Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người 10 lần đến nhà tướng Giáp xin quân hàm

Sau không dưới 10 lần tới Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thấy sự tha thiết và tình cảm chân thành của anh Việt, Đại tá Nguyễn Huyên – trợ lý cho tướng Giáp đã đồng ý giúp đỡ.

“Duyên ngầm” với huân, huy chương dòng cách mạng

Nhà sưu tập Trần Vương Việt nổi danh với hàng nghìn chiếc huân, huy chương, kỷ niệm chương Việt Nam dòng cách mạng. Anh cũng đang lưu giữ hơn 70 bộ quân hàm cầu vai cấp tướng Quân đội nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ (từ 1958 đến nay), trong đó giá trị nhất là bộ quân hàm và cầu vai kiểu cũ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây được xem là một trong những kỉ vật đặc biệt mà chỉ anh Việt có được.

Trong căn hộ ở khu tập thể bệnh viện Nhi Trung ương, anh Việt kể về cơ duyên đã đưa mình đến với thú sưu tập huân huy chương và hành trình để có được bộ quân hàm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Anh Việt trong căn phòng sưu tập huân, huy chương của mình.

Sinh ra trong gia đình có bố nguyên là sĩ quan quân đội làm công tác chính trị nên từ bé anh Việt đã đọc nhiều tài liệu về Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1992, trong lần xem lại những huân, huy chương của bố, anh Việt đã nghĩ tới việc sưu tập những huân, huy chương, kỷ niệm chương của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau 20 năm, số lượng huân, huy chương anh Việt sưu tập được đã lên tới gần 5.000 chiếc. Thêm vào đó, anh có đủ 25 loại phù hiệu gắn trên quân hàm và nhiều bộ quân hàm cầu vai của các cấp bậc học viên, binh nhì đến đại tướng của các quân chủng, binh chủng, ngành, lực lượng Quân đội nhân  Việt Nam.

Anh Việt tâm sự, khi mới sưu tập anh chỉ nghĩ đến việc nâng cao số lượng, tìm kiếm thật nhiều huân, huy chương nhưng sau một thời gian anh Việt đã nghĩ đến chuyện phải “nâng chất” bộ sưu tập của mình bằng cách tìm kiếm những huân chương bậc cao, kỉ vật độc đáo của các vị tướng.

Bộ quân hàm và cầu vai của tướng Giáp

Tính đến nay, đã hơn 20 năm anh Việt gắn bó với những bộ sưu tập, trong quãng thời gian ấy, đáng chú ý hơn cả là hành trình anh mang về bộ quân hàm và cầu vai kiểu cũ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh Việt coi đó như một món “báu vật” mà mình có được.

Bộ quân hàm và cầu vai kiểu cũ đã được tướng Giáp sử dụng.

Để có được bộ quân hàm và cầu vai của tướng Giáp, anh Việt đã phải tốn rất nhiều công sức. “Tôi vẫn nhớ thời gian đó là giữa năm 2008, sau khi tìm được địa chỉ, tôi tìm đến tư dinh của Đại tướng với mục đích xin một bằng huân huy chương của ông để bổ sung vào bộ sưu tập nhưng khi đến đó mới thấy vô cùng khó khăn bởi những hiện vật đó đã được tặng cho bảo tàng hay được gia đình, bản thân Đại tướng lưu giữ”, anh Việt tâm sự.

Phù hiệu cấp bậc Đại tướng (Cầu vai Đại tướng).
Giấy chứng nhận của Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng hiện vật cho anh Trần Vương Việt.

Không nản chí, anh Việt trình bày với các trợ lý của Đại tướng về mong muốn có được hiện vật gốc của Đại tướng để bổ sung vào bộ sưu tập nhưng ban đầu không nhận được sự đồng ý vì những hiện vật như thế rất quý hiếm.

Sau không dưới 10 lần anh tới Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thấy sự tha thiết và tình cảm chân thành của anh Việt nên Đại tá Nguyễn Huyên – người gần 40 năm làm trợ lý cho tướng Giáp đã đồng ý giúp đỡ anh Việt. Không chỉ được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đồng ý tặng bộ quân hàm và cầu vai kiểu cũ, anh Việt còn được nhận kèm giấy chứng nhận để chứng minh.

Sau khi có được “báu vật”, bộ sưu tập của anh Việt như được nâng thêm giá trị văn hóa, lịch sử và là niềm tự hào mỗi khi anh đi giao lưu với bạn bè trong giới đam mê sưu tập huân, huy chương, đồ nhà binh. Anh Việt chia sẻ: “Bộ quân hàm và cầu vai kiểu cũ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thể nói là vô giá vì không thể mua được bằng tiền. Đây là niềm động viên tinh thần to lớn đối với người sưu tập hiện vật liên quan đến Quân đội nhân dân Việt Nam như tôi. Tôi may mắn có được có lẽ cũng nhờ ở một chữ “duyên” mà thôi”.

Cùng với nhiều nhà sưu tập khác, những hiện vật tiêu biểu trong bộ sưu tập huân, huy chương dòng cách mạng và bộ quân hàm cầu vai của Đại tướng Võ Nguyên Giáp của nhà sưu tập Trần Vương Việt đã được trưng bày tại Nhà triển lãm Thành phố Hà Nội, 93 Đinh Tiên Hoàng nhân dịp kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Lê Tú

Bạn có thể quan tâm