Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phương Tây dự báo sai hay Nga đổi chiến thuật?

Biên giới Ukraine - Nga trải qua hôm 16/2 mà không có xung đột quân sự lớn nào, dù Mỹ và các nước phương Tây nhiều lần khẳng định về khả năng chiến sự bùng nổ vào ngày này.

Những sự kiện diễn ra kể từ ngày 11/2 đã đẩy tình trạng căng thẳng ở Ukraine tới đỉnh điểm. Mỹ, Nga và nhiều quốc gia châu Âu đã liên tục đưa ra những tuyên bố khiến tình trạng ở biên giới Ukraine càng thêm hỗn loạn.

Mỹ tạm đóng cửa đại sứ quán ở thủ đô Kyiv, sơ tán các nhà ngoại giao và cảnh báo người dân rời khỏi Ukraine khi còn có thể. Một số nước phương Tây cũng hành động tương tự.

Trong khi đó, Nga liên tục xuống thang rồi leo thang căng thẳng ở quốc gia láng giềng.

Cấu trúc an ninh thời hậu Chiến tranh Lạnh của châu Âu, cùng với các giới hạn vốn được thỏa thuận từ lâu về việc triển khai lực lượng quân sự ở khu vực này, đang bị đe dọa nghiêm trọng, theo AP.

khung hoang Ukraine anh 1

Ukraine đã trải qua một tuần hỗn loạn sau tuyên bố của chính quyền Biden. Ảnh: AP.

“Đỉnh điểm xung đột lợi ích”

Hôm 11/2, chính quyền Biden cho biết một cuộc tấn công có thể xảy ra bất cứ lúc nào, rất có thể là ngày 16/2. Theo thông tin tình báo, Washington đã sơ tán gần như toàn bộ nhân viên đại sứ quán ở thủ đô Kyiv, Ukraine, CNN đưa tin.

Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Joe Biden và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin hôm 12/2 đã không thể làm giảm căng thẳng.

Sau đó, hàng loạt nước phương Tây bao gồm Đức, Italy, Hà Lan, Bỉ, Canada, Romania, New Zealand, Israel... cũng kêu gọi công dân rời Ukraine.

Đến ngày 15/2, Mỹ thông báo đóng cửa đại sứ quán ở Kyiv và “tạm thời di dời” một số ít nhân viên ngoại giao còn lại đến Lviv, thành phố ở phía tây Ukraine, trước lo ngại tấn công từ phía Nga.

Tuy nhiên, diễn biến bước ngoặt xảy ra cùng ngày, khi Tổng thống Putin ngày 15/2 xác nhận đã ra lệnh rút một phần quân đội Nga ở biên giới Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga thông tin rõ hơn rằng một số đơn vị bắt đầu trở về căn cứ "sau khi hoàn thành nhiệm vụ".

Dẫu vậy, phương Tây vẫn hoài nghi trước động thái của Nga, cảnh báo vẫn còn khoảng 150.000 binh sĩ nước này đang bao vây Ukraine.

Không lâu sau tuyên bố rút quân của Bộ Quốc phòng Nga, căng thẳng tiếp tục leo thang khi Hạ viện Nga bỏ phiếu thông qua dự luật kêu gọi Tổng thống Putin công nhận độc lập tại vùng Donbas, gồm hai vùng lãnh thổ ly khai Donetsk và Luhansk, theo Xinhua.

Nếu Moscow công nhận độc lập của Donbas, Thỏa thuận Minsk ký năm 2015 giữa Nga, Ukraine, Pháp và Đức để chấm dứt xung đột ở miền Đông Ukraine sẽ đổ vỡ.

Trong khi đó, Hội nghị an ninh quốc tế Munich với sự tham gia của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cùng Ngoại trưởng Antony Blinken và các quan chức hàng đầu châu Âu đã khai mạc tại Munich, bang Bayern (Đức) vào ngày 18/2 mà không có sự tham gia của Nga.

Cùng ngày này, hai “nhà nước cộng hòa” tự xưng ở miền Đông Ukraine đã sơ tán hàng loạt công dân sau khi cáo buộc Kyiv sắp tấn công, theo Moscow Times. Ngay sau đó, hai vụ nổ xảy ra ở thành phố Lugansk, miền Đông Ukraine nơi phe ly khai kiểm soát, nhưng chưa rõ nguyên nhân.

Đến chiều 18/2 (giờ địa phương), ông Biden khẳng định Moscow đã quyết định tấn công và nhắm vào thủ đô Kyiv.

khung hoang Ukraine anh 2

Giới quan sát cho rằng Nga và Mỹ đang tiến tới đỉnh điểm xung đột lợi ích. Ảnh: Bangkok Post.

Trong một tuần, Mỹ liên tục lên án Nga leo thang căng thẳng và cảnh báo hậu quả trước các hoạt động quân sự của nước này ở gần biên giới Ukraine.

Tuy nhiên, Moscow phủ nhận mọi cáo buộc, nói rằng Nhà Trắng đang “cuồng loạn” hơn bao giờ hết.

“Nga và Mỹ đang tiến tới đỉnh điểm của cuộc xung đột lợi ích sẽ định hình trật tự châu Âu trong tương lai. Các bên có thể hành động chống lại nhau, vượt xa những gì được coi là có thể chấp nhận được trong thời gian gần đây”, ông Timofei Bordachev, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu tại Trường Kinh tế thuộc Đại học Moscow, đánh giá về tình hình ở Ukraine trong tuần qua.

Chỉ Mỹ đủ vị thế

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, ông Putin cũng có cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 7/2, và tiếp Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào ngày 15/2, bất chấp những căng thẳng với cả Paris và Berlin trước đó.

Nhưng Điện Kremlin đã phủ nhận thông tin tổng thống Pháp và tổng thống Nga đạt thỏa thuận về giảm leo thang căng thẳng, gợi ý rằng chỉ Mỹ mới có vị thế để đàm phán thỏa thuận như vậy, theo New York Times.

Trước đây, Nga đã tìm cách xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Pháp và Đức. Điện Kremlin hy vọng rằng mối quan hệ hữu nghị với các nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ bù đắp cho áp lực từ Mỹ.

Nhưng những mối quan hệ đó đã rạn nứt sau vụ việc xảy ra với nhân vật đối lập Alexei Navalny vào năm 2020.

Gần đây, các quan chức Nga cũng chỉ trích lập trường của Pháp và Đức trong các cuộc đàm phán bế tắc ở miền Đông Ukraine, quy trách nhiệm cho việc không thuyết phục được chính quyền Ukraine trao quyền tự trị cho khu vực ly khai do Nga hậu thuẫn, theo một thỏa thuận năm 2015.

Phá vỡ các quy tắc ngoại giao, Bộ Ngoại giao Nga thậm chí đã công bố những bức thư mật trao đổi giữa Ngoại trưởng Lavrov và những người đồng cấp Pháp và Đức vào mùa thu năm 2021, nhằm chứng minh rằng họ không thể giúp đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán.

Bộ Ngoại giao: Cuộc sống người Việt tại Ukraine không có xáo động lớn

Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine giữ liên hệ với các đầu mối cộng đồng người Việt và thông báo đường dây nóng bảo hộ công dân.

Thủ tướng Đức đích thân tới Nga

Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ tới Nga vào ngày 15/2 trong bối cảnh một số nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại có thể là cơ hội cuối cùng để xoa dịu tình hình "cực kỳ nguy hiểm".

Nga diễn tập tên lửa đạn đạo trong thời điểm nhạy cảm Điện Kremlin ngày 19/2 cho biết Nga đã hoàn thành diễn tập phóng tên lửa đạn đạo, trong thời điểm Mỹ tuyên bố Tổng thống Putin đã quyết định tấn công Ukraine.

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm