Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Phương Tây trừng phạt quyết liệt nhưng Nga không lùi bước

Bất chấp những nỗ lực “điên cuồng” nhằm loại bỏ năng lượng nhập khẩu và trừng phạt Nga, châu Âu vẫn không thể buộc Moscow ngồi vào bàn đàm phán chấm dứt xung đột.

khung hoang Ukraine anh 1

Sự phục hồi kinh tế của Moscow phụ thuộc vào khả năng gây áp lực lên các nước châu Âu thông qua đòn bẩy năng lượng. Ảnh: Reuters.

“Hiện tại, các lệnh trừng phạt kinh tế không thể khiến Nga đàm phán. Điện Kremlin tin rằng họ có thể chịu đựng các tác động kinh tế trong một vài năm tới và chờ đợi những ngày tốt hơn. Nga được khích lệ bởi thành công trong việc chống lại lệnh trừng phạt của phương Tây", ông Janis Kluge, chuyên gia về kinh tế Nga tại Viện Các vấn đề Quốc tế và An ninh Đức, cho biết.

Wall Street Journal cũng nhận định kể từ khi xung đột nổ ra đến nay, các biện pháp trừng phạt của phương Tây vẫn chưa gây ra đủ "đau đớn" cho nền kinh tế Nga, hoặc làm giảm tiềm lực quân sự của nước này. Nguyên nhân phần lớn là nhờ “vận may” từ giá năng lượng xuất khẩu.

Nhiều nhà kinh tế dự đoán Nga không thể “cầm cự” trong thời gian dài và sẽ hứng chịu một cuộc suy thoái sâu vào cuối năm nay. Song, tốc độ trừng phạt chậm và những nỗ lực của Moscow trong việc ổn định nền kinh tế đang giúp nước này chống chọi tốt hơn.

Đòn bẩy năng lượng

Tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg diễn ra vào ngày 16/6, một số quan chức hàng đầu của Nga vẫn giữ thái độ tích cực khi nhắc đến tác động của các lệnh trừng phạt.

“Chúng ta đã cố gắng kiên trì. Chúng ta là một dân tộc mạnh mẽ và chỉ cần tin tưởng vào bản thân”, ông Maxim Oreshkin, cố vấn kinh tế của Tổng thống Nga Vladimir Putin, phát biểu tại diễn đàn.

khung hoang Ukraine anh 2

Nhà máy lọc dầu Lukoil ở Volgograd, Nga. Ảnh: Reuters.

Sự phục hồi kinh tế của Moscow phụ thuộc vào khả năng gây áp lực lên các nước châu Âu - những quốc gia vốn dựa vào nguồn cung dầu và khí đốt của họ.

Gần đây, Moscow đã cho thấy đòn bẩy năng lượng của mình. Tập đoàn Gazprom PJSC đã cắt giảm nguồn khí đốt đến Đức và Italy, theo cách mà Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck gọi là “một chiến lược gây bất ổn và tăng giá”. Trước đó, Nga đã cắt nguồn cung khí đốt đến Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan.

Bất chấp những nỗ lực “điên cuồng” của châu Âu nhằm loại bỏ năng lượng Nga, bao gồm cả việc thông qua lệnh cấm vận dầu mỏ theo từng giai đoạn đến cuối năm nay, Nga vẫn kiếm được hàng trăm triệu USD mỗi ngày từ việc bán dầu và khí đốt, do giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao.

Ngay cả khi người châu Âu hạn chế mua hàng, Moscow vẫn có thể chuyển hướng dòng nhiên liệu của mình đến Ấn Độ và các nước khác trên khắp châu Á.

Do đó, thặng dư tài khoản vãng lai của Nga đã tăng hơn 3 lần trong 5 tháng đầu năm, lên 110 tỷ USD và đang trên đà kết thúc ở mức kỷ lục vào cuối năm nay.

“Thặng dư tài khoản vãng lai của Nga chắc chắn sẽ làm giảm hiệu lực của các lệnh trừng phạt theo thời gian”, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) viết trong một báo cáo công bố vào tháng 6.

IIF ước tính rằng nếu giá cả hàng hóa vẫn ở mức cao và xuất khẩu dầu, khí đốt tăng, Moscow có thể thu về hơn 300 tỷ USD từ việc bán năng lượng trong năm nay - tương đương lượng dự trữ ngoại hối đang bị đóng băng của nước này.

“Chúng tôi không thấy ​​cuộc khủng hoảng lớn như nhiều người mong đợi. Tác động thực sự sẽ được cảm nhận theo thời gian", ông Christopher Miller, trợ lý giáo sư lịch sử quốc tế tại trường Fletcher thuộc Đại học Tufts, cho biết.

Không còn nhiều lựa chọn

Trong khi đó, thách thức đối với các nước phương Tây đang không ngừng gia tăng. Trên thực tế, càng siết chặt trừng phạt Nga, họ càng có nguy cơ chịu tổn thất ngoài dự kiến, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế nội địa vốn đã phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng nhanh.

Để cân bằng rủi ro này, phương Tây đang giảm tốc độ áp đặt các biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực năng lượng.

“Phương Tây không còn nhiều lựa chọn ngoại trừ các lệnh trừng phạt năng lượng xuất khẩu của Nga - vốn không khả thi về mặt chính trị, trong điều kiện lạm phát cao và thị trường năng lượng thắt chặt”, ông Kluge nói.

“Các biện pháp trừng phạt có ảnh hưởng lớn đối với triển vọng kinh tế Nga về lâu dài, nhưng không làm suy yếu quyền lực của (Điện Kremlin)”, vị chuyên gia nhận định.

khung hoang Ukraine anh 3

Các kệ hàng trống trong một siêu thị ở Moscow vào tháng 3, giá thực phẩm tại nước này đã tăng vọt. Ảnh: New York Times.

Trong khi đó, Nga đang giảm bớt tác động kinh tế của các lệnh trừng phạt, khẳng định chiến lược của phương Tây đã thất bại. Một cuộc khủng hoảng ngắn hạn được ngăn chặn bằng hành động nhanh chóng từ ngân hàng trung ương Nga.

“Tình hình rất phức tạp, đầy thách thức và liên tục thay đổi. Môi trường bên ngoài đã thay đổi trong dài hạn, nếu không phải là mãi mãi”, bà Elvira Nabiullina, thống đốc ngân hàng trung ương Nga, cho biết hôm 16/6.

Trong khi đó, tác động từ lệnh trừng phạt của phương Tây cũng không đồng đều. Các nhà phân tích cho biết các biện pháp trừng phạt lĩnh vực tài chính, bao gồm loại ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT và cấm giao dịch với ngân hàng trung ương, có hiệu lực ngay lập tức. Tuy nhiên, tác động kinh tế vĩ mô sẽ mất nhiều thời gian.

“Biện pháp trừng phạt kinh tế không bao giờ ngăn chặn được hành động của Nga trong một sớm một chiều, nhưng sẽ khiến Moscow trả giá đắt hơn nếu được duy trì. Cuối cùng, cái giá phải trả có thể đạt đến mức đắt đỏ khủng khiếp”, báo cáo của IIF cho biết.

Tuy nhiên, thời điểm điều đó xảy ra vẫn không rõ ràng, mặc dù ranh giới của tình trạng bất ổn kinh tế trong tương lai đã dần hiện diện.

Lạm phát cao đang làm xói mòn thu nhập khả dụng thực tế, vốn đã giảm 1,2% trong quý đầu tiên so với năm 2021. Tình trạng thiếu phụ tùng nhập khẩu cũng khiến toàn bộ nhà máy sản xuất ôtô ở Nga phải đóng cửa. Để duy trì hoạt động sản xuất, chính phủ phải cho phép bán ôtô mà không có túi khí.

Giới chức Moscow cũng đẩy mạnh chính sách thay thế nhập khẩu, nhằm thay thế hàng hóa nước ngoài bằng các sản phẩm tự sản xuất, mặc dù có rất ít bằng chứng cho thấy chính sách này thực sự mang lại hiệu quả trong những năm qua.

Các quan chức cũng thừa nhận rằng sẽ mất nhiều thời gian để Nga điều chỉnh việc mất khả năng tiếp cận với các sản phẩm nhập khẩu từ phương Tây.

“Mục tiêu của chúng tôi là thay thế mọi thứ, nhưng chúng tôi không thể làm điều đó ngay lập tức”, ông Oreshkin, cố vấn của tổng thống Nga, cho biết.

Andrey Makarov, người đứng đầu Ủy ban của Duma về Ngân sách và Thuế, cũng thừa nhận sự đánh đổi này. "Liệu chúng ta có thể theo đuổi chính sách thay thế nhập khẩu, với chất lượng kém hơn và chi phí nhiều hơn hay không?", ông đặt câu hỏi.

Tiêm kích NATO chạm trán máy bay trinh sát Nga Video mới được NATO giải mật cho thấy tiêm kích khối này có những lần giáp mặt sát với máy bay quân sự Nga bên trên bầu trời châu Âu, giữa lúc căng thẳng gia tăng vì Ukraine.

Bị Nga 'hớt tay trên', cuộc săn lùng vũ khí của Ukraine bế tắc

Các nhà môi giới vũ khí và quan chức chính phủ nói rằng Moscow đang đe dọa người bán và trả giá cao hơn để ngăn chặn khả năng tiếp cận vũ khí của Ukraine.

Nga siết dòng khí đốt khi bộ ba quyền lực nhất châu Âu đến Kyiv

Giữa lúc ba nhà lãnh đạo quyền lực nhất châu Âu đến Kyiv, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã cắt giảm nguồn cung khí đốt đến một số nước.

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm