Chuyên gia Donnelly Joseph Ignatius là nhân vật cực kỳ quan trọng trong kỳ tích của rowing Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến. |
Ngày 23/8 chứng kiến một cột mốc lịch sử của thể thao Việt Nam khi đội thuyền nhẹ một mái chèo 4 người của rowing mang về tấm HCV đầu tiên tại ASIAD 18. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam giành được một HCV ở nội dung Olympic tại Á vận hội.
Nhân vật đặc biệt đứng sau kỳ tích ấy là chuyên gia người Australia - ông Donnelly Joseph Ignatius. Ông Donnelly là người giúp các VĐV Việt Nam chạm tới đẳng cấp thế giới đồng thời hy sinh rất nhiều cho phong trào rowing tại dải đất hình chữ S. Zing.vn đã có cuộc gặp riêng với chuyên gia người Australia sau tấm HCV lịch sử.
Luôn tin rằng đội tuyển sẽ giành HCV
- Xin chào Joseph, một lần nữa, xin chúc mừng ông và đội tuyển vì chiến thắng vừa qua. Trước thời khắc lịch sử ấy, ông đã bao giờ nghĩ rằng đội tuyển sẽ giành HCV tại Á vận hội?
- Tôi và ông Quang (HLV Lê Văn Quang - PV) luôn tin rằng chúng tôi có thể giành HCV. Tôi tin tưởng vào tinh thần của đội tuyển và biết chúng tôi có thể chiến thắng. Tôi và ông ấy nói về điều đó rất nhiều nhưng chỉ trong phòng làm việc với nhau chứ không hề nói cho mọi người. Nếu điều đó không thể xảy ra, sẽ thật ngu ngốc.
Nếu bạn không tin rằng mình sẽ làm được, làm sao bạn có thể thành công? Tôi nghĩ tôi đã làm rất tốt công việc của mình và ban huấn luyện cũng vậy. Chúng tôi muốn chiến thắng. Để làm được điều đó, cả đội ngũ phải bỏ ra 100 % sức lực. Mọi thứ đã diễn ra đúng như chúng tôi dự tính trong trận chung kết.
- Ông đánh giá thế nào về trình độ đội thuyền 4 người một mái chèo của rowing Việt Nam trên bình diện châu Á?
- Tôi cho rằng giành được HCV ở ASIAD là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Nhưng nội dung này ở châu lục không quá mạnh. Các bạn biết đấy, chỉ có 2 tới 3 quốc gia tại châu Á thực sự sở hữu các đội tuyển mạnh. Trong đó, vài nước đang làm rất tốt việc đào tạo VĐV để hướng tới cạnh tranh ở tầm thế giới.
- Tôi nghe nói ông đã tự nguyện đến và gắn bó với rowing Việt Nam. Tại sao ông lại chọn Việt Nam?
- Tôi đã đến Việt Nam từ cách đây rất lâu để du lịch. Khi ấy, tôi đã thấy những chiếc thuyền rowing ở đất nước này. Tôi từng thử liên hệ với một số người chơi rowing tại Việt Nam. Đến năm 2009, tôi trở lại đây.
Tôi bắt đầu mọi thứ từ hồ Tây. Ở đây, tôi đã tìm thấy một nhóm nhỏ của riêng mình. Tôi không cần ai đề nghị cả, tôi tự mình tới đây, tự mình giúp họ hướng tới Asian Games. Tôi bắt đầu viết chương trình, huấn luyện họ. Tại ASIAD 2010, chúng tôi giành được 2 HCB.
Sau đấy, tôi cảm thấy hứng thú hơn với công việc và con người nơi đây. Tôi ở lại và tiếp tục làm việc của mình tới tận ngày hôm nay.
Ông Joseph và HLV Lê Văn Quang tại làng VĐV Palembang tối ngày 23/8/2018. Ảnh: Minh Chiến. |
- Nghe ông nói chuyện, tôi nghĩ ông đã dành rất nhiều tình cảm cho đất nước này?
- Đúng, tôi có rất nhiều tình cảm với nơi này. Nhiều bạn bè tôi ở Australia nói tôi nên viết một cuốn sách về cuộc đời mình, về những trải nghiệm của mình ở Việt Nam. Tôi rất yêu nơi này nhưng không thể nhớ được mọi thứ về nó. Bởi vậy, tôi đã chụp lại mọi thứ, lưu lại những tấm hình và đoạn phim từ các buổi tập (ông Joseph vừa nói vừa mở điện thoại, kéo tay lướt qua hàng nghìn, hàng chục nghìn tấm ảnh - PV).
Bạn làm tôi nhớ lại kỳ Olympic 2012 đấy. Mỗi bức ảnh ở đây là một câu chuyện của tôi (với Việt Nam - PV). Bất kỳ lúc nào, tôi cũng muốn lưu lại những hình ảnh, những câu chuyện ấy.
- Đâu là kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông về Việt Nam?
- Tôi nghĩ đó là năm 2012 và 2016 - khi chúng tôi vượt qua vòng loại Olympic. Tôi không bao giờ quen được khoảnh khắc dự Olympic lần thứ 2, ngập tràn những kỷ niệm.
Tôi nghĩ Olympic 2016 là bước đệm lớn để hôm nay, chúng ta có HCV tại ASIAD. Đó cũng là kỷ niệm lớn nhất của tôi vì như tôi đã nói, giành HCV ở Asian Games không phải chuyện dễ.
- Australia là một cường quốc rowing, còn Việt Nam thì mới phát triển môn này. Điều đó có gây nhiều khó khăn cho công việc của ông?
- Rowing tại Australia rất phát triển. Chúng tôi có những VĐV cường tráng, sức khỏe tốt, được ăn uống đầy đủ với trang thiết bị hiện đại. So với Việt Nam, điều kiện ở Australia tốt hơn rất nhiều. Nhưng Việt Nam có điều rất tuyệt là tinh thần chiến đấu hết mình nơi mỗi VĐV.
- Sau kỳ tích vừa qua, người Việt Nam đã biết tới ông nhiều hơn. Cảm giác thế nào khi ta sắp trở nên nổi tiếng?
- Tôi không thấy cảm giác khác lắm. Tôi ở đây vì các VĐV, vì ông Quang. Tôi không quan trọng chuyện người ta có biết tôi là ai. Tôi ở đây vì rowing chứ không phải vì bất kỳ điều gì khác.
- Nhiều người ở tuổi ông đã nghĩ tới chuyện giải nghệ và nghỉ ngơi. Còn ông thì sao?
- Theo bạn, thế nào là già? (chỉ tay vào trái tim - PV). Tôi không già đâu, tôi không nghĩ rằng mình đã già. Tôi vẫn làm việc vì rowing, tôi không muốn nghỉ hưu. Không làm ở Việt Nam thì tôi cũng làm ở Australia. Tôi sẽ theo đuổi rowing đến khi tôi chết.
Giống như rất nhiều người khác ở Australia, tôi thích lao động, thích làm việc cùng các VĐV, với những người trẻ. Tôi sẽ không bao giờ dừng lại dù là ở Australia hay Việt Nam. Tôi sẽ sống trọn cuộc đời mình cho rowing.
Đã đến lúc nghĩ về ngôi cao nhất ở Olympic
- Thành công này có làm thay đổi điều gì nơi ông và đội tuyển không?
- Tôi nghĩ mình sẽ tiếp tục viết các chương trình huấn luyện, tiếp tục làm việc với ông Quang. Chúng tôi cố gắng tập trung vào các VĐV, đào tạo, cải thiện họ so với 7 năm trước khi tôi vừa tới. Tôi hy vọng họ sẽ có đủ kinh phí để tới các giải đấu quốc tế. Bởi đây là thời điểm thích hợp để chúng ta hy vọng vào tấm HCV tại Olympic.
Dự các giải thế giới sẽ là trải nghiệm cực kỳ quý báu với rowing Việt Nam. Đó là nơi những đối thủ sẽ mang tới đội hình mạnh nhất để chuẩn bị cho Olympic. Việt Nam đang có quyền lựa chọn. Chúng ta có thể tiếp tục gửi đội tuyển dự giải thế giới, nâng cao đẳng cấp và tiến bộ hơn. Việc đó chắc chắn rất tốn kém.
Cá nhân tôi năm nào cũng đi dự những giải đấu đó. Hoặc ít nhất, chúng tôi cũng có thể đi tập huấn tại Australia.
Nhiều năm gắn bó với Việt Nam, ông Joseph được các VĐV vô cùng yêu mến. Ảnh: Minh Chiến. |
- Ông có biết mình được rất nhiều tay chèo nữ Việt Nam yêu quý? Nhiều năm gắn bó, ông có nhìn thấy điểm gì đặc biệt từ họ?
- Phụ nữ Việt Nam rất truyền thống, rất kiên cường, không giống như phụ nữ Mỹ. Họ cũng chấp nhận nghe mọi chỉ dẫn từ ban huấn luyện. Nếu ông Quang bảo họ nhảy, họ sẽ hỏi cần nhảy cao bao nhiêu. Họ lắng nghe mà không hề tranh cãi.
Họ có tố chất, biết lắng nghe. Đó là những điều quan trọng nhất. Khi VĐV biết lắng nghe, họ sẽ học hỏi được rất nhiều. Điều đáng sợ nhất là không biết mình đang nói gì và không học hỏi được gì.
- Cuộc sống phía trước của ông và đội thuyền 4 người hạng nhẹ một mái chèo sẽ thay đổi rất nhiều. Ông có sợ họ sẽ sa sút sau vinh quang như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh?
- Tôi biết Hoàng Xuân Vinh. Tôi nghĩ bắn súng và đua thuyền rất khác nhau. Tôi từng nói chuyện với HLV tuyển bắn súng. Bạn phải thấy bị hấp dẫn bởi những mục tiêu mới (sau khi giành HCV Olympic - PV). Bắn súng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi sự tập trung. Không có tập trung, kết quả bắn sẽ lập tức giảm đi.
Bạn nghĩ tại sao Tiger Woods giành hơn 70 danh hiệu nhưng giờ không thể thắng nổi nữa? Vấn đề nằm ở ý thức và quyết tâm (chỉ tay lên đầu - PV). VĐV của tôi là những người cực kỳ mạnh mẽ. Tôi tin tưởng và ở đây để giúp họ vượt qua điều đó.