Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Premier League áp dụng công nghệ mắt diều hâu

Sau một thời gian dài tranh cãi, thảo luận rồi thử nghiệm tính hiệu quả, rốt cuộc, hệ thống Hawk-eye (xác định vị trí của bóng so với vạch vôi) đã chính thức đi vào thực tiễn. Sự trợ giúp của hệ thống này hứa hẹn sẽ tạo ra một bước ngoặt mang tầm vóc lịch sử trong cách tiếp cận bóng đá, trước tiên là tại Premier League.

Không có Hawk-eye, pha ghi bàn này của Lampard vào lưới ĐT Đức tại World Cup 2010 đã không được công nhận.

“Đây là thay đổi lớn nhất trong 150 năm qua, kể từ khi chúng tôi đưa các điều luật vào áp dụng trong bóng đá”, tổng thư ký LĐBĐ Anh, ông Alex Horne thể hiện sự hào hứng rõ rệt trước sự kiện hệ thống mắt diều hâu (Hawk-eye) chính thức được đưa vào áp dụng thực tiễn tại Premier League bắt đầu từ trận mở màn mùa giải 2013/14.

Trước tiên cần phải làm rõ một khái niệm: Hawk-eye là một hệ thống trợ giúp các trọng tài trong nhiều môn thể thao như tennis, cricket, bóng bầu dục… đưa ra nhận định chính xác nhất về các tình huống gây tranh cãi, dựa vào sự trợ giúp của hệ thống camera và phân tích, dựng hình ảnh thông qua máy tính. Khi hệ thống này được áp dụng vào bóng đá, nó được gọi dưới cái tên: GDS (Goal Decision System, hệ thống xác định bàn thắng).

Vậy liệu sự xuất hiện của GDS sẽ thay đổi Premier League theo chiều hướng nào và nó có lợi gì cho bóng đá – môn thể thao mà theo FIFA, chỉ là cuộc chơi của con người, không phải máy móc.

Hawk-eye đẩy công bằng sát ngưỡng tuyệt đối

Theo lý thuyết thông dụng, Hawk-eye sẽ mang đến sự công bằng mà chỉ dựa vào khả năng của người thì không thể chạm đến sự tuyết đối. Tạm biệt những “bàn thắng ma”, tạm biệt cả những tình huống gây tranh cãi trên vạch vôi, Hawk-eye sẽ chuẩn đến từng centimet mà mắt người hoặc hình ảnh hiển thị trên truyền hình không thể chỉ rõ. Công bằng, ít nhất là xung quanh 2 khung gỗ, được đảm bảo tuyệt đối.


Nhưng đó chưa phải điều tuyệt vời nhất mà Hawk-eye mang lại cho bóng đá. “Hawk-eye chỉ là sự khởi đầu. Dần dần, trọng tài cần công nghệ để xác định cả những tình huống việt vị, phạm lỗi, penalty, đá phạt trực tiếp…” – quan điểm của cựu trọng tài Graham Poll chính là lời gợi mở cực lớn cho tương lai của Premier League.

Một kỷ nguyên bóng đá và công nghệ, đó là khái niệm mà nhiều người vẫn luôn mơ tới, nhưng chưa thể vượt qua rào cản “bóng đá là trò chơi của 22 con người”. Lấy ví dụ đơn giản là các tình huống bắt việt vị - nỗi ác mộng, là “hố đen” sai lầm của các trọng tài khắp thế giới trong nhiều năm gần đây - sẽ được giải quyết tương đối triệt để nếu áp dụng một hệ thống tương tự như Hawk-eye. Tương tự, người ta có thể xác định một quả penalty có xứng đáng được thổi hay không cũng nhờ vào sự trợ giúp của công nghệ.

Coi chừng dao 2 lưỡi

Tuy nhiên, theo quan điểm của một bộ phận dư luận thì Hawk-eye vẫn tồn tại những kẽ hở tạo nên những tranh cãi. Đầu tiên là quan điểm của tờ Telegraph: Hawk-eye liệu có thể bị… hacker tấn công hay không?

Không thể loại trừ khả năng này. Đã từng có những người bày tỏ sự quan ngại về tính công bằng của ngay cả máy móc nếu nó chịu những tác động của con người. Bằng nhiều con đường, hacker có thể can thiệp đến sự chính xác của Hawk-eye, và dĩ nhiên nó ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của trận đấu. Vô hình trung, việc đưa máy móc vào bóng đá lại gián tiếp bắc cầu cho một loại tội phạm bóng đá mới: Tội phạm công nghệ.


Kế tiếp: Đôi khi cảm xúc trong bóng đá được tạo nên bởi những sắc màu đầy… tranh cãi. Hình ảnh cầu thủ tranh luận với trọng tài, những tiếng phản đối, sự tức tưởi và ngay cả những nỗi oan đã trở thành văn hóa của bóng đá. Mất nó đi, bóng đá giống như phép tính 1+1=2, công bằng tới mức trần trụi và rõ ràng một sắc màu đã mất đi - chính GĐĐH của Premier League, Richard Scudamore đã đưa ra quan điểm này.

Tất nhiên, đã thay đổi phải chấp nhận rủi ro. Nhưng đặt ưu và nhược điểm của hệ thống Hawk-eye lên bàn cân, rõ ràng những lợi ích, hiệu ứng mà nó (có thể) mang về là hoàn toàn xứng đáng để chấp nhận những sự rủi ro.

Hawk-eye vận hành như thế nào?

14 chiếc camera lắp xung quanh SVĐ sẽ xác định trái bóng đã đi qua vạch vôi hay chưa (ảnh 1). Và nếu bóng qua vạch cầu môn, ngay lập tức hệ thống máy tính trung tâm sẽ gửi tin nhắn đến đồng hồ đeo tay của trọng tài (ảnh 3). Ngoài ra, hệ thống này còn hỗ trợ cảnh báo bằng âm thanh (tiếng hô: Vào) gửi đến tai nghe của trọng tài. Song song thời gian đó, máy tính trung tâm cũng xây dựng đồ họa tình huống để trình chiếu trên màn hình lớn của sân trong vòng 20 giây và sau đó là trên sóng truyền hình (ảnh 2). Cách làm này giống trong môn tennis.

Chi phí vận hành Hawk-eye

250.000 bảng/sân là chi phí để lắp đặt hệ thống này. Số tiền này vẫn chưa bao gồm các chi phí phát sinh và CLB chủ sân lắp đặt thiết bị này phải chịu toàn bộ chi phí.

Có quay chậm hay không?

Một tình huống tranh cãi được Hawk-eye xử lý sẽ được phát lại dưới dạng quay chậm và mô tả bằng hình ảnh đồ họa máy tính trên màn hình lớn. Trên truyền hình, những hình ảnh của Hawk-eye sẽ được công khai khoảng 20-30 giây sau khi tình huống tranh cãi diễn ra. Hình ảnh trái bóng đã qua vạch vôi hay chưa được biểu hiện bằng 320 điểm ảnh/1 giây.

The Bongdaplus.vn

Bạn có thể quan tâm