"Cậu sẽ chẳng trụ nổi quá 3 ngày", nhiều người đã nói như vậy với cử nhân trẻ Dai Wei khi anh bắt tay vào dự án khởi nghiệp. Doanh nghiệp ấy hiện được định giá đến 2 tỷ USD.
Dạo quanh phố phường Bắc Kinh, ta có thể bắt gặp trên khắp ngõ ngách và vỉa hè từng hàng dài những chiếc xe đạp sơn màu vàng cam bắt mắt. Có ai ngờ rằng chúng là kết quả của một dự án khởi nghiệp đáng giá tỷ đô, chỉ với những phương tiện được cho là thô sơ, đơn giản nhất này, Ofo được cho là có khả năng đối chọi được với Grab hoặc Uber.
Ofo, công ty sở hữu những chiếc xe đạp vàng cam màu mè này, vừa mới thu thêm khoảng lợi nhuận 450 triệu USD trong tổng số 1 tỷ USD trước đó.
Ở đất nước tỷ dân, bên cạnh Ofo còn có Mobike, Bluegogo và màu xanh lá của Forever cùng chia sẻ và kiểm soát thói quen đi lại của người dân Đại lục.
Theo Bloomberg, thị trường cạnh tranh trong lĩnh vực này mạnh mẽ đến nỗi đánh bật các dịch vụ như của Uber và Grab. Bên cạnh đó, hiện nay Ofo đã được định giá lên đến 2 tỷ USD và trở thành dịch vụ chia sẻ xe đạp lớn nhất Trung Quốc. Dịch vụ này trải dài khắp 13 đất nước với hơn 10 triệu chiếc xe đạp.
Bản chất của chiếc xe đạp là một phương tiện thô sơ, sử dụng hoàn toàn và khai thác triệt để sức lực của con người. Hơn nữa, xe đạp là mục tiêu dễ dàng của bọn trộm xe vì các loại khóa dành cho xe đạp thường kém an toàn.
Câu hỏi đặt ra là điều gì lại có thể biến ngành dịch vụ tưởng chừng không tưởng này trở thành dự án lập nghiệp đáng giá hàng tỷ USD.
K
huôn mặt thư sinh, vóc dáng nhỏ nhắn, con người hàng ngày mặc vest với thú vui đạp xe đi làm ấy là Dai Wei, CEO và nhà sáng lập của dự án chia sẻ xe đạp đáng giá hàng tỷ USD, Ofo.
Sáng lập và điều hành Ofo đã biến Dai Wei trở thành hình mẫu của giới trẻ Trung Quốc hiện nay, một đại diện tiêu biểu của thế hệ 9x nước này.
Theo Fortune, anh còn được vinh danh trong danh sách 40 doanh nhân thành đạt nhất dưới 40 tuổi tại Trung Quốc, với tổng số tài sản là 6 triệu USD.
Dai Wei bắt đầu con đường học vấn tại học viện Guanghoa, chuyên ngành quản lý tài chính thuộc Đại học Bắc Kinh vào năm 2009. Trong suốt quãng thời gian học đại học, Dai Wei luôn là người tiên phong cho phong trào sinh viên, cũng như rèn luyện học tập. Bằng chứng là chỉ vài năm sau đó, Dai Wei ứng cử và trở thành Chủ tịch hội sinh viên Đại học Bắc Kinh.
Sự nghiệp của Dai Wei gắn bó với chiếc xe đạp từ sớm. Không chỉ sử dụng xe đạp là phương tiện giao thông chính, Dai Wei còn tham gia vào hiệp hội những người yêu xe đạp tại Đại học Bắc Kinh. Hội nhóm này thường tổ chức những buổi huấn luyện dã ngoại thường niên, chủ yếu trên những cung đường dài ngoằng lên đến 2.000 km, thành viên còn được tập luyện chạy xe đạp vượt địa hình qua dãy núi Phượng Hoàng Lĩnh hiểm trở.
Dai Wei tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh năm 2013. Trước khi khóa học dành cho nghiên cứu sinh bắt đầu, anh đã có một quyết định trái ngược với bạn bè đồng trang lứa, những người vốn đã lựa chọn cho bản thân sẵn một nơi để thực tập, nhằm trau dồi kiến thức cũng như thu nhập thêm kinh nghiệm, anh đi dạy học tình nguyện tại một miền quê xa xôi hẻo lánh.
Mặc kệ bạn bè chê cười, anh cử nhân ngành quản lý tài chính Đại học Bắc Kinh rời xa đất kinh kỳ phồn hoa, trở về thị trấn Đông Hiệp, huyện Đại Thông, tỉnh Thanh Hải xa xôi, trở thành thầy dạy toán cho trẻ em nơi đây. Từ nơi anh ở cho đến trường học phải băng qua một quãng đường núi gập ghềnh, may thay anh luôn mang theo mình chiếc xe đạp địa hình thân quen. Chiếc xe không chỉ giúp anh di chuyển thuận tiện mà còn đồng hành, du ngoạn khắp các danh lam thắng cảnh ở Thanh Hải.
“Tôi cho rằng du lịch bằng xe đạp là cách tốt nhất để cảm nhận thế giới”, Dai Wei tâm sự với một người bạn.
Trong suốt khoảng thời gian dạy học tại đây, cùng với việc khơi gợi cảm hứng giúp anh hình thành ý tưởng khởi nghiêp từ những chiếc xe đạp, anh còn góp phần cải cách tình hình giáo dục, giúp đỡ người dân xóa mù chữ bằng nhiều biện pháp thiết thực.
Cụ thể, trong một hội nghị thúc đẩy phát triển giáo dục, anh đề xuất nhiều cải cách nhằm giúp đỡ các khu vực làng quê phía Tây Trung Quốc, đồng thời xây dựng mô hình giáo dục nhân tài, kế hoạch xóa đói giảm nghèo cho vài năm tới.
Một năm trôi qua, Dai Wei trở về thành phố sau khi đợt tình nguyện kết thúc, anh tiếp tục học thêm bằng thạc sĩ kinh tế học tại Đại học Bắc Kinh. Trong khoảng thời gian này, Dai Wei cùng 4 người bạn cùng thai nghén kế hoạch về một dự án “khởi nghiệp xe đạp”. Rất nhanh sau đó Ofo ra đời.
Xe đạp là phương tiện giao thông phổ biến của giới học sinh sinh viên tại Trung Quốc. Dạo một vòng quanh trường Đại học ở quốc gia này, chúng ta có thể bắt gặp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn chiếc xe đậu khắp sân trường. Xe đạp vừa là phương tiện giúp tiết kiệm năng lượng, vừa bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, chúng lại rất dễ bị lấy cắp.
Dai Wei là một trong số những nạn nhân bị mất xe đạp. Anh bị bọn trộm nẫng đi 5 chiếc xe trong suốt 4 năm học tại Đại học Bắc Kinh. Chính từ tai nạn ấy, Dai Wei luôn mong muốn tìm ra cách để đảm bảo mỗi sinh viên như anh có xe đạp để đi, cho dù ở bất cứ nơi đâu, bất kì khoảng thời gian nào.
Từ đó, suy nghĩ về một hệ thống quản lý, điều phối được hình thành. Dai Wei cùng một vài người bạn bắt đầu xây dựng khu vực chuyên để xe đạp thay vì vứt bừa bãi như trước, ở mỗi trạm xe đạp như vậy đều được trang bị khóa dây để bảo vệ.
Tiếp theo, Dai Wei đã viết một ứng dụng nhỏ dành cho smartphone để sinh viên có thể tự quản lý xe của họ. Mô hình này tuy chỉ áp dụng trong khuôn viên trường Đại học Bắc Kinh, tiềm năng phát triển và sức lan rộng của nó là không thể bàn cãi.
Tuy nhiên, những tưởng sau khi tốt nghiệp Dai Wei sẽ sử dụng dự án chia sẻ xe đạp có sẵn làm bàn đạp khởi nghiệp, nhưng không, anh ấy bỗng dưng rẽ sang một con đường khác.
“Nếu được chọn giữa khởi nghiệp tư nhân và làm một viên chức nhà nước, anh sẽ chọn con đường nào”, một người bạn hỏi Dai Wei. “Tất nhiên là khởi nghiệp rồi”, anh trả lời.
Mặc dù chưa bao giờ có kinh nghiệm thực tập trong bất kỳ tập đoàn kinh tế hay du lịch nào, Dai Wei quyết định khởi động dự án du lịch bằng xe đạp và kết quả thu được lại không mấy khả quan. Dự án sử dụng nguồn vốn lên đến 1 triệu NDT, nhưng chỉ thu lại 400 NDT.
Rút kinh nghiệm sau lần thất bại ấy, Dai Wei nhìn nhận lại thị trường Trung Quốc trên phương diện của người tham gia giao thông và khởi động lại dự án chia sẻ xe đạp anh đã làm từ hồi còn Đại học. Công ty Ofo, chuyên cho chia sẻ xe đạp quản lý thông qua ứng dụng smartphone chính thức ra đời vào năm 2014.
“Bản chất của từ Ofo chẳng có ý nghĩa gì sâu xa đâu, tôi chọn nó đơn giản vì nhìn nó giống một chiếc xe đạp tối giản thôi”, Dai Wei trả lời CNBC khi được hỏi về ý nghĩa của cái tên.
Trước khi bắt đầu chính thức dự án, Dai Wei đã kêu gọi sự trợ giúp từ giảng viên, bạn bè cùng lớp, người thân cũng như các mối quan hệ xã hội nhưng không có mấy người mặn mà. Anh phải bỏ 150.000 NDT tiền tiết kiệm trong suốt khoảng thời gian học Đại học ra để thành lập công ty, sau đó, Dai Wei còn gánh thêm khoản nợ 6 triệu NDT để duy trì dự án.
“Bất giác nhìn lại 12-24 tháng qua, khó khăn luôn luôn chồng chất. Mỗi ngày tôi như bị chết ngạt trong hàng đống công việc”, CEO chỉ mới 25 tuổi của một trong những công ty chia sẻ xe đạp lớn nhất Trung Quốc phát biểu.
Đáng buồn thay, ngay cả nhưng người gần gũi nhất với Dai Wei như gia đình và bạn bè của anh cũng nghi ngờ về tính khả thi của dự án này, và Dai Wei cho rằng đó là điều hiển nhiên.
“Lúc đó, mọi người, thầy cô, bạn học và ngay cả gia đình không ai tin là tôi có thể trụ nổi trong ba ngày. Họ đều nói rằng nếu để xe đạp trên đường phố, tất cả sẽ bị cuỗm sạch sau ba ngày”, chàng thanh niên vừa tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh tâm sự.
Phải mất một năm rưỡi để Dai Wei thuyết phục ba mẹ mình về tương lai của Ofo, con đường mà anh đã quyết định theo đuổi.
“Mỗi lần về đến nhà thì ba mẹ lại ca cẩm tại sao tôi không vào thực tập tại công ty lớn, hoặc xin một công việc toàn thời gian hay thành lập một doanh nghiệp trong một lĩnh vực dễ sinh lời hơn. Chúng tôi đã thảo luận chuyện đó cho đến cuối năm ngoái”, Dai Wei kể.
Không giống như các dịch vụ taxi như Uber hay Grab, tất cả các phương tiện xe đạp đều được quản lý qua một hệ thống và kết nối với nhau, nghĩa là chúng giống như một loại tài sản công cộng, mọi người đều có thể dùng chung.
Lúc đầu, phần lớn xe đạp đều phải mua mới với số lượng lớn nên ngốn khá nhiều số tiền vốn vận hành Ofo. Sau này, Dai Wei nghĩ ra một phương án là kêu gọi mỗi người hãy dùng xe của họ. Chiếc xe đạp đầu tiên trong hệ thống Ofo cũng chính là chiếc xe đã cùng gắn bó với Dai Wei qua nhiều cung đường.
“Chúng tôi không phải là công ty chuyên sản xuất xe đạp, mà chỉ kết nối và chia sẻ chúng”, Dai Wei nói.
Tất cả những chiếc xe đạp thuộc Ofo đều sơn màu vàng và được trang bị khóa điện tử cùng mã số xe khác nhau, sau đó từng hàng xe sẽ được đặt tại nhiều khu vực công cộng chẳng hạn như công viên, siêu thị, khuôn viên trường học. Người dùng chỉ cần nhập số hiệu xe thông qua tài khoản Wechat hoặc ứng dụng Ofo, sẽ nhận được mật khẩu để mở khóa và sử dụng xe, bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu.
Hơn nữa, người dùng có thể tự chia sẻ xe đạp của mình lên trang chia sẻ Ofo để mọi người cùng sử dụng chung theo phương châm “lấy một đổi mười” ( bỏ ra một chiếc xe nhưng được sử dụng nhiều chiếc khác).
Ofo trên tinh thần khai phóng, rộng rãi, hoan nghênh người dùng cùng chia sẻ xe của mình vào hệ thống trên mô hình chia sẻ kinh tế qua mạng đang phát triển hiện nay điển hình là Grab và Uber. Trong tương lai, Ofo hy vọng giúp đỡ, san sẻ bớt gánh nặng giao thông, giúp đỡ mọi người trên thế giới cho dù ở bất cứ ngóc ngách Ofo cũng đáp ứng được, chủ yếu thỏa mãn nhu cầu đi lại đoạn đường ngắn của người dùng.
“Thành lập một công ty đồng nghĩa với việc giải quyết một vấn đề nào đó, cụ thể là cung cấp dịch vụ. Vì thế, chúng ta phải tìm ra cách giải quyết triệt để hay là cách vận hành một dịch vụ, chứ không phải chỉ chăm chăm vào đánh giá kết quả”, Dai Wei chia sẻ.
Từ khi ra đời vào tháng 6/2015 đến nay, hệ thống Ofo đạt được hơn 8 triệu chiếc xe đạp được người dùng chia sẻ tại 170 thành phố trên toàn thế giới bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Anh và Singapore với hơn 100 triệu người dùng và phục vụ hơn 3 tỷ lượt đi lại. Ở Thượng Hải hiện nay số lượng xe đạp đã lên đến 100.000 chiếc phục vụ nội thành.
“Mục tiêu của Ofo là cung cấp giải pháp giải quyết các vấn đề giao thông đô thị nóng bỏng. Xa hơn nữa là giảm nhẹ các tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Các ngành công nghiệp hiện đại ngày càng phát triển, kéo theo đó là các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu và nhiều những thách thức xã hội mà con người phải đối mặt. Sự ra đời của Ofo giúp tiết chế gánh nặng giao thông của các đô thị lớn”, Dai Wei chia sẻ.
“Chúng tôi mong muốn phủ vàng thế giới với Ofo cũng như hồi sinh chiếc xe đạp - phương tiện nguyên thủy vĩ đại của loài người, nhờ đó mà môi trường cũng như sức khỏe con người sẽ ngày càng được cải thiện”, Dai Wei trả lời Bloomberg.
Để có được vị trí ngày hôm nay chỉ với một đội ngũ khởi nghiệp gồm 90 tay lính mới vừa tốt nghiệp đại học đủ mọi ngành nghề, có thể nói không ngoa, Ofo không chỉ dựa vào may mắn nhất thời. Từ những khoản nợ nần ngập đầu công ty đã vươn lên, hiện nắm giữ khoản tài sản khoảng 6 triệu USD.
Mới đây, Ofo đã gây được thêm số quỹ đầu tư khoảng 700 triệu USD từ Alibaba Group Holding Ltd, thuộc quyền sở hữu của tỷ phú Jack Ma cùng với sự giúp đỡ của hai công ty taxi là Didi Chuxing và DST Global của Nga, vốn từng hậu thuẫn cho Uber tại Trung Quốc. Mục tiêu tiếp theo của Ofo trong năm 2017 là nhắm tới mở rộng dịch vụ ra 200 thành phố và 20 quốc gia và dã tâm đè bẹp Uber.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện dịch vụ để mang đến cho người dùng trải nghiệm tốt nhất”, Dai Wei phát biểu.
Thành công bất ngờ của Ofo đã làm Tim Cook, vị CEO của Apple cảm thấy hứng thú. Sau khi ứng dụng của Ofo trở thành App thịnh hành nhất Apple Store Trung Quốc với gần nửa triệu lượt tải mỗi ngày, Tim Cook đã đến thăm trụ sở của Ofo, để cùng nhau định hướng và phát triển những kế hoạch trong tương lai.
“Núi cao ắt có núi cao hơn", Ofo không đứng một mình trong ngành công nghiệp sơ sinh, đầy hấp dẫn này. Trên khắp đường phố Trung Quốc hiện nay, ta có thể thấy rất nhiều chiếc xe đạp màu sắc sặc sỡ, xen kẽ lẫn nhau tạo thành những “cầu vồng xe đạp” đẹp mắt. Hình ảnh tưởng chừng như bắt mắt đẹp đẽ này thực chất là sự cạnh tranh khốc liệt của các hãng chia sẻ xe đạp mới nổi cùng với Ofo.
“Ngành công nghiệp này có vẻ như đang trong tình trạng ‘vàng thau lẫn lộn’, tính độc quyền của nó ngày càng giảm mà lượng xe đạp lại không đủ đáp ứng. Việc đánh phí dịch vụ thấp như vậy làm sao họ có thể gây lợi nhuận được chứ”, Paul Gilis, giáo sư Đại học Bắc Kinh, nơi Dai Wei từng theo học nhận định.
Để giải thích về sự phát triển phi mã của loại hình khởi nghiệp mới mẽ từ xe đạp này, Zhou Xin, một nhà phân tích thị trường mạng tại Trust Data, cho rằng những công ty kiểu này không chỉ cung cấp phương tiện giao thông mà là nơi thu nhập thông tin khách hàng, từ đó bán chúng cho những công ty, tập đoàn bán hàng khác. Đó là cách mà họ kiếm được lợi nhuận.
Mặt khác, việc sử dụng xe đạp di chuyển thường xuyên lại dấy lên một vấn đề là chính chúng vô tình chiếm hết các không gian công cộng và vỉa hè dành cho người đi bộ. Đường phố tại các thành phố lớn ở Trung Quốc, như Bắc Kinh chẳng hạn, tràn ngập hàng trăm hay hàng ngàn chiếc xe đạp màu sắc sặc sỡ của nhiều công ty kinh doanh chia sẻ xe đạp. Người dân và chính quyền nhìn những bãi đậu xe đạp như sự quấy rối trật tự công cộng.
Hồi tháng 3/2017, hàng nghìn chiếc xe đạp đậu bất hợp pháp ở Thượng Hải bị tịch thu. Tại Singapore, chính quyền cũng tịch thu hơn 100 xe đậu bừa bãi từ những công ty chia sẻ xe đạp.
May mắn thay, Ofo luôn hợp tác chặt chẽ với chính phủ cùng lập ra các điểm, trạm để xe đạp ở những khu vực riêng biệt. Bên cạnh đó, Ofo thêm vào những phần thưởng hấp dẫn dành cho người đi xe đạp nếu họ đáp ứng được nhiệm vụ mà ứng dụng đưa ra, chẳng hạn như để xe ngay ngắn, dừng xe đúng chỗ hoặc bảo quản xe tốt, làm người dùng cảm thấy như đang chơi game trực tuyến.
Mặt khác, Dai Wei xem tương lai phát triển của Ofo như là nền tảng cho các công ty chia sẻ xe đạp điều hành công việc kinh doanh của mình. Tại Hàng Châu, Ofo đang làm với việc một công ty xe đạp địa phương có tên là Qibei. Người sử dụng có thể dùng ứng dụng của Ofo để quét và mở khóa xe của Qibei.
“Ofo sẽ giống như hệ điều hành Android. Chúng tôi sẽ cung cấp mã API chuẩn cho các công ty xe đạp địa phương. Chúng tôi có năng lực điều hành bởi hiện giờ Ofo có tới 6 triệu xe đạp. Không có công ty nào có nhiều xe như vậy và họ không có kinh nghiệm như chúng tôi” , Dai Wei phát biểu.
Công nghệ quản lý, điều phối xe đạp hiện đại là thế nhưng Ofo lại vướng phải điểm yếu chết người. Vào ngày 26/5, vụ tai nạn thương tâm đã cướp đi sinh mạng của một cậu bé tại Thượng Hải, cậu bị xe tải tông trúng trong lúc sử dụng xe đạp của Ofo.
Tréo ngoe thay, cậu bé chỉ mới 11 tuổi nên không đủ điều kiện tham gia dịch vụ của Ofo. Bố mẹ của nạn nhân quyết định kiện công ty Ofo vì đã để cậu bé bẻ khóa thành công và sử dụng phương tiện, từ đó gây tai nạn, với số tiền là 1,3 triệu USD, bắt buộc Ofo thay loại khóa xe khác an toàn và hiện đại hơn.
Trong khi đối thủ Mobike sử dụng loại khóa điện tử bắt buộc người dùng đăng nhập mật khẩu thông qua tin nhắn, Ofo vẫn tin dùng loại khóa truyền thống 4 mã, vốn rất dễ bị bẻ khóa.
Tầm nhìn của Ofo về tương lai của công ty: “100 triệu xe vào năm 2030”, Dai Wei trả lời.