Con người luôn có thói quen thấp thỏm lo âu, mất tập trung bởi tác động của hoàn cảnh. Giữa những ngày thực hiện lệnh giãn cách xã hội, chỉ cần một bản tin thông báo tình hình dịch bệnh cũng đủ làm chúng ta ảnh hưởng tâm trí cả ngày.
Hay đơn giản, nhiều lúc đang ngồi làm việc, chúng ta không thể tập trung được chỉ vì một cú nhấp chuột hay cuộc điện thoại xen ngang.
GS Roy F. Baumeister và John Tierney đã thực hiện cuộc khảo sát và phân tích hơn 10.000 báo cáo để rút ra kết luận rằng cám dỗ và những suy nghĩ viển vông từ ngoại cảnh luôn hiện diện, khiến tinh thần bất an, từ đó, mọi công việc đều bị ảnh hưởng.
Dựa trên những nghiên cứu thực tiễn được thực hiện cùng nhóm đồng nghiệp, hai tác giả Roy F. Baumeister và John Tierney đã chứng minh mọi sự bất an do ý chí kém cỏi của con người gây nên.
Kết quả của những nghiên cứu đó được đúc kết ngắn gọn, khoa học trong cuốn sách best-seller được New York Times bình chọn: Ý chí - Hành trình tái khám phá sức mạnh lớn nhất của con người.
Sách Ý chí - Hành trình tái khám phá sức mạnh lớn nhất của con người lọt danh sách best-seller của New York Times. Ảnh: T.T. |
Theo hai tác giả, ý chí luôn tồn tại trong sâu thẳm mỗi con người. Khi nói một người có ý chí kém cỏi, điều đó không đồng nghĩa việc người đó không có ý chí, chỉ là thứ ý chí đó chưa được khai thác trong hoàn cảnh thích hợp.
Với kết quả từ hàng trăm bài kiểm tra trong và ngoài phòng thí nghiệm, cuốn sách giúp độc giả tái khám phá sức mạnh lớn nhất của bản thân, để tìm thấy vũ khí hữu hiệu, giúp đối mặt mọi nghịch cảnh.
GS Roy F. Baumeister, John Tierney và các đồng nghiệp phát hiện ra rằng cũng như cơ bắp, ý chí trở nên mệt mỏi sau khi bị sử dụng quá nhiều, nhưng nó “cũng có thể khỏe mạnh hơn sau một thời gian dài luyện tập”.
Trong xã hội hiện đại với nhiều mối lo như hiện nay, ý chí được coi là sức mạnh quan trọng, chìa khóa giúp con người vượt nghịch cảnh để tìm thấy nhiều điều tích cực trong cuộc sống.
Cũng nhờ có ý chí, các lớp sinh viên tình nguyện chẳng nề hà xung phong ra tuyến đầu chống dịch, các chiến sĩ bộ đội sẵn sàng “màn trời, chiếu đất” để nhường chỗ ở cho những ca F1 thực hiện cách ly. Và cũng nhờ có ý chí, nhiều bệnh nhân và bác sĩ đã nắm tay tiếp thêm sức mạnh cho nhau để cùng vượt qua dịch bệnh.
Ý chí là sức mạnh giúp nhiều bệnh nhân chiến thắng bệnh tật. Ảnh minh họa: Duy Hiệu. |
Không chỉ bàn về sức mạnh của ý chí, cuốn sách còn giải thích cách những người thành công nổi tiếng như Oprah Winfrey, Amanda Palmer, Drew Carey, Eric Clapton sử dụng ý chí trong cuộc sống của họ.
Đặc biệt, hai tác giả còn bàn về động lực giúp David Blaine nhịn ăn nhiều ngày, nhịn thở trong 17 phút, cùng nhiều thử thách khắc nghiệt khác mà anh đã thực hiện; hay cách nhà thám hiểm Henry Morton Stanley sống sót hàng năm trời trên vùng hoang dã của châu Phi.
Những câu chuyện này là minh chứng cho một điều: Mọi thành quả trong cuộc sống còn nhiều khó khăn đều cần đến sự hiện diện của ý chí. Bởi “ý chí là phẩm chất giúp loài người trở nên khác biệt, và điều đó khiến mỗi chúng ta có thêm sức mạnh”, hai tác giả viết.
10 chương của cuốn sách đi sâu lý giải sức mạnh của ý chí giúp con người vượt qua mọi tăm tối, để từ đó, lời kết cuối sách hướng người đọc đến một cuộc sống bớt căng thẳng nhờ những phương pháp trị liệu giúp định hình lại thói quen để thay đổi lối sống theo chiều hướng tích cực hơn.
GS Roy F. Baumeister(1953) là một trong những nhà tâm lý học xã hội có tầm ảnh hưởng và có nhiều tác phẩm nhất thế giới. Ông đã xuất bản hơn 500 bài báo khoa học và hơn 30 cuốn sách. Ông được nhận giải thưởng cao nhất của Hiệp hội Khoa học Tâm lý, giải thưởng William James.
John Tierney (1953) là nhà báo người Mỹ, biên tập viên của nhiều tờ báo, tạp chí nổi tiếng như City Journal, New York Times, Discover, National Geographic Traveler, Health...