Binh sĩ Ukraina do lực lượng ly khai bắt giữ phải quét đường ở Snizhne, vùng Donetsk ngày 29/8. Ảnh: Reuters |
Chưa có trừng phạt mới
Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko là vị khách cuối cùng tới hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu. Ông Poroshenko được mời đến để thông tin thêm những diễn tiến mới về tình hình khủng hoảng ở Ukraina.
Tại đây, đại diện cấp cao nhất của Kiev đã kiến nghị EU có biện pháp "phản ứng thích đáng" với việc binh lính Nga có mặt ở miền đông Ukraina.
Reuters cho rằng, vẫn còn chia rẽ trong nội bộ các thành viên của EU trong việc trừng phạt thêm với Nga nên thông điệp đưa ra tạm thời chỉ là "quan ngại sâu sắc" với "sự can thiệp trực tiếp của Nga vào Ukraina".
Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb cảnh báo nếu Nga vẫn tiếp tục có "động thái gây bất ổn" ở đông Ukraina thì EU sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt mới nghiêm khắc hơn.
"Một điều rất rõ ràng là chúng tôi sẽ thảo luận các biện pháp trừng phạt mới, vì tình hình ở Ukraina trong những ngày qua đã thay đổi nhưng chúng tôi chưa đưa ra quyết định về bất kỳ biện pháp nào trong ngày hội nghị 30/8", ông Stubb nói.
Hãng tin Itar-Tass của Nga hôm qua dẫn thông cáo của Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu (AEB) đang hoạt động ở Nga kêu gọi EU kiềm chế trong việc đưa thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moscow AEB cho rằng các biện pháp trừng phạt trước đây đã không làm thay đổi tình hình.
"Các lệnh trừng phạt này đã gây thiệt hại trầm trọng đến môi trường kinh doanh và thị trường không chỉ ở Nga và Ukraina mà còn ở cả châu Âu", AEB khẳng định.
Vẫn cáo buộc lẫn nhau
Cuộc chiến thông tin xoay quanh việc binh lính Nga đang tham chiến ở miền đông Ukraina vẫn chưa dừng lại, khi hôm qua Kiev lại cáo buộc tên lửa chống máy bay của Nga đã bắn hạ một máy bay chiến đấu Su-25 của Ukraina.
"Phi công đã xoay xở để thoát được", hãng tin AFP dẫn tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Ukraina nhưng không nêu cụ thể địa điểm chiếc máy bay bị bắn rơi.
Hãng tin Nga RIA Novosti cùng ngày cho biết Moscow đã lặp lại lời chỉ trích chiến dịch quân sự của Kiev chống lại "những nhà ủng hộ độc lập" ở miền đông Ukraina.
Điện Kremlin cũng yêu cầu Kiev lập tức dừng ngay những động thái "mang tính trừng phạt" ở khu vực này và kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng.
Đài truyền hình Slovak dẫn lời Thứ trưởng quốc phòng Nga Anatoly Antonov cùng ngày khẳng định, Nga chưa bao giờ có những hoạt động quân sự ở Ukraina và cũng không có ý định đó trong tương lai.
"Chính sách của Nga là không cho phép tình hình ở Ukraina tệ hơn. Có một số thế lực đang cố làm cho hai dân tộc xung đột nhau để dẫn đến cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraina", Thứ trưởng Antonov lên tiếng.
Ông cảnh báo các bên ở Ukraina không làm tình hình căng thẳng và ngồi vào bàn đàm phán để tìm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng.
Tại Ukraina, báo chí phương Tây cho rằng nhiều binh lính chính quyền Kiev vẫn đang bị lực lượng ly khai bao vây ở khu vực Donetsk.
Theo Đài tiếng nói nước Nga, giới chức Ukraina ngày 30/8 đã đồng ý rút quân khỏi khu vực vòng vây gần thành phố Ilovaisk thuộc tỉnh Donetsk. Sementchenko, chỉ huy tiểu đoàn Donbass của quân đội Ukraina, cũng xác nhận thông tin này trên trang Facebook cá nhân.
NATO lập lực lượng phản ứng
Cùng ngày, 7 nước thành viên NATO đã thành lập Lực lượng phản ứng của khối (NRF) gồm ít nhất 10.000 binh sĩ nhằm tăng cường khả năng quốc phòng của khối trong bối cảnh khủng hoảng Ukraina leo thang.
Anh sẽ là nước dẫn đầu lực lượng bao gồm các nước Đan Mạch, Latvia, Estonia, Litva, Na Uy và Hà Lan. Riêng Canada cũng đang có xu hướng tham gia lực lượng này.
Báo Financial Times cho biết lực lượng trên bao gồm các đơn vị hải quân, không quân và bộ binh.
Các thành viên của NATO dự kiến sẽ nhóm họp ở Xứ Wales vào ngày 4 và 5/9 để thảo luận các vấn đề liên quan đến phản ứng của tổ chức này đối với Nga.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và lãnh đạo các nước thành viên NATO khác có khả năng sẽ đạt nhất trí về một kế hoạch dài lâu trong việc củng cố mặt trận phía đông của NATO, mở đường cho các lực lượng của khối này có thể phản ứng trong thời gian dài khi khủng hoảng ở Ukraina không giảm nhiệt.
"Các đối tác của Nga cần hiểu rằng tốt nhất là không nên can thiệp vào nước chúng ta. Tôi cho rằng không ai nghĩ đến chuyện phát động một cuộc xung đột quy mô lớn với Nga. Tôi muốn nhắc lại rằng Nga là một trong những cường quốc hạt nhân hàng đầu".
Tổng thống Nga VLADIMIR PUTIN
phát biểu tại trại hè thanh niên bên bờ hồ Seliger