Cuộc sống luôn biến đổi không ngừng. Thay đổi có thể mang đến sự phát triển nhưng cũng chứa đựng những mất mát không thể tránh được. Với sức bật tinh thần, con người có thể vượt qua được nghịch cảnh trong cuộc sống.
Trong công việc, nhà lãnh đạo có sức bật tinh thần sẽ dẫn dắt đội, nhóm, công ty, tổ chức vượt qua những biến động như: Thay đổi công nghệ, cơ cấu tổ chức, xu thế xã hội... Không chỉ bản thân người lãnh đạo phải có sức bật tinh thần, họ còn phải hỗ trợ để nhân viên có được khả năng này.
Trong cuốn Sức bật tinh thần, tác giả Susan Kahn đã khái quát 5 phương pháp để trở thành nhà lãnh đạo giàu sức bật tinh thần, đó là: Bắt đầu bằng những hành động nhỏ, Tự nhận thức và điểm mù, Tự cảm thông, Kiểm soát lời phê bình, Hiểu được cách người khác nhìn nhận về mình.
Sách Sức bật tinh thần. Ảnh: Quỳnh. H. |
Bắt đầu bằng những hành động nhỏ
Những thay đổi lớn thường bắt đầu từ những hành động nhỏ. Không phải ai sinh ra cũng biết được cách trở thành nhà lãnh đạo giỏi. Vì thế, hãy thực hiện vai trò lãnh đạo từng bước một để xây dựng sự tự tin và sức bật tinh thần.
Bạn có thể tập luyện, thử và mắc phải một số sai lầm trong quá trình phấn đấu để trở thành nhà lãnh đạo kiên cường như mình mong muốn. Thay vì thất vọng và la mắng nhân viên vì để mất hợp đồng lớn, bạn hãy thử học cách kiềm chế cơn giận, tìm hiểu xem sai lầm đang nằm ở khâu nào trước khi xử lý.
“Hãy nhớ: Những nhà lãnh đạo xuất sắc luôn học hỏi”, Susan Kahn chia sẻ.
Tự nhận thức và điểm mù
Khi làm lãnh đạo, bạn có thể đưa ra một số quyết định không thỏa mãn mọi người. Sẽ có ai đó bất bình và bạn không có cơ hội để tự do tán gẫu, chia sẻ điểm chung với đồng nghiệp. Đây là "số phận" của một lãnh đạo và bạn phải có sức bật tinh thần để chịu đựng điều này.
Nhà lãnh đạo phải học cách kiềm chế những suy nghĩ tiêu cực, cản trở sự tự tin và tập trung của bản thân, đồng thời khôi phục sức mạnh bên trong. Đừng trách móc bản thân vì những việc lẽ ra mình nên làm, mà thay vì đó, khi gặp khủng hoảng, hãy dừng lại, suy nghĩ cẩn thận về tình huống hiện tại xem liệu đó có phải là tình huống mà bạn có thể tác động hay không.
Tự cảm thông
Hình ảnh nhà lãnh đạo mạnh mẽ và thành công đối xử với người xung quanh bằng lòng trắc ẩn, sự tử tế và nhân văn là điều quen thuộc. Nhưng khi nghĩ về việc tự cảm thông với chính mình, đôi khi có vẻ xa lạ và yếu đuối với người lãnh đạo.
Thế nhưng, các nhà tâm lý học đã phát hiện ra rằng tự cảm thông là một phương pháp hữu hiệu để bạn ứng phó với nghịch cảnh và rèn luyện sức bật tinh thần.
Trở thành người đứng đầu nghĩa là phải đối mặt sự cô đơn, phải gánh trách nhiệm và sự công kích khi sự cố không mong muốn xảy ra. Những lúc đó, bạn hãy tự cảm thông và khích lệ bản thân rằng: không ai hoàn hảo. Hãy cho bản thân thời gian để xây dựng các kỹ năng lãnh đạo, và nỗ lực hết mình để trở nên “đủ tốt”.
Xây dựng sự tự tin, biết cách nhìn nhận bản thân... giúp rèn luyện sức bật tinh thần. Ảnh minh họa: Freepik. |
Kiểm soát lời phê bình
Tiếng nói chỉ trích trong nội tâm có thể là “thuốc độc” khiến bạn gục ngã, nhưng cũng có thể là “chất xúc tác” để bạn rèn luyện và thực hành sự tự cảm thông.
Hãy nhẹ nhàng với bản thân, cho bản thân một sự động viên. Dù giọng nói nội tâm của bạn có thể sẽ thốt lên những lời xấu xí như: “Tôi là một nhà lãnh đạo rất tệ” hay “Nếu người khác làm thì sẽ thành công hơn nhiều”.
Nhưng khi đối mặt với nó, bạn hãy “hạ âm lượng” xuống, để có thể thừa nhận nhẹ nhàng rằng “Phải, tôi là một người lãnh đạo, nhưng tôi cũng đang học hỏi” và “Có một số việc tôi đang làm rất tốt”.
Hiểu được cách người khác nhìn nhận về mình
Việc hiểu cách người khác nhìn nhận về mình là không dễ dàng. Nếu muốn biết, bạn phải hỏi. Một số người không thoải mái với việc này và đôi khi câu trả lời bạn nhận về cũng không trung thực.
Phát triển sự tự nhận thức giúp xây dựng các mối quan hệ bằng cách công nhận điểm mạnh của mình. Nó cũng giúp chúng ta nhận biết mình cần thận trọng ở phương diện nào, thấy được những điểm yếu của mình để khắc phục và kiểm soát.
Mỗi trải nghiệm trong cuộc sống và công việc đều mang đến cho chúng ta những điều mới mẻ. Đó có thể là kiến thức, kinh nghiệm ngày một dày thêm, và cũng có thể là khả năng phục hồi, đứng dậy trở thành một con người khác: Hiểu biết hơn, cảm thông hơn và giàu lòng trắc ẩn hơn.
Dù bạn có sức bật tinh thần để đứng dậy hay bị đè bẹp trước những thách thức, hãy nhớ câu chuyện về nghệ thuật Kintsugi của Nhật Bản, hay còn gọi là nghệ thuật trân trọng những vết sẹo quý. Đó là phương pháp chấp nhận những điểm không hoàn hảo trên bề mặt gốm, bằng cách sử dụng kim loại quý (thường là vàng hoặc bạc) để gắn lại những mảnh gốm vỡ, tạo nên một thứ đẹp đẽ hơn sau quá trình sửa chữa những vết nứt.
Cuốn sách Sức bật tinh thần được viết hướng tới đối tượng người lãnh đạo, nhưng phù hợp cho những ai muốn đối mặt, xuyên qua thử thách để thành công.