Các hãng thông tấn quốc tế đồng loạt đưa tin hàng triệu người đổ ra các đường phố ở Hà Nội để tiễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nơi an nghỉ cuối cùng ở đất mẹ Quảng Bình vào ngày 13/10. Họ khóc, quỳ lạy, chắp tay vái, hô vang tên Đại tướng khi đoàn xe chở linh cữu của ông đi qua.
Một người đăng bức ảnh đoàn rước linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên mạng xã hội Facebook với lời bình luận: "Đại tướng đã về với đất mẹ. Cả dân tộc kính cẩn nghiêng mình". Ảnh: Facebook. |
Chiến tranh đã kết thúc gần 40 năm, nhưng đối với thế hệ trẻ, vị tướng từng đánh bại hai cường quốc phương Tây vẫn là một thần tượng lớn.
"Tôi chưa bao giờ chứng kiến cảnh bom rơi, đạn nổ trên đất nước này nhưng tôi vẫn biết lịch sử. Sau Bác Hồ và tướng Giáp, chúng tôi không biết liệu Việt Nam sẽ có người thứ ba như họ hay không", Dao Huy Hoang, một sinh viên 21 tuổi tại Hà Nội, phát biểu với Reuters.
Bác To Xuan Thanh, một cựu chiến binh đã vượt hơn 200 km bằng xe máy để dự lễ tang của Đại tướng, nói rằng ông luôn biết ơn công lao giành độc lập cho dân tộc của Đại tướng.
"Lời nói và những hành động của Đại tướng luôn là những bài học quý báu đối với cựu chiến binh, cả trong thời chiến lẫn thời bình", Reuters dẫn lời ông.
Phan Thanh Cong, một cựu chiến binh ở Vũng Chùa, Quảng Bình cảm thấy tự hào vì nhà cầm quân vĩ đại chọn Vũng Chùa làm nơi yên nghỉ ngàn thu.
"Hạnh phúc lớn nhất của người dân nơi đây là chúng tôi sẽ được sống gần Đại tướng", Cong nói với BBC.
Nguyen Chan, một cựu chiến binh 78 tuổi từng tham gia trận đánh Điện Biên Phủ vào năm 1954, đã theo dõi lễ tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên màn hình lớn ở Hà Nội.
"Đại tướng là nhà chỉ huy lừng danh, nhưng cũng rất đơn giản và gần gũi. Đối với chúng tôi, Đại tướng vừa là Tổng tư lệnh, vừa là một thầy giáo và một người cha", Chan nói với AP.
Hãng tin Bloomberg của Mỹ phỏng vấn một số người đến viếng Đại tướng tại nhà riêng và ghi lại dòng cảm xúc của người dân Việt Nam đối với nhà cách mạng kiệt xuất.
Cựu chiến binh Nguyen Ngoc The, người đã xếp hàng 4 giờ để được vào viếng nhà chiến lược quân sự thiên tài, chia sẻ: “Tôi không thể ngăn nổi nước mắt. Tôi coi Đại tướng như cha”.
Ngo Vinh Tuyen, một cự binh 75 tuổi, nhớ lại lần gặp Tướng Giáp năm 1972 và chia sẻ Đại tướng là con người sâu sắc và quan tâm đến binh lính.
Dao Thi Hoai, một phụ nữ 33 tuổi, nghỉ một ngày làm tại một đại lý vé máy bay để viếng nhà quân sự thiên tài. Chị Hoai bày tỏ: “Chúng tôi yêu Đại tướng. Chúng tôi biết ơn ông”.
Tran Van Hien (22 tuổi), sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, đứng cả ngày ngoài cổng tư dinh của Đại tướng. Hien nói: “Không ai có thể thay thế Đại tướng”.