Xin tiếp tục trích đăng chương Cánh cửa từ chiếc taxi trong cuốn sách "Phút 90++: Ký sự Nam Phi, Ukraina và 10 nghìn cây số" của nhà báo, bình luận viên bóng đá Trương Anh Ngọc.
Người Anh bảo: “Nếu bạn chán London, bạn cũng sẽ chán cuộc đời này”. Đến Cape Town, bạn cũng muốn thốt lên như thế. Không bao giờ buồn ở Cape Town, trừ khi ai đó cố đến đấy để buồn. nhưng cái cảm giác thích thú khi ngồi bar nghe nhạc ầm ĩ, đi dọc những bãi biển tuyệt đẹp ngắm hoàng hôn, shopping ở những nơi như Waterfront mà từ đó ta có thể thuê tàu đi ngắm cá voi nổi lên mặt biển hoặc đi đến đảo Robben, hay đứng trong mây nhìn Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương hòa làm một từ mũi Point, rồi cũng có thể bão hòa.
Cape Town nhìn từ trên cao. Ảnh Internet. |
Mặt kia của cuộc sống xa hoa và giàu sang ở Cape Town có thể nhìn thấy ở rìa thành phố, nơi những người “coloured” (lai giữa các màu da) và “blacks” (da đen) bị đẩy ra đó một cách không thương tiếc, ngày ngày sống cuộc đời nghèo khó và gian nan vật lộn với hiện tại cùng tương lai mờ mịt. Một tuần ở Cape Town, tôi nhìn thấy một khía cạnh khác nữa của cuộc sống nam Phi: cuộc sống qua mắt của những người lái xe taxi.
Ở Cape Town, tôi hay đi taxi, bởi đấy là phương tiện duy nhất có thể đáp ứng mọi yêu cầu của một kẻ lang thang và muốn khám phá mọi ngóc ngách của thành phố. Những chiếc xe cũ kỹ lẽ ra phải bị đập bẹp từ nhiều năm trước trở thành phương tiện đi lại hầu như duy nhất có thể trong một đất nước mà giao thông công cộng không phát triển. những cái xe thật “dễ thương”: nếu không mở cửa kính thì nóng như chảy mỡ vì điều hòa đã hư hết, nhưng nếu mở ra thì nghẹt thở vì mùi xăng như một gợi nhớ đến xe khách thời bao cấp ở mình.
Trên thực tế, chỉ có người da đen sử dụng những cái gọi là xe buýt, những chiếc xe chín chỗ hay mười hai chỗ chật như nêm cối giữa những người đàn bà da đen béo núc ních mà mỗi lần xe phanh gấp lại như cả tạ thịt sắp xô ra khỏi cái áo, nhưng cảm giác rất vui vẻ, an toàn, thậm chí thơm tho.
Có điều trong xe taxi của các bác tài hôi nách và đầy mùi xăng lại là một cảm giác khác, thú vị hơn nhiều, bởi họ, dù có đôi chút láu cá trong chuyện tính tiền đi taxi, lại hết sức thoải mái, sẵn sàng cởi mở lòng bất cứ lúc nào, với bất cứ ai hay chuyện như tôi.
Anderson
Kinh nghiệm đầu tiên của tôi khi đi taxi ở đây là tệ. Một người sống nhiều năm ở Ý, đã biết trò tính tiền bậy bạ bằng cách đi lòng vòng của cánh taxi ở đó lẽ ra cần phải cảnh giác với cánh taxi “chăn” khách vãng lai lần đầu đến nơi này. nhưng một thoáng lỡ quên và bài học nhận được liền. ngày đầu tiên ở Cape Town, một tay lái xe đã lấy ngon ơ của tôi số tiền đáng lẽ ra phải đi được gấp đôi khoảng cách từ nhà ga đến khách sạn.
Kết luận thứ nhất: Với cánh taxi ở đây, nếu không dùng đến cái công tơ mét chết tiệt chạy nhanh như gió, cần phải biết trước lộ trình đi của mình, bởi có lẽ họ tin rằng, mỗi cây số ở Nam Phi chỉ bằng năm trăm mét ở Việt Nam mình. Nhưng không thể không cần đến họ, và tôi vẫn phải gọi taxi cho những chuyến đi xa từ Cape Town. Và Anderson, cái anh chàng đã tính tiền láo cho tôi ở ngày đầu tiên, lại được gọi. Không phải vì tôi không thể gọi lái xe khác, mà vì tôi tin sau cuộc cãi lộn với nhau lần trước khi tôi phát hiện ra mình bị lừa, Anderson sẽ không dám lừa tôi một lần nữa.
Kết luận thứ hai: nếu tay taxi đã ăn gian của mình lần đầu, chắc chắn hắn sẽ biết điều hơn ở những lần sau, nếu tiếp tục đi với mình. Câu chuyện của Anderson cũng là câu chuyện của nhiều người lái xe taxi gốc Zimbabwe khác. nhập cư vào nam Phi theo dạng tị nạn chính trị để tránh những biến động ở quê nhà, những người như Anderson chia tay vợ con và sống cuộc đời vất vưởng tại Cape Town. Họ thuê xe taxi của một chủ khác vì người nước ngoài không được phép kinh doanh dịch vụ này ở đây và chạy nhiều nhất có thể để kiếm tiền trả nợ những tay cò đã đưa họ sang nam Phi, trả tiền thuê xe, trả tiền thuê nhà và nhiều thứ tiền khác nữa. nhưng anh vẫn đủ tiền để gửi về nhà hằng tháng và cuộc sống ở đây vẫn hơn nhiều lần so với ở Zimbabwe, nơi lạm phát kinh khủng đến mức, người ta từng phải chi cả tỉ USD Zimbabwe chỉ để mua một ổ bánh mì.
Anderson đưa tôi đến nơi anh ở, một căn phòng tuềnh toàng ở ngoài rìa thành phố, cách những khu ổ chuột của người da đen dăm cây số. Anh sống chung cùng mười người khác trong diện tích chừng mười lăm mét vuông. Anh khoe mình vẫn sướng chán so với những người đồng hương khác, những người đang bị dân da đen đe dọa giết hoặc đốt nhà nếu không trở về Zimbabwe. người bản địa coi dân nhập cư là nguồn gốc dẫn đến việc họ thất nghiệp.
Sau World Cup, cảnh sát rời khỏi nhiều khu dân cư, thế giới của người nghèo trở lại tình trạng bất ổn và tội phạm hoành hành như trước khi giải đấu diễn ra. Không còn ai bảo vệ cho dân nhập cư. Không còn ai thông cảm và chia sẻ với họ những khó khăn và hiểm nguy. Đơn giản bởi chính người bản địa cũng lo lắng hơn ai hết về cuộc sống và mạng sống của chính họ trước bạo lực luôn đe dọa. Những vụ tấn công người nhập cư từ Zimbabwe hay Somalia đã diễn ra tồi tệ ở nam Phi kể từ nhiều năm nay, làm hơn một trăm người thiệt mạng. Anderson cười khi tôi hỏi về an toàn tính mạng của anh: “Sự đe dọa cũng đến với tôi, nhưng tôi vẫn phải sống, khi hết hạn tị nạn tôi sẽ trở về nhà”.
Trevor
Trevor không phải dân tị nạn Zimbabwe mà là người “coloured”, lai từ một người mẹ dân tộc Khoisan và người cha Hà Lan. Có một ông bố gốc da trắng không hề khiến ông cảm thấy bớt tự ti trước thái độ kỳ thị chủng tộc của người da trắng với ông. Trevor bảo ở Cape Town, những người như ông ở tầng đáy của xã hội, bằng thân phận người da đen.
Trevor không biết nhiều nơi trong thành phố, bởi trong ông vẫn giữ nguyên những cảm giác bị kỳ thị chủng tộc từ thời apartheid để lại: “Tôi không biết đường đến trung tâm thành phố. Dưới thời apartheid, người da đen và “coloured” bị cấm đến đó. Gần hai mươi năm sau khi chế độ ấy sụp đổ, sự phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại. người da nào sống trong khu của màu da ấy, khép kín với tất cả”.
Singghi
Trevor không biết nhiều về khu Cape Town da trắng, nhưng Singghi thì biết, tường tận đến chi tiết khác nhau của các bar hay hộp đêm. Tay lái xe có nước da đen bóng và mái tóc theo kiểu Ruud Gullit này có một nụ cười cực kỳ playboy. Playboy theo kiểu dân tộc Tswane của anh, bởi Singghi khi đi trên xe chỉ thích nói về phụ nữ, nhất là phụ nữ béo.
Anh bảo, một trong những lý do quan trọng nhất khiến người ta thấy cánh phụ nữ da đen ở nam Phi nói riêng và châu Phi nói chung béo ú, béo như những thùng phuy theo đúng nghĩa của nó, chính là vì cánh đàn ông thích thế. “Chúng tôi quan niệm đàn bà càng béo càng tốt. Một người đàn ông da đen lấy được một người phụ nữ béo là cả một cuộc chinh phục, bởi truyền thống cho rằng phụ nữ béo đẻ con khỏe và làm cho đàn ông sung sướng”.
Singghi dĩ nhiên là có một bà vợ béo gấp đôi anh ta. Kết luận thứ ba: Khi lên xe của một tay da đen nào đó, cách tốt nhất để làm cho đường đi ngắn lại là hãy nói với anh ta về phụ nữ béo, trên một tạ càng tốt. Rất có thể anh này sẽ giảm tiền xe cho mình!
Một tuần ở Cape Town và một tháng ở nam Phi là quá ít để hiểu kỹ hơn về cuộc sống ở đấy, vì sự trải nghiệm không thể đơn giản như khi ta lên một chiếc taxi, đến một nơi nào đó rồi nhảy xuống và đi nơi khác. Phải sống cùng họ và hòa trong cuộc sống của họ để hiểu họ. Chỉ biết họ rất thân thiện với những ai chào và cởi mở lòng với họ, sẵn sàng giúp đỡ tất cả nhưng thỉnh thoảng vẫn vòi tiền, cực thích chụp ảnh và cười cũng có thể là cách để nhận ra họ qua hàm răng trắng tinh.
World Cup là gì đối với họ?
Anderson nói: “Sau World Cup là một cuộc sống khác, khó khăn hơn, vì chúng tôi đã bị dọa giết nếu không trở về nhà”.
Trevor nói: “người ta đã tìm cách che giấu đi những vấn đề nghiêm trọng của nam Phi, trong đó có sự phân biệt chủng tộc với người coloured chúng tôi. nhưng thế giới vẫn nhìn thấy qua bài viết của nhà báo các anh. Chúng tôi mong muốn thay đổi. nhưng sau World Cup, sẽ chẳng có gì thay đổi, có khi còn tệ hơn”.
Singghi nói: “World Cup ư? Chẳng có ích gì. Bóng đá không đồng nghĩa với đàn bà béo đẹp. Tôi cần một người tình. Cô ta phải béo hơn vợ tôi”.
Kết luận thứ tư: Nên đi xe taxi khi bạn đến Nam Phi, nhưng hãy đọc thuộc lòng ba kết luận trên.