Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phút 90++: Địa ngục của những địa ngục

Trong đoạn trích này, Trương Anh Ngọc kể lại chuyến hành trình đến Khayelitsha (Nam Phi) và suýt bỏ mạng vì lưỡi dao của hai tên cướp đường.

Nhà báo, bình luận viên bóng đá Trương Anh Ngọc vừa ra mắt độc giả cuốn sách "Phút 90++: Ký sự Nam Phi, Ukraina và 10 nghìn cây số".

Xin trích đăng chương Địa ngục của những địa ngục trong tác phẩm mới của anh:

Steven dừng xe ở một trạm xăng trước khi vào Khayelitsha, gỡ biển taxi trên nóc. Anh bảo rằng, tốt nhất là không nên để người dân ở khu định cư da đen này để ý đến việc có chiếc taxi chở một phóng viên châu Á đến nơi ở của họ.

Anh nói đúng.

Còn tay phóng viên châu Á không biết mình sắp đối diện với tử thần ấy là tôi.

Khi tôi thốt ra từ Khayelitsha, bốn lái xe taxi đã lạnh mặt dông thẳng, mặc cho tôi nằn nì trả gấp đôi. Chỉ có Steven nhận lời. Anh cần tiền, nhiều tiền, vì con anh ốm, vì gia đình anh nghèo, vì anh là người Zimbabwe. Ở đây, gần như mặc định, đã là người da đen, lại là người nhập cư đến từ Zimbabwe, thì chắc chắn anh ta phải rất nghèo, thậm chí còn đang mang trong mình virus HIV và không biết sẽ chết lúc nào.

Tôi khoái chiếc xe Ford cà tàng đời 1980 của tay lái xe người Zimbabwe. Không phải vì nó không hề có điều hòa, cửa kính vẫn phải mở bằng cách quay tay, cửa gần như đã long ra trong cái “chuồng gà” lúc nào cũng kêu cọt kẹt khi chạy, và thay vì trong xe nức lên mùi nước hoa dễ chịu lại là mùi hôi nách của bác tài, mà vì chiếc xe ấy đúng là không thể gây chú ý lớn lao gì cho người dân sống trong Khayelitsha, khu định cư da đen lớn nhất ở Cape Town, chỉ đứng thứ hai sau Soweto về số dân cũng như diện tích. Anh lái xe taxi to béo người da đen cũng dặn là sẽ chỉ đi vào những chỗ nào anh cảm thấy an toàn, cần phải chốt tất cả các cửa khi ngồi trong xe chụp ảnh và sẽ nhắc tôi nhanh tay kéo cửa kính nếu có dấu hiệu nguy hiểm.

Tôi từng thâm nhập vào các khu ổ chuột của Soweto và đã quen với những lời khuyên kiểu ấy. Những đồng nghiệp người nam Phi của tôi cũng khuyên nhiều điều khi biết tôi muốn thực hiện một phóng sự ở Khayelitsha. Một anh bạn mới quen nói chữ “Khayelitsha” rồi im lặng, mắt nhìn thật bí hiểm, tay giơ lên cổ và “xoẹt” (!) nhưng với một thằng phóng viên, những lời khuyên ấy đôi khi chỉ càng khiến gã khao khát lao đi hơn dù lường được hết sự mạo hiểm. Cuộc sống ở những khu định cư da đen luôn chất chứa bất trắc với những người lạ. Cũng có thể những ai sống ở thế giới khác với họ có định kiến như thế. nhưng rõ ràng với Khayelitsha, những lời dặn trên không thừa. Thế nên người ta sợ và ghẻ lạnh người da đen hệt như chế độ apartheid đã đẩy họ ra khỏi các thành phố lớn, dồn họ vào những khu dân cư và lấy hàng rào sắt bao quanh. Bây giờ, hai thập niên sau khi chế độ ấy sụp đổ, những khu định cư không hề biến mất, mà ngày càng phình to ra hơn bao giờ hết. Khách du lịch vẫn đến Cape Town, vui vẻ ầm ĩ trong những tửu quán trên phố Long, những khu shopping ở Waterfront. Họ không biết và cũng không cần biết rằng tồn tại ngay bên cạnh Cape Town ăn chơi, giàu có, xa hoa như new York này, lại là một thế giới của những người cùng đinh trong xã hội.

Một bức tranh đối lập điển hình của nam Phi.

Chỉ cần đi dọc con đường n2, qua sân bay Quốc tế Cape Town một đoạn, hướng đến Cape Flats, bạn sẽ thấy tất cả. Được mô tả là cái “hố rác của apartheid”, những khu định cư có tên Khayelitsha, Langa, Gugulethu, Bonteheuwel hay Cross Roads chứa đựng trong những dãy nhà dột nát cuộc sống của hơn một triệu người không có màu da trắng. Họ là những người “coloured” (lai giữa các màu da) và “black” (người da đen), những người bị xua đuổi ra đây trong thời apartheid. Mới đây, người ta tính rằng phải mất ba mươi năm mới có thể cải thiện được một cách cơ bản cuộc sống của người dân khu vực ấy. Thế nên bây giờ, ngoại trừ các khu “coloured” sống tốt hơn và nhà đẹp hơn, các khu “black” vẫn bẩn thỉu, cũ kỹ, đầy rẫy tội phạm và hoàn toàn tương phản với cuộc sống đầy ánh sáng và tiền bạc chỉ cách đấy vài cây số, dưới chân núi Bàn, nhưng không khu nào nổi tiếng bằng Khayelitsha.

Ở đây, những túp lều rách nát trải hết tầm mắt. Những con đường nhựa trở thành ranh giới phân chia tự nhiên giữa các khu. Tại đây, người ta sống chủ yếu trong những ngôi nhà bằng kẽm bởi họ không đủ tiền mua gạch làm nhà, và chính vì thế, nguy cơ cháy rất cao (hàng trăm hộ dân đã từng mất hết nhà cửa trong một vụ cháy khủng khiếp đầu năm 2013). Cửa hàng cửa hiệu là những công-te-nơ bán đủ thứ nhì nhằng. nhà vệ sinh công cộng mới được dựng cách đây chưa lâu và xếp thành hàng dài trước các khu nhà bẩn thỉu nhưng chúng chỉ là vật trang trí thừa thãi. Ở đây người ta chưa có thói quen đi vệ sinh như thế.

Khi tôi đến đây vào tháng Bảy năm 2010, rất dễ nhận thấy nơi đây không có World Cup. Hoàn toàn không. Soweto còn có những dãy cờ của các đội tuyển tham dự giải, có những tranh vẽ về giải đấu do những “nghệ sĩ đường phố” thể hiện trên các bức tường hoặc ngay trên đường, có những dãy ăng-ten parabol ở những nhà khấm khá, có cả khách du lịch, vì ở khu orlando của Soweto có ngôi nhà cũ của lãnh tụ nelson Mandela.

Ở đây không có gì hết. Không cần phải đến tận các safari với hổ báo, hươu nai hay chạy xe đến sa mạc Kalahari giáp với biên giới namibia, bối cảnh của phim Đến Thượng đế cũng phải cườiđể hiểu được ở đó người ta không hề biết đến giải đấu đang diễn ra. nhiều người trong số hàng trăm nghìn dân cư ở đây thậm chí không biết World Cup đã được tổ chức trên đất nước mình, đúng ra, ở thành phố mình, cách đấy chỉ hai mươi cây số. Họ không có ti vi. những nhà nào có điện thì hầu hết là câu trộm.

Ở Khayelitsha, người ta gần như không trả bất cứ thứ tiền nào, từ tiền điện, nước đến vệ sinh. Rác ùn lên hàng đống hai bên đường. Tương phản với cảnh nhếch nhác ấy là một trung tâm thể thao lớn mới được xây dựng nguy nga và tráng lệ ở rìa một khu định cư. Steven cười khì khì bảo: “Họ muốn những đứa trẻ thoát đói nghèo bằng cách tạo cho chúng giấc mơ “thuốc phiện” trở thành cầu thủ bóng đá đấy hả? Chỉ có một Drogba hay Eto”o thôi. Điều mà dân ở đây cần là việc làm, y tế và học hành”.

Nhưng không phải mọi thứ đều xám xịt. Dấu hiệu của “cuộc sống tươi đẹp” tồn tại trong những cái gọi là nhà - những gian nhà bằng kẽm rộng chừng mười mét vuông có giá 3000 rand (hơn 400 uSD) được rao bán ngay trên hè phố, trong một khu chợ nhếch nhác được trang trí bằng những biển quảng cáo cho Coca-Cola, thứ nước uống rẻ nhất và do đó bán chạy nhất trong người nghèo, các bà bán quán béo ú đang tích cực nướng thịt (à, vì hôm đó là Chủ nhật), và số lượng các hiệu cắt tóc, làm đầu ở Khayelitsha nhiều một cách kỳ lạ. Các “hair salon” được trang hoàng diêm dúa và lúc nào cũng có người đến làm tóc. Kết luận của Steven: “Mọi thứ ở đây chưa đến mức tồi tệ lắm. Một khi người ta còn biết chăm sóc sắc đẹp cho mình thì họ vẫn còn yêu đời lắm”.

Khó khăn lắm tôi mới thuyết phục được Steven dừng xe cho tôi đáp vào một hiệu cắt tóc nằm đó nom có vẻ thanh bình, yên ả, với những phụ nữ đang im lặng chờ đợi đến lượt mình. Anh có thể oán hận nhưng nếu chỉ ngồi ngó ra từ cái xe kín bưng này trong suốt chặng đường, chắc tôi sẽ phải ném luôn thẻ phóng viên của mình vào dãy nhà vệ sinh không ai dùng kia cho đỡ xấu hổ, Steven ạ.

Nuốt nước bọt, tôi bước vào hiệu cắt tóc trong ánh mắt gườm gườm của Steven. Tiệm này cũng được làm từ công-te-nơ với cái tên rất kêu “number one salon”. Hóa ra cũng chẳng đáng sợ như tưởng tượng. Tôi ngồi buôn chuyện với một ông trưởng xóm. Sau vài câu mào đầu lịch sự, như những người da đen khác, trưởng thôn cởi mở tâm sự: “Chúng tôi căm ghét vuvuzela, căm ghét World Cup. nhưng chúng tôi không ghét Blatter (chủ tịch FIFA) hay Shakira (ca sĩ Colombia, người hát bài hát chính thức của World Cup 2010) vì không biết họ là ai. Tôi mong cái World Cup chết tiệt này kết thúc để chúng tôi trở lại cuộc sống bình thường. Chúng tôi chẳng sung sướng gì khi có nó. Tiền được đổ vào đâu đó, tôi không biết, nhưng không đến đây”.

Cuộc sống của người dân ở đây sẽ trở nên tốt đẹp hơn vào lúc nào? Ông trưởng thôn bảo, sau ngày diễn ra trận bán kết Hà Lan - uruguay ở Cape Town. World Cup đã biến nơi đây thành một khu mất tự do. Sau World Cup, cảnh sát sẽ rút đi và cảm giác bị tội phạm hóa cả ngày lẫn đêm của người dân Khayelitsha sẽ mất, họ lại được sống một cách tự do trong thế giới khép kín của mình, theo định nghĩa của họ, xa lạ với cuộc sống của những người da trắng cách đó dăm cây số, của những người lai ở một số khu định cư gần đó.

Họ mong cái World Cup tội nợ này kết thúc, những cư dân Khayelitsha. Một bộ phận không nhỏ ở đây sống bằng cướp bóc. Họ không thể “hành nghề” nổi vì đường sá bị “cảnh sát hóa”. ngoài ra, họ còn bị đe dọa bởi nỗi lo sợ nay mai sẽ bị ủi đổ nhà khi thành phố mở rộng ra phía ngoài và chính quyền “dọn dẹp” các khu cùng đinh. Kết thúc cuộc trò chuyện, ông trưởng thôn cởi mở kia không cho tôi chụp ảnh. Rất khác với Sbubelo, với những người da đen tôi từng gặp. Dẫu sao đây cũng là Khayelitsha, nơi không phải ai cũng đối xử với nhau bằng những nụ cười.

Hai thập kỷ sau khi chế độ apartheid sụp đổ, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc không còn tồn tại nữa, ít nhất là trên giấy tờ, và chính phủ cùng nhiều tổ chức nhân đạo đã làm rất nhiều điều để cải thiện cuộc sống của người da đen ở những khu như Khayelitsha. nhưng họ vẫn sống chung với ma túy, đĩ điếm, AIDS, dưới những túp lều rách nát, và sự phân biệt đối xử tồn tại một cách vô hình. Cuộc sống nghiệt ngã ở đây được thể hiện trong những bài dân ca hiện đại mà người Khayelitsha hát lên như một khát khao giải thoát thực sự. những con đường nhựa chạy qua khu này vẫn đẹp và bóng loáng. Mặt trời mỗi ngày vẫn trồi lên và lặn xuống. Chẳng có gì thay đổi, ngoài nghèo đói và tội phạm ngày một phình ra.

Trong cái nắng lạnh nhàn nhạt của chiều đông, một lũ trẻ đang chơi bóng trên sân đất bẩn thỉu. Khuôn mặt các em lúc này đây không có dấu vết của cuộc sống thường ngày khắc nghiệt, chỉ có say mê rất đỗi trẻ thơ. những thiên thần nước da đen bóng ấy sau này sẽ lớn lên thành nạn nhân hay quỷ dữ? Hay số phận các em cuối cùng cũng sẽ khác cha anh của mình?

Tôi chạnh lòng nhớ tới một đoạn trong cuốn Cry, the beloved countrycủa nhà văn nam Phi Alan Paton: “Hãy khóc than, hỡi tổ quốc dấu yêu, cho đứa trẻ chưa ra đời rồi sẽ kế thừa nỗi sợ hãi của chúng ta. Xin cho em đừng quá mến yêu trái đất này. Xin cho em đừng bật cười quá vui khi nước chảy qua những kẽ tay em, cũng đừng đứng quá lặng khi vầng dương đang lặn nhuốm thảo nguyên đỏ ối một màu lửa. Xin cho em đừng quá động lòng trước tiếng hót của những chú chim trên mảnh đất quê em. Cũng đừng quá nặng lòng với một ngọn núi hay thung lũng. Bởi nỗi sợ hãi sẽ cướp em đi nếu em trao gửi quá nhiều”.

Bước ra khỏi xe, tôi muốn ghi lại lát cắt trong vắt hiếm hoi ấy. Đây là lần thứ hai tôi xuống xe để chụp hình sau khi nổi cáu với Steven vì anh cứ bắt tôi phải chụp từ trong xe ra khi xe vẫn đang chạy với cửa kính đóng kín. Steven thỏa hiệp. Anh cho tôi xuống xe với điều kiện không được đi xa quá năm mươi mét.

Lòng ngổn ngang cảm xúc, tôi lúi húi chọn góc và bấm máy lia lịa. Bọn trẻ hồn nhiên và háo hức hợp tác. những hàm răng trắng ánh lên trong nắng. nhưng trong một tích tắc, trong ống kính lóe lên vệt sáng lạ. Thói quen quan sát và cảnh giác của một gã phóng viên đã cứu mạng tôi. Là ánh dao. Hai thanh niên vạm vỡ cầm dao lao đến. Một khoảnh khắc đông cứng vì sợ hãi. Cái máy ảnh trở nên nặng trịch. Đôi chân tưởng như không bước nổi. Máu trong huyết quản lạnh đi. Trong cơn bừng tỉnh như một bản năng, tôi quay người guồng chân như một thằng điên về phía chiếc taxi. Kịp lao vào xe, sập cửa lại, tôi thở hồng hộc, đầu óc trắng xóa trong khi Steven đạp ga phóng như bay ra khỏi cái nơi mà đến giờ tôi vẫn còn rùng mình mỗi lần nhớ lại. nơi ấy có một phần cuộc sống của tôi đã suýt ở lại. nơi của những bài dân ca về cái chết, nơi ngày ngày có những người bị đâm và bỏ mạng, nơi những băng đảng thanh niên du đãng tìm đến nhau và đến những người xấu số khác trong cơn ngông cuồng thú tính. Thất nghiệp, tội ác, bệnh tật, chết chóc, không tương lai. nhưng tôi muốn sống.

Bóng tối ập xuống khi chúng tôi phi như bay khỏi Khayelitsha. Mặt trời lặn đỏ ối ngoài khơi Cape Town và thành phố bừng lên ánh sáng của hàng triệu ngọn đèn. Ánh sáng ở đấy không đến với Khayelitsha, giữa mênh mông những nóc nhà lụp xụp tít tắp tới chân trời. Vì đây là một thế giới khác. Thế giới của bóng đêm.

(Trích Phút 90++: Ký sự Nam Phi, Ukraina và 10 nghìn cây số)

Trương Anh Ngọc

Bạn có thể quan tâm