Lực lượng Không gian Vũ trụ Nga đã tiến hành thử nghiệm tên lửa siêu thanh Kh-47M2, được gọi là Kinzhal từ máy bay đánh chặn hạng nặng MiG-31BM, NATO gọi là “Foxhound”. Vụ thử nghiệm diễn ra vào ngày 11/3 ở Quân khu phía Nam. Bộ Quốc phòng Nga cho biết tên lửa đánh trúng mục tiêu giả định.
Tên lửa siêu thanh Kinzhal được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu trên đất liền và trên biển. Bộ Quốc phòng Nga cho biết sự kết hợp giữa MiG-31 và tên lửa Kinzhal tạo nên vũ khí không có loại tương tự trên thế giới.
MiG-31 là bệ phóng lý tưởng cho tên lửa Kinzhal, vì máy bay này có tải trọng lớn, tốc độ nhanh. MiG-31 có tốc độ tối đa tới Mach 2.89 (khoảng 3.500 km/h), tốc độ này là lý tưởng để động cơ của tên lửa siêu thanh hoạt động. Kinzhal được đánh giá là tên lửa không đối đất mang tầm chiến lược. Tên lửa này được cho là có đặc tính bay cơ động mà các tên lửa khác không có được.
Kinzhal đạt tốc độ Mach 10 (khoảng 12.000 km/h), tầm bắn 2.000 km, kết hợp với tầm bay hơn 3.000 km của MiG-31 đem lại khả năng tấn công liên lục địa. Tên lửa Kinzhal có thể cơ động trong quá trình bay siêu tốc. Khả năng này làm cho tên lửa rất khó bị đánh chặn.
Tên lửa siêu thanh Kinzhal treo dưới bụng tiêm kích MiG-31. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga. |
Việc Nga thử thành công tên lửa siêu thanh phóng từ máy bay thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới phân tích quân sự phương Tây. Các nhà quan sát chương trình tên lửa Nga tỏ ra hoài nghi về những tuyên bố của Moscow.
Nhà phân tích Kelsey T. Atherton viết trên tạp chí Popular Mechanics “đừng tin vào sự cường điệu về tên lửa và vũ khí của Nga” khi thảo luận về tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga. Nhà phân tích Tyler Rogoway so sánh tên lửa Kinzhal với tên lửa đạn đạo Iskander trong phân tích của mình.
Ông Rogoway cho rằng Kinzhal là phiên bản phóng trên không của Iskander, vì hình dáng khí động học của hai tên lửa này khá giống nhau. Bên cạnh đó, Nga giới thiệu Kinzhal có một số tính năng của tên lửa đạn đạo, điều đó củng cố thêm cho giả thuyết này.
Lầu Năm Góc tỏ ra bình thản trước vụ thử tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói với các phóng viên trong chuyến công tác đến Oman, rằng những gì Nga đang thể hiện không làm thay đổi quan điểm của Lầu Năm Góc.
“Tôi không thấy sự thay đổi khả năng quân sự của Nga, các hệ thống vũ khí mà Moscow đề cập đến vẫn cần nhiều năm nữa để phát triển. Tôi không thấy họ làm thay đổi cán cân quân sự hiện có và không ảnh hưởng gì đến phía chúng tôi”, Bộ trưởng Mattis nói.
Vụ thử tên lửa siêu thanh của Nga diễn ra vài tháng sau khi Ấn Độ thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh BrahMos phóng từ tiêm kích Su-30MKI vào ngày 22/11/2017. Tên lửa BrahMos đạt tốc độ Mach 7 (khoảng 8.600 km/h), tầm bắn 290 km. Dự án tên lửa siêu thanh của Ấn Độ đã hoàn thành với sự hợp tác chặt chẽ với Nga. Trước đó, Trung Quốc cũng tuyên bố bắn thử thành công đầu đạn siêu thanh DF-17.