Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc gặp ấn tượng của tướng Giáp và McNamara

"Vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời câu hỏi của tướng lĩnh Mỹ.

Năm 2012, Nhà xuất bản Thời đại phát hành cuốn sách Ở với người - Ở với đời. Tác phẩm đặc biệt này đã tập hợp những bài viết.của các tướng lĩnh, nhà báo, nhà sử học... về đại tướng Võ Nguyên Giáp. Báo Tri thức trích đăng bài viết "Cuộc gặp gỡ đầy ấn tượng" của nhà sử học Dương Trung Quốc.

10h30 ngày 9/11/1995, tại nhà khách Bộ Quốc phòng (phố Phạm Ngũ Lão, Hà Nội), Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Robert McNamara (cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ) gặp nhau.

Đối với giới báo chí thì đây là một cơ hội lịch sử, do vậy phải mất gần 10 phút hai cựu Bộ trưởng quốc phòng của cuộc chiến năm xưa mới qua khỏi vòng vây cuồng nhiệt của những máy ảnh, máy quay phim, micro... và những câu phỏng vấn tưởng không bao giờ dứt của giới báo chí quốc tế và Việt Nam.

Phút gặp mặt đầu tiên, hai ông đứng trao đổi với nhau về việc tập thể dục buổi sáng. Một người đã 85 tuổi còn một người sắp bước vào tuổi 80 (ông McNamara sinh năm 1919) nhưng cả hai đều tỏ ra nhanh nhẹn và minh mẫn.

Đại tướng tiếp Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara năm 1995. Ảnh tư liệu.

Ông McNamara mở đầu cuộc trao đổi bằng lời bày tỏ về ý định của Đoàn tiền trạm Hội đồng đối ngoại New York mà ông dẫn đầu sang Việt nam để chuẩn bị cho một cuộc hội thảo về chiến tranh Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức tại Mỹ vào mùa thu năm tới, hy vọng tướng Giáp sẽ nhận lời mời tham dự.

Cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ cũng nhấn mạnh rằng với một cuộc chiến tranh đã làm hơn ba triệu người Việt Nam và gần 6 vạn người Mỹ bị chết thì việc rút ra những bài học lịch sử, đặc biệt là bài học về những cơ hội bị bỏ lỡ để tránh xảy ra chiến tranh là rất có ý nghĩa không chỉ cho hai nước xưa đã từng tham chiến nay đang hướng tới những quan hệ tốt đẹp mà còn là những bài học bổ ích cho một thế giới đang đầy rẫy các biến cố và xung đột.

Ông cũng kể lại rằng ngay sau khi thôi giữ chức Bộ trưởng bộ quốc phòng (3/1968), ông đã trở thành Chủ tịch Ngân hàng thế giới (World Bank Group of Institutions) và giữ cương vị đó 13 năm liên tục cho đến khi nghỉ hưu (6/1981).

Cũng trên cương vị này, năm 1978, Ngân hàng Thế giới đã cho Việt Nam vay một khoản tín dụng 60 triệu USD cho các dự án về thủy lợi. Giờ đây mới có dịp sang Việt Nam, ông vừa gặp các quan chức của Ngân hàng Thế giới và được viết Việt Nam là một quốc gia đã sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính được đầu tư từ bên ngoài, đó là những dấu hiệu khẳng định tính tự chủ, khả năng vươn lên và phát triển của Việt Nam.

Bước vào chủ đề chính, vị cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ xin hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Thưa ngài, cho đến bây giờ, tôi vẫn không rõ những gì đã xảy ra trong ngày 4/8/1964?" (Đó là một ngày trước khi Tổng thống Mỹ Johnson mở màn cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc và trực tiếp đổ quân Mỹ can thiệp và mở rộng chiến tranh Việt Nam. Và hành động này được giải thích bằng việc trả đũa cho sự kiện đã diễn ra trong ngày 4/8/1964 mà theo báo cáo của phía Mỹ thì chiến hạm Maddox đã bị hải quân Việt Nam tiến công ở vùng biển quốc tế).

30 năm sau sự kiện đó, McNamara mới trực tiếp nhận được một câu trả lời chính xác. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: "Ngày 2/8/1964, tàu Mỹ xâm phạm hải phận Việt Nam ở khu vự đảo Hòn Mê. Một đơn vị hải quân địa phương của chúng tôi đã đánh đuổi. Còn ngày 4/8/1964, không có một hoạt động quân sự nào từ phía Việt Nam được tiến hành trên khu vực này". Các vị khách Mỹ nghe rất chăm chú.

Đại tướng nói tiếp: "Nói điều này có thể là công việc nội bộ của Mỹ, nhưng theo tôi biết thì trước những ngày này, ở Mỹ người ta đã soạn thảo những văn bản để chuẩn bị cho việc mở rộng chiến tranh ở Việt Nam rồi".

Về vấn đề có những cơ hội nào có thể vãn hồi hòa bình ở Việt Nam mà đã bị cả hai bên bỏ qua, Đại tướng nói rằng trong khi kiên quyết chiến đấu chống xâm lược, Việt Nam cũng rất mong muốn nội dung được đề cập tới trong những bài diễn văn của tổng thống Mỹ ở Baltimore về công thức Manila - Antinio... Nhưng Việt Nam cũng nhận thấy rằng mỗi lần người đứng đầu nước Mỹ nói đến những sáng kiến hòa bình trên sức ép quân sự của Mỹ. Có thể nói rằng phía Việt Nam đã không để lỡ một cơ hội nào vì dân tộc Việt Nam là một dân tộc yêu hòa bình hơn ai hết và chiến tranh sẽ mang lại đau khổ trước hết cho người Việt Nam.

Đại tướng cũng kể cho các vị khách Mỹ một câu chuyện cách nay ngót 50 năm, khi ông Paul Mus, một học giả được chính phủ Pháp nhờ chuyển một giải pháp hòa bình cho chính phủ kháng chiến Việt Nam. Trong đó có một điều khoản đòi hỏi quân đội Việt Nam phải hạ vũ khí. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi lại Paul Mus rằng nếu như người Đức gửi một tối hậu thư như vậy thì thái độ của những người kháng chiến Pháp sẽ như thế nào.

Đại tướng cho rằng quan điểm mà ông McNamara viết cuốn sách Nhìn lại tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam cho rằng một trong những nguyên nhân Mỹ thua ở Việt Nam là do không hiểu về dân tộc Việt Nam, và nhất là không hiểu về chủ nghĩa yêu nước của người Việt Nam là hoàn toàn đúng.

Đại tướng nhấn mạnh rằng dân tộc Việt Nam là một dân tộc mà ý thức và quyết tâm bảo vệ độc lập đã trở thành một triết lý, bản sắc văn hóa và cũng là một nguyên tắc không lay chuyển của người Việt Nam.

Sai lầm của Mỹ không những chỉ là không lường được sức chịu đựng và tinh thần quyết tâm của nhân dân Việt Nam mà còn thể hiện ở chỗ muốn tìm kiếm hòa bình ở Việt Nam bằng những cuộc thương lượng với các nước lớn khác.

Tinh thần độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam không chỉ cho ý nghĩa trong quá khứ chiến trang mà cả trong công cuộc xây dựng, đổi mới hiện nay, Việt Nam sẽ đổi mới bằng cách riêng của mình. Những yếu kém về công nghệ Việt Nam sẽ học tập ở nước ngoài nhưng Việt Nam luôn phải giữ vững tinh thần độc lập và bản sắc dân tộc.

Các chiến sĩ thi đua trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vui mừng công kênh Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại lễ mừng công (ngày 13/5/1954). Ảnh tư liệu.

Đại tướng kể lại rằng có lần, tại Alger nhân sự tham dự ngày lễ kỷ niệm Quốc khánh của Algérie, Brzezinskin, người được coi là kiến trúc sư của chiến lược đánh phá Chủ nghĩa Cộng sản dẫn đến sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu, đã gặp và hỏi Đại tướng rằng: "Chiến lược của ngài là gì?". Câu trả lời: "Chiến lược của tôi là hòa bình trong độc lập và tự do".

Đại tướng cũng thắc mắc lại cuộc gặp gỡ mới đây với A.Thomas và nhóm cựu chiến binh của cơ quan OSS (Cơ quan tình báo chiến lược của Hoa Kỳ, tiền thân của cơ quan tình báo trung ương Mỹ CIA) của Mỹ đã từng sát cánh cùng các chiến sĩ Việt Minh đánh phát xít Nhật hồi cách mạng tháng Tám 1945. Đại tướng nói rằng lúc đó chúng tôi đã nghĩ đến những bước phát triển tốt đẹp trong quan hệ giữa hai nước. Nhưng chính chủ thuyết Domino và chống Cộng đã dẫn điến những sai lầm của Mỹ ở Việt Nam trong những thập kỷ vừa qua. Việt Nam là một dân tộc quý trọng nền dân tộc của mình nhưng cũng luôn tôn trọng độc lập của các dân tộc khác. Mở đầu bản tuyên ngôn độc lập của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dẫn ra câu đầu tiên của bản Tuyên ngôn độc lập Mỹ.

Ông McNamara bày tỏ sự tán đồng và những ý kiến của Đại tướng và cả hai vị đều tán thành ý nghĩa và sự bổ ích của cuộc hội thảo dự định sẽ tổ chức.

Trước chính ngọ, hai nhân vật của cuộc chiến tranh năm xưa đã vui vẻ chia tay nhau giữa vòng vây của các nhà báo.


Ngày hôm sau 10/11 cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ McNamara đã phát biểu trước các nhà báo: "Tôi thực sự xúc động khi quay trở lại Việt Nam, điều mà tôi từng mong ước 21 năm qua. Thời gian quả là dài nhưng nó giúp con người ta nguôi đi những dằn vặt về những việc đã làm. Điều đó làm tôi thực sự cảm động là tôi không hề thấy sự thù hận nào trong ánh mắt của người Việt Nan đối với tôi. Một Việt Nam thanh bình, dẫu chưa phồn vinh những quả là đẹp. Một đất nước như thế, một dân tộc như thế thì họ từng đứng vững trong quá khứ và sẽ tiến lên trong tương lai là điều không phải tranh cãi". Nói về cuộc gặp với tướng Giáp, ông McNamara cho rằng đó là một cuộc gặp gỡ đầy ấn tượng.

15h30 ngày 23/6/1997, tại nhà khách Chính Phủ, cuộc gặp gỡ giữa ông Robert McNamara và Đại tướng Võ Nguyên Giáp diễn ra như hoạt động cuối cùng của cuộc Hội thảo Việt - Mỹ được coi là lần đầu tiên giữa các cựu quan chức và học giả hai nước về quan hệ Việt - Mỹ trong quá khứ với mục đích rút ra những bài học cho tương lai như thư của hai vị đại diện hai nhà nước đã gửi đến Hội thảo: bà Nguyễn Thị Bình và ông Bill Clinton. Kết quả cuộc hội thảo kéo dài hơn 3 ngày (20-23/6) đã được 2 bên công bố tại khách sạn Sofitel lúc 14h càng kích thích giới báo chí kéo sang Nhà khách Chính phủ chứng kiến cuộc gặp mặt đại tướng Võ Nguyên Giáp với cựu Bộ trưởng McNamara cùng các thành viên phía Mỹ vì 8 câu hỏi đã được phía Mỹ gửi trước mong được Đại tướng giải đáp.

10 phút dành cho các nhà báo tác nghiệp bằng những câu hỏi ngắn gọn, bằng những ánh chớp máy anhe, những trường đoạn camera và chấm dứt khi ông McNamara đưa ra một đề nghị kiên quyết yêu cầu mọi nhà báo đều phải rời khỏi phòng họp. Khi yên tĩnh đã trở lại, hai vị cựu Bộ trưởng Quốc phòng của những năm tháng chiến tranh Việt - Mỹ mới bắt tay nhau một lần nữa và trao đổi những câu hỏi xã giao của những người đã từng quen biết, không còn dè dặt thăm dò lẫn nhau như câu chuyện về tập thể dục buổi sáng ở cuộc gặp đầu tiên hồi tháng 11/1995 tại Nhà khách Bộ Quốc phòng.

Về phía Mỹ, ông McNamara ưu tiên giới thiệu hai trong số 52 vị thành viên phía Mỹ (gồm 6 cựu quan chức, 6 học giả và 40 quan sát viên) là tướng William Smith nguyên trợ lý đặc biệt cho tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Maxwell Taylor và ông Chester Cooper, nguyên là nhà phân tích khu vực Đông Nam Á, thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia và trợ lý chính cho nhà thương lượng W.A.Harriman.

Là người không tham gia cuộc Hội thảo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mở đầu những lời hoan nghênh và cho rằng cần có nhiều cuộc hội thảo nữa để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau hướng tới tương lai hòa bình, hợp tác trên cơ sở bình đẳng đôi bên cùng có lợi.

"Tôi là quân nhân, tôi nói thẳng”

Nói về chiến tranh ở Việt Nam, người Mỹ hay nói đến giới hạn của sự dính líu là từ năm1961 đến 1969, Đại tướng cho rằng, như thế là chưa đủ vì từ năm 1950 Mỹ đã can thiệp vào cuộc chiến tranh Đông Dương, đến Điện Biên Phủ, 80% chiến phí là của Mỹ. Thực chất sự dính líu của Mỹ vào chiến tranh Việt Nam dưới hình thức và mức độ khác nhau phải là một phần tư thế kỷ, từ năm1950 đến 1975. Bị chi phối bởi một thứ “thần học” (théologie như cách nói của McNamara) là học thuyết “domino”, Mỹ cho Việt Nam là một vị trí quan trọng liên quan đến an toàn của mình, cho nên Kenedy coi Việt Nam là trọng điểm để tiêu diệt phong trào giải phóng dân tộc và đến Johnson thì phát động chiến tranh ra miền Bắc và đổ quân vào miền Nam.

Trở lại vụ Vịnh Bắc Bộ (từ ngày 2 đến 5/8/1964) và trận Pleiku (6/2/1965), khi phía Mỹ đặt câu hỏi ai ra lệnh và khi ra lệnh có nghĩ đến phản ứng của Mỹ ra sao? Đại tướng nói rằng việc này ông đã nói trong cuộc gặp mặt lần trước, nhưng vấn đề đơn giản là “lúc bấy giờ bộ đội Việt Nam ở miền Nam cũng như Hải quân ở miền Bắc được lệnh lúc nào quân địch xâm phạm, tiến vào lãnh thổ thì phải đánh, tôi là một quân nhân, nếu các ngài đồng ý, tôi nói thẳng rằng: “Chính sách (mở rộng chiến tranh của Mỹ) quyết định rồi nhưng phải tìm một cái cớ đưa ra Quốc hội!”. Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ là sai lầm lớn nhất, về chiến lược và cũng là thảm bại đầu tiên và lớn nhất của lịch sử nước Mỹ”.

Ông McNamara bật dậy ngắt lời: “Xin lỗi Đại tướng, ngài nói không đúng”.

Đại tướng bình thản nói: “Ngài đánh chúng tôi trước khi có trận Pleiku, vả lại trận này cũng như trận đánh tàu Maddox chỉ là hoạt động địa phương. Còn phản ứng của chúng đối với việc mở rộng chiến tranh phá hoại là chuyển cả miền Bắc vào tình trạng chiến tranh để bảo vệ miền Bắc và đánh thắng chiến tranh không quân của Mỹ, làm trọn nhiệm vụ hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn”.

"Từ lo sợ không có trong tư duy quân sự Việt Nam”

Phía Mỹ đưa ra câu hỏi: “Những hành động quân sự nào của Mỹ làm tướng Giáp lo sợ nhất và vào những thời điểm nào?”.

Đại tướng cười và vui vẻ nói: “Chúng tôi trả lời là từ “lo sợ” không có trong tư duy quân sự của chúng tôi, bởi vì với chúng tôi, không có gì quý hơn độc lập tự do, chúng tôi quyết đánh Mỹ và chúng tôi luôn tin tưởng là sẽ thắng”.

Phía Mỹ đưa ra câu hỏi: “Nhìn lại quá khứ, tướng Giáp đánh giá thế nào về thành công và thất bại của Tổng tiến công Mậu Thân?”.

Đại tướng nói rằng: “Sức mạnh của Mỹ tuy lớn nhưng có những hạn chế cơ bản. Ví như kỵ binh bay mạnh ở chỗ cơ động nhưng đối với chúng tôi thì cơ động nhất là lực lượng tại chỗ, quân Mỹ đến đâu thì đã có lực lượng của chúng tôi ở chỗ đó”.

“Còn về Tổng tiến công Mậu Thân, mục đích chúng tôi là làm sao cho Mỹ rút. Về cách đánh mà nói thì đợt một là thắng lợi lớn, những đợt sau nếu theo ý kiến của Trung ương chuyển nhanh về nông thôn thì thắng to, nên vì vậy có tổn thất. Chiến tranh nhìn chung là chiến lược tổng hợp. Mục tiêu của chúng tôi là Mỹ phải chấm dứt leo thang, ngồi lại đàm phán. Như thế chúng tôi đã đạt được buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris. Chỉ có điều chúng tôi không dự kiến đầy đủ là Nixon lật lọng sẽ ký rồi lại ném bom B52… Nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn bảo vệ được nền độc lập và thống nhất Tổ quốc của một nước nhỏ, dù kinh tế còn lạc hậu nhưng đã đánh thắng hai đế quốc to. Đó là thắng lợi của ai? Của nhân dân Việt Nam đồng thời cũng là của các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trong đó có những người Mỹ chống lại chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam”.

"Các ngài nên đọc Nguyễn Trãi”

Phía Mỹ nhận rằng, Mỹ không thắng được ở Việt Nam là do Mỹ không hiểu Việt Nam và bỏ qua nhiều cơ hội để chấm dứt sự dính líu vào cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhưng, về phía Việt Nam thì sao, có cơ hội nào bị bỏ lỡ không?

Câu trả lời của Đại tướng là: “Chúng tôi không bỏ qua một cơ hội nào”. Ông McNamara ngắt lời: “Cái đó còn phải bàn lại”.

Đại tướng đáp: “Mỹ xâm lược Việt Nam là sai lầm. Mỹ không hiểu Việt Nam. Chúng tôi là một dân tộc có tinh thần bất khuất hàng ngàn năm chống giặc ngoại xâm, nhưng rất mong muốn hòa bình. Thế kỷ XV, sau khi đánh thắng quân Minh đã từng có những lời tuyên ngôn trong các áng văn bất hủ “Bình Ngô Đại cáo” và “Phú Chí Linh” của Nguyễn Trãi:

“Đem lại thái bình muôn thuở
Tắt muôn đời chiến tranh”.

Các ngài nên đọc những sách đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cứu nước và phát triển học thuyết quân sự độc đáo Việt Nam, động viên chiến tranh toàn dân, do dân, vì dân nên đánh thắng”.

"Nước nhỏ có vai trò nước nhỏ”

Về quan hệ giữa Việt Nam và các nước lớn trong chiến tranh, Đại tướng nhắc lại nhiều lần: “Nước lớn có vai trò nước lớn, nhưng tôi muốn nhắc với ngài rằng: Nước nhỏ cũng có vai trò nước nhỏ. Danh dự, sức mạnh độc lập tự do, sức mạnh văn hóa của một nước không thể đo bằng cây số vuông. Trong quá khứ, Liên Xô và Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam nhiều trong chiến tranh nhưng Mỹ đã sai lầm khi tìm giải pháp quyết định cho cuộc chiến tranh này ở những cuộc thương lượng với những nước lớn đó.

Ngày nay, muốn xây dựng một trật tự thế giới mới thì các dân tộc phải bình đẳng và tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau. G7, G8 bàn với nhau, được, nhưng nếu không tính đến các nước nhỏ thì không bao giờ thế giới có hòa bình và ổn định phát triển”.

Kết thúc câu trả lời cho những câu hỏi về phía Mỹ đặt ra, Đại tướng nói:

“Tôi mong rằng đó là những điểm tôi suy nghĩ đã lâu, bây giờ nói rất ngắn sẽ giúp cho việc xây dựng quan hệ Việt Nam và Mỹ. Do vị trí địa lý chính trị và vai trò Việt Nam gắn liền với văn hóa và lịch sử của nó, quan hệ Việt – Mỹ sẽ góp phần vào sự ổn định khu vực và thế giới. Tôi nhất trí với ngài McNamara là không có nước nào có thể áp đặt được ý định của mình cho các dân tộc khác, nhất là với Việt Nam, phải tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi trên nguyên tắc bình đẳng.

Sự bình thường hóa quan hệ giữa hai nước đã mở ra những cơ hội để chúng ta đẩy nhanh sự phát triển những quan hệ hòa bình trong hợp tác và cùng có lợi trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng chủ quyền của nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước và sự ổn định phát triển của thế giới”.

"Vị tướng tôi đánh giá cao nhất là Tướng Nhân Dân”

Sau câu hỏi của tướng Smith bằng cách nào Việt Nam đối phó được với những vũ khí hiện đại của Mỹ, một câu hỏi được mọi người chú ý được đặt ra: Vị tướng nào trong chiến tranh được tướng Giáp đánh giá cao nhất?

Đại tướng trả lời: “Quân đội Nhân dân Việt Nam ở cả miền Bắc và miền Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói là một quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng có tinh thần quyết chiến rất cao, thông minh và sáng tạo. Còn vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình. Tôi hoàn thành nhiệm vụ cũng như những người lính hoàn thành nhiệm vụ. Trên bình diện nhiệm vụ thì tôi cũng như người lính là bình đẳng, cho nên tôi rất tôn trọng người lính. Còn các ngài muốn hỏi tôi rằng, tướng ngụy nào tôi để ý đến nhất thì có lẽ sự đánh giá ấy nên hỏi Bộ Tư lệnh Quân đội Mỹ”.

"Hôm nay, ngài lại thắng lợi về thời gian”

Người phát biểu cuối cùng của cuộc gặp mặt là ông Chester Cooper, vị tướng thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia thời chiến tranh của Mỹ chân thành nói: “Thưa Ngài, tôi thán phục Ngài từ 20 năm về trước, nay tôi cũng vẫn thán phục Ngài và chắc các bạn tôi ở đây cũng vậy. Chúng tôi sang đây với một tinh thần suy tư cởi mở và sẵn sàng muốn tìm hiểu dân tộc Việt Nam. Chúng tôi học hỏi được rất nhiều. Bài thuyết trình của Ngài cũng nhắn nhủ chúng tôi rất nhiều điều”.

Đại tướng bình luận: “Các ngài chưa hiểu hết đâu”.

Ông Cooper: “Chính vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc tìm hiểu này và hy vọng lần sau chúng tôi sẽ trình bày để Ngài hiểu hơn về nước Mỹ chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhớ mãi ngày hôm nay”.

Lúc chia tay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt tay ông McNamara: “Bắt tay một con người dũng cảm và có thiện chí”.

Cuộc gặp mặt kết thúc mà không thực hiện được một dự kiến tất cả sẽ chụp một bức ảnh chung bởi vì dự tính cuộc gặp mặt chỉ diễn ra dưới 1 tiếng đồng hồ thì đã kéo dài thêm gần 30 phút. Ông McNamara và tướng Smith vội vã về khách sạn để ra sân bay kịp giờ về nước.

Trong suốt cuộc gặp mặt, cựu Bộ trưởng McNamara không trình bày nhiều nhưng luôn tỏ ra sốt ruột về thời gian, thỉnh thoảng ông lại ngắt lời Đại tướng với câu xin lỗi lịch sự nhưng không giấu được sự sốt ruột vì muốn giành thêm thời gian để các thành viên của mình trình bày quan điểm. Nhưng thản nhiên và cũng lịch sự, Đại tướng chủ động giành phần lớn thời gian để phát biểu quan điểm của mình. Không giữ được kiên nhẫn, ông McNamara thốt lên: “Thế là ngài lại thắng về thời gian rồi”. Đại tướng lập luận: “Các ngài thua vì chưa hiểu, muốn hiểu nên lắng nghe”.

Sau cuộc gặp mặt, tôi gặp Stein Tonnesson, nhà sử học người Na Uy, thành viên duy nhất không có quốc tịch Mỹ của đoàn Mỹ, là tác giả của nhiều tác phẩm viết về lịch sử Việt Nam. S.Tonnesson bình luận về cuộc gặp mặt giữa hai cựu Bộ trưởng Quốc phòng: “Lần này, tướng Giáp lại thắng trong một trận chiến về ngôn từ” (une guerre des mots).

Trích Cuốn Ở với người - Ở với đời

Bạn có thể quan tâm