tục ho khi trả lời câu hỏi trên.
"Người dân Nga có quyền bày tỏ chính kiến nhưng những người đối lập hiện tại không có chương trình cụ thể gì cả", ông nói.
-
Putin: "Mắt tôi cũng kém rồi'
Trong buổi họp báo, tổng thống Nga chỉ vào một cô gái cầm tấm biển viết dòng chữ mà ông đọc thành "Tạm biệt (bye bye) Putin". Các nhà báo ngay lập tức giải thích với tổng thống rằng chính xác đó là từ "bai bai", theo tiếng Tatar có nghĩa là "ông (nội/ngoại)".
"Mắt tôi cũng kém rồi", ông Putin trả lời khiến khán phòng cười vang.
-
Toàn cảnh buổi họp báo thường niên của tổng thống Nga. Nhiều phóng viên mang những tấm bảng in sẵn với nội dung phong phú nhằm thu hút sự chú ý của ông chủ điện Kremlin.
Khi bước vào phòng họp và nhận ra điều này, ông Putin cười tươi và gửi lời cảm ơn đến các phóng viên tham dự họp báo. Ảnh: AFP.
-
Đây là cuộc họp báo cuối cùng do ông Putin tổ chức trong nhiệm kỳ tổng thống thứ ba. Năm 2008, ông lập kỷ lục khi trả lời 106 câu hỏi từ 1.300 nhà báo trong cuộc họp báo kéo dài 4,5 giờ.
-
Liệt kê số liệu không cần nhìn giấy
Một nhà báo hỏi có điều gì đằng sau "sự tăng trưởng mà chính phủ luôn nói về". Tổng thống Nga liệt kê các thành công trong nông nghiệp, ca ngợi việc nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng lên và chỉ trích "những cái gọi là biện pháp cấm vận".
Tổng thống cũng liệt kê hàng loạt con số thống kê kinh tế mà không cần nhìn vào giấy. "Chúng ta có tỷ lệ lạm phát thấp kỷ lục".
"Các lệnh trừng phạt có ảnh hưởng kinh tế Nga nhưng không nhiều như việc giá dầu giảm", ông nói.
Chủ đề kinh tế có vẻ là một đề tài ông Putin yêu thích. Tổng thống Nga đã chọn trả lời về kinh tế trước trong số 2 câu hỏi do một nhà báo từ Kaliningrad đặt ra.
Câu hỏi đầu tiên của cô là "Theo ông tại sao người dân lại cảm thấy họ chỉ có thể trông chờ vào ông để giải quyết vấn đề của họ?".
Sputnik cho biết khi phóng viên của đài 1st Channel (Nga) giành được quyền đặt câu hỏi, ông Putin đã nói với người điều phối: "Sao anh chỉ đưa micro cho người quen?".
Nhà báo David Filipov của Washington Post viết trên Twitter: "'Đứng đầu thế giới' về xuất khẩu nông nghiệp. Phần tuyệt vời nhất trong họp báo Putin là khi ông bắt đầu nói ra các thống kê kinh tế".
-
Các nhà báo tập trung theo dõi buổi "họp báo marathon" của ông Putin. Ông chủ điện Kremlin dự kiến sẽ đề cập đến các cam kết về việc phát triển kinh tế Nga sau cuộc khủng hoảng tài chính do bất ổn giá dầu và lệnh trừng phạt của phương Tây. Ngoài ra, các vấn đề xã hội và thể thao như việc Nga đăng cai FIFA World Cup năm 2018 cũng được quan tâm. Ảnh: Getty.
-
'Nga không rời hiệp ước tên lửa, Mỹ như thể đã rời'
Reuters tường thuật Tổng thống Putin nói rằng Nga sẽ không rời hiệp ước tên lửa do Liên Xô và Mỹ ký kết. Trong khi đó, Mỹ thì như thể đã rời rồi. Tổng thống Nga cũng nói rằng Moscow sẽ không tham dự vào một cuộc chạy đua vũ khí.
Hiệp ước này có tên đầy đủ là Hiệp ước giữa Mỹ và Liên Xô về Giải trừ Tên lửa Tầm trung và Tầm ngắn, ký kết năm 1987.
Ông Putin cho biết chi tiêu quốc phòng của Nga vào năm tới sẽ ở mức 2,8 nghìn tỷ rup. Nga sẽ chú trọng đúng mức đến quốc phòng, nhưng sẽ không làm ảnh hưởng ngân sách và không tham gia chạy đua vũ trang.
-
Putin kể chuyện khiến khán phòng rộn tiếng cười
Khi được hỏi về việc cân bằng giữa phát triển kinh tế về quốc phòng, tổng thống Nga kể một câu chuyện về một anh lính hải quân về nhà và phát hiện con trai mình dùng chiếc dao găm để đổi lấy đồng hồ mới.
"Rồi người lính nói rằng đồng hồ mới thật đẹp nhưng nếu kẻ thù đến nhà, con không có dao để tự vệ, thay vào đó con sẽ chỉ nhìn đồng hồ và nói bây giờ là 12h30 ở Moscow", ông Putin kể chuyện và các phóng viên cười lớn.
Trong giờ đầu tiên của cuộc họp báo, Tổng thống Putin đã trả lời câu hỏi từ 15 nhà báo.
-
'Vấn đề doping bị chính trị hóa'
Buổi họp báo chuyển về chủ đề doping và việc Nga sẽ tương tác như thế nào với các cơ quan chống doping quốc tế sau việc Ủy ban Olympic Quốc tế vừa cấm đội tuyển Nga tham dự Olympic Mùa đông tại Hàn Quốc vào năm tới.
Tổng thống Nga trả lời đúng là Nga có một phần trách nhiệm trong vụ bê bối này, nhưng vấn đề đã bị chính trị hóa và phóng đại trước kỳ bầu cử ở Nga.
"Chúng tôi tôn trọng các tổ chức quốc tế, bao gồm Cơ quan Chống Doping Thế giới (WADA). Chúng tôi hiểu rằng họ gặp áp lực. Việc có các kết luận dựa trên sự khách quan là cần thiết", tổng thống Nga nói. Ông khẳng định rằng Nga sẽ "chiến đấu để bảo vệ quyền lợi của các vận động viên Nga ở các tòa án quốc tế".
-
Putin: Chính quyền Trump có nhiều thành tựu đáng kể
Phóng viên nước ngoài đầu tiên đã yêu cầu ông Putin giải thích về mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump với các quan chức Nga. Ông Putin nói rằng đó là những câu chuyện do người phản đối Tổng thống Mỹ Donald Trump thêu dệt nên.
Ông cũng nói rằng việc gặp gỡ đại sứ là chuyện "bình thường".
Ông Michael Flynn, cựu cố vấn an ninh quốc gia đã từ chức của Tổng thống Trump đã nói chuyện với Đại sứ Nga tại Washington, ông Sergey Kislyak, về việc tháo dỡ các lệnh trừng phạt Mỹ đang áp đặt lên Nga. Ông Flynn sau đó còn nói dối Phó tổng thống Mike Pence về cuộc gặp này.
Flynn hiện là nhân vật bị điều tra và đã bị truy tố trong cuộc điều tra mối liên hệ giữa chính phủ Nga với chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump.
Tổng thống Putin nói rằng ông nhìn thấy nhiều thành tựu đáng kể từ chính quyền của Mỹ và 2 nước nên ngừng việc "đối đầu nhau" như hiện tại, để tập trung vào những điểm chung mà họ có thể chia sẻ như thách thức chống khủng bố.
-
Mật vụ Mỹ 'điều khiển' người tố bê bối doping Nga
Tổng thống Nga cáo buộc Grigory Rodchenkov, cựu quan chức phụ trách kiểm tra doping của Nga và là người đã làm hé lộ bê bối doping của nước này, hoạt động theo sự điều khiển của mật vụ Mỹ.
"Bạn không thể làm việc với những người từng có ý định tự sát", Moscow Times dẫn lời ông nói. Tổng thống Putin nói thêm rằng trừ việc Rodchenkov làm việc với FBI. "Ai biết được họ cho anh ta (chất) gì để anh ta nói như thế mà anh ta nói?".
-
Tấn công Bình Nhưỡng đem lại hậu quả tàn khốc
Tổng thống Nga khẳng định chấm dứt tình trạng leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên là việc làm cần thiết. Hơn nữa, những gì diễn ra hiện nay chưa hiệu quả đối với vấn đề Triều Tiên.
Ông Putin nhấn mạnh nước Mỹ không thể biết cụ thể về kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, vì vậy các hành động quân sự rất nguy hiểm. "Chúng tôi sẵn sàng hợp tác ngoại giao với Mỹ trong vấn đề này", ông nói.
Ông Putin nhắc lại việc Mỹ từng tấn công hạt nhân hai thành phố của Nhật Bản và khẳng định việc làm tương tự với Triều Tiên hoàn toàn không cần thiết.
"Hậu quả cho việc tấn công Bình Nhưỡng sẽ rất thảm khốc", ông chủ điện Kremlin cảnh báo.
-
Không có binh sĩ Nga tại Ukraine
Tổng thống Nga khẳng định chính quyền Ukraine không bày tỏ thiện chí trong việc triển khai thỏa thuận Minsk. Theo ông, quân đội Nga hoàn toàn không hiện diện tại Ukraine. Thay vào đó, chỉ một số lượng nhỏ lực lượng dân quân Nga có mặt ở đây nhằm bảo vệ dân địa phương.
Ông cũng kêu gọi Kiev giải quyết vấn đề ly khai ở miền Đông Ukraine một cách nhanh chóng. Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel từng bày tỏ mong muốn triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình nhằm kiểm soát cá cuộc xung đột ở khu vực này. Tổng thống Nga đồng ý với quyết của bà Merkel.
-
Mọi người đều hưởng lợi từ quan hệ Nga - Trung
Khẳng định Nga và Trung Quốc có cùng quan điểm về vấn đề phát triển cũng như hệ thống quốc tế, trong đó có Sáng kiến Vành đai Con đường và Liên minh Kinh tế Á - Âu, ông Putin nhận định quan hệ Nga - Trung có lợi cho tất cả mọi người.
Nhà lãnh đạo Nga cam kết hai nước sẽ tiếp tục duy trì quan hệ đối tác chiến lược trong tương lai. "Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Nga vào năm tới sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ Nga - Trung", ông nói.
-
Cuộc họp báo đã kéo dài gần 3 giờ và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Mỗi khi tổng thống Nga kết thúc phần trả lời, các phóng viên luôn hào hứng giơ những tấm biển đã được chuẩn bị sẵn để được chọn là người đặt câu hỏi tiếp theo. Ảnh: Getty.
-
Thổ Nhĩ Kỳ bị ảnh hưởng bởi vấn đề tị nạn
Ông Putin nói rằng Nga sẵn sàng chia sẻ gánh nặng trong việc giải quyết vấn đề người nạn và nhấn mạnh Syria không thể tự thân giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Ông cảnh báo vấn đề người tị nạn từ Syria sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến Thổ Nhĩ Kỳ và cả nước nước châu Âu.
"Trẻ em không được giáo dục sẽ trở thành những kẻ khủng bố và đến châu Âu", ông nói.
-
Mỹ ngó lơ trước thông tin phiến quân Syria đến Iraq
Ông cho rằng Nga đã nói với Mỹ về việc các phiến quân nổi loạn Syria đến Iraq, tuy nhiên Washington đã không quan tâm đến thông tin này.
"Không có phản ứng nào... Có thể vì họ có thể dùng các nhóm phiến quân này để chống lại chính quyền Assad", ông nói. Tổng thống Nga đồng thời kêu gọi các nước không lợi dụng việc chống khủng bố ở Syria cho các mục đích chính trị.
-
Tổng thống Nga tiết lộ thông tin về cuộc trò chuyện với người đồng cấp Donald Trump và hy vọng ông chủ Nhà Trắng sẽ có cơ hội thắt chặt quan hệ với Nga.
Theo kế hoạch, cuộc họp báo có thể kéo dài từ 4-5 giờ. Người dân Nga vẫn theo dõi các câu trả lời của ông Putin qua truyền hình. Ảnh: Getty.