Cái “duyên” với nghiệp cầm kéo
Một ngày giữa tháng 8, theo lời giới thiệu của đồng nghiệp, tôi đi tìm căn nhà của ông Phạm Văn Hán (SN 1950), hỏi thăm những người dân xung quanh, mọi người đều gọi ông là “Ông cắt tóc công an”. Sở dĩ ông có biệt danh như vậy vì ông chính là người chuyên cắt tóc cho các lãnh đạo, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Người thợ cắt tóc đặc biệt. |
Cái “duyên” đến với nghiệp cầm kéo của ông Hán cũng thật tình cờ. Sinh ra ở đất Hưng Yên, gia đình có 4 anh em, trong đó có một người anh trai làm nghề cắt tóc, trong lần anh trai mua bộ đồ nghề mới về, ông Hán xin chiếc kéo và tông đơ để thử cắt. Những lúc rảnh rỗi, ông Hán đi cắt tóc cho những người trong làng nên cũng dần quen tay.
Đến tuổi đi bộ đội, theo tiếng gọi tổ quốc, ông Hán xin nhập ngũ nhưng không được vì không còn suất. Khát khao được khoác chiếc áo lính nên ông đã theo học một trường công an tại Bắc Kạn. Sau thời gian rèn luyện, ông Hán là 1 trong số 50 người được tuyển chọn vào đội cảnh vệ để về Hà Nội công tác trong Cục cảnh vệ, nay là Bộ Tư lệnh cảnh vệ.
Chính trong thời gian ở Cục cảnh vệ, vì không có ai cắt tóc nên ông Hán thường xuyên “trổ tài” của mình. Tự tay ông cắt tóc cho đa số các anh em trong đội, ai cũng khen nức nở vì ông cắt còn đẹp hơn "ở quán".
“Tôi còn nhớ như in bước ngoặt cuộc đời mình, trong lần có nhiệm vụ mới, cử 14 người lên vùng núi để bảo vệ các lãnh tụ, tôi cũng được chỉ huy gọi lên. Tuy nhiên, trong lúc tập hợp, chỉ huy hỏi rằng có ai biết cắt tóc không để lên núi còn cắt được cho nhau thì một người bạn trong đội có nói rằng “Thằng Hán cắt đẹp lắm bác à”. Thấy vậy, chỉ huy liền cho tôi thử tay nghề luôn, thấy tôi cắt ưng mắt quá nên không cho tôi lên vùng núi nữa mà để ở lại cho vào đội cắt tóc của Cục cảnh vệ”, ông Hán kể.
Từ đó, ông Hán vừa học võ thuật, vừa được những bậc “tiền bối” dạy thêm về nghề cắt tóc để chuẩn bị đưa ông nối tiếp các thế hệ trước đi cắt tóc cho các vị lãnh đạo.
Đại tướng và anh thợ cắt tóc
Trong suốt cuộc đời hơn 30 năm cầm kéo của mình, ông Hán đã cắt không biết bao nhiêu mái đầu nhưng người đặc biệt ghi lại dấu ấn trong tâm trí ông chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Còn nhớ như in lần đầu tiên tới nhà riêng ở 30 Hoàng Diệu cắt tóc cho Tướng Giáp, ông Hán kể, một chiều năm 1972, ông nhận được điện thoại của cấp trên bảo chuẩn bị đi cắt tóc cho Tướng Giáp. Nghe điện thoại xong, ông Hán nhanh chóng chuẩn bị đồ nghề để tới nhà Đại tướng.
“Lần đầu gặp bác Giáp quả thật rất hồi hộp vì trước chỉ nghe thấy bố mình kể chuyện mà nay được gặp tận mắt. Sau khi chào, bác bảo với tôi rằng “Bác bận nhiều việc nên chậm mấy phút”, giọng nói trầm ấm, thân thiện của bác giúp tôi lấy lại bình tĩnh”, ông Hán tâm sự.
Đại tướng bận nhiều việc nên bảo cắt làm sao càng nhanh càng tốt. Khác với những gì ông Hán tưởng tượng về một vị tướng anh hùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tỏ ra rất gần gũi, ông hỏi thăm ông Hán xem quê ở đâu, có gia đình chưa, nơi ở có bị máy bay đánh bom đến không, có sợ không, rồi chuyện nhân dân sơ tán ra sao. Đó là thời điểm máy bay Mĩ leo thang đánh phá dữ dội miền Bắc.
Đặc biệt, ông Hán vẫn nhớ trước thời gian máy bay B52 Mĩ mở đợt ném bom nhằm hủy diệt miền Bắc, Tướng Giáp đã dự đoán được trước tình thế, bảo với ông Hán rằng: “Sắp tới có khả năng B52 sẽ ném bom đấy cháu, nếu ta có thể bắn hạ được máy bay này, chắc chắn sẽ có tiếng nói trong hội nghị Paris sắp tới và có thể chấm dứt chiến tranh”.
Cắt tóc nhiều lần, Đại tướng rất quý anh thợ cắt tóc, coi như một người bạn đặc biệt của mình, có lần sau khi cắt tóc xong, Đại tướng dẫn ông Hán đi xem vườn phong lan của mình phía sau nhà, vừa đi vừa kể chuyện gia đình, đất nước.
Cứ thế, thời gian trôi đi, ông Hán đều đặn vẫn đến “làm đẹp” cho vị Đại tướng. Cho đến khoảng thời gian miền Nam đã giải phóng, ông Hán khi đến cắt tóc thấy sức khỏe của Tướng Giáp yếu đi nhiều vì công việc cộng thêm tuổi tác.
Lần cuối cùng ông Hán cắt tóc cho Tướng Giáp đã cách đây khoảng 3 năm, khi Đại tướng đang được các bác sĩ chăm sóc. “Lần ấy, khi tôi được cắt tóc cho Tướng Giáp, tóc ông đã chuyển hết sang trắng. Sau lần ấy không lâu, tôi cũng “giải nghệ” về hưu và thi thoảng lại đến thăm Đại tướng nếu được phép”.
Bên cạnh Đại tướng, những người được ông Hán “làm đẹp” còn có cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, cố Tổng bí thư Trường Chinh, cố Tổng bí thư Lê Duẩn, cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu…
Trước khi kết thúc buổi trò chuyện, ông Hán cười sảng khoái bảo rằng: “Nếu có kiếp sau, tôi vẫn muốn làm nghề cắt tóc, được phục vụ những vị lãnh tụ của đất nước là một niềm vinh dự lớn lao mà không phải ai cũng có được”.