Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiến thắng của ĐT rowing Việt Nam hoàn toàn áp đảo trước đối thủ

Có thành tích nhanh hơn đội về nhì đến 3 giây, chiến thắng của 4 cô gái Việt Nam ở nội dung đua thuyền hạng nhẹ tại ASIAD 18 là một trong những mốc son rực rỡ của rowing nước nhà.

Dù mang về tấm HCV đầu tiên cho Đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 18, đội tuyển đua thuyền do ông Lê Văn Quang, HLV trưởng dẫn đầu vẫn tỏ ra hết sức khiêm tốn.

Theo ông Quang, dù cùng là tấm HCV ở các bộ môn thể thao Olympic, rowing vẫn chỉ xếp ở nhóm số 2, chưa được đánh giá cao như với các môn thi đấu khác thuộc nhóm đầu như: cử tạ, bắn súng, điền kinh, thể dục dụng cụ mà Việt Nam từng giành được chiến tích lớn trên đấu trường khu vực.

Ngay sau khi cùng các học trò thắng lợi lớn ở nội dung thuyền 4 nữ hạng nhẹ, Sting đồng hành đồng hành phỏng vấn trực tuyến cùng Zing.vn, HLV Lê Văn Quang đã có những chia sẻ về những ngày tháng vất vả cả đội tuyển cùng nhau tập luyện.

Đua thuyền từng lỡ HCV tại ASIAD 2014

doi tuyen dua thuyen nu Viet Nam thang cach biet doi thu,  ASIAD 18 anh 1
Ông Lê Văn Quang là huấn luyện viên trưởng bộ môn rowing Việt Nam.

Trong cuộc đời gắn bó với bộ môn đua thuyền, ông Quang từng tham dự 3 kỳ Á vận hội vào các năm 2006, 2014 và 2018 với tư cách là HLV. "Rất ít người biết rằng với lực lượng của đội tuyển Việt Nam tại ASIAD 2014, chúng ta đã lỡ'mất một HCV", ông chia sẻ.

Theo lời HLV Lê Văn Quang kể lại, ngoài đội tuyển Nhật Bản thi đấu vượt trội, cuộc đua các vị trí thứ nhì, ba, tư chỉ cách nhau chưa đến một giây. Đây cũng là điều mà ban huấn luyện của đội chèo thuyền Việt Nam rất nuối tiếc và không nguôi nỗi trăn trở cách đây 4 năm.

Đối với các thành viên của đội tuyển, ai cũng thừa nhận rằng bộ môn đua thuyền có mang một chút yếu tố tâm linh khi phải thi đấu trên sông nước. Dẫu rằng, các VĐV có tập luyện tốt luyện tốt đến đâu, vẫn luôn có xác suất rủi ro khi thi đấu. Yếu tố an toàn cho các tay chèo luôn luôn được đặt lên hàng đầu.

"Thế nên chúng tôi chưa bao giờ giao chỉ tiêu hay áp thành tích cho VĐV. Trong mỗi buổi họp, huấn luyện viên và chuyên gia luôn động viên các VĐV thi đấu bằng những gì tốt nhất", HLV từng có 20 năm kinh nghiệm trong bộ môn đua thuyền cho biết.

doi tuyen dua thuyen nu Viet Nam thang cach biet doi thu,  ASIAD 18 anh 2
Các cô gái kiên trì tập luyện bất chấp nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất. Sau khi giành HCV ASIAD, Sting tặng đội tuyển 100 triệu đồng.

Bao nỗi trăn trở trước thềm ASIAD

So với mặt bằng chung của các quốc gia khác, điều kiện tập luyện của đội tuyển rowing Việt Nam kém hơn nhiều mặt từ phương tiện đến cơ sở hạ tầng. Nhưng có một điều đã trở thành động lực giúp cả đội tuyển gặt hái được nhiều thành tích cao tại đấu trường quốc tế, đó là ý chí, quyết tâm của các VĐV Việt Nam cao hơn rất nhiều. 

"Ban huấn luyện cũng dựa vào yếu tố này để để động viên các VĐV luôn biết dùng ý chí để vượt qua hoàn cảnh khó khăn, tiếp tục hướng về phía trước", HLV Lê Văn Quang chia sẻ với Zing.

Khoảng 10-15 ngày trước khi đi tranh tài ASIAD, xuồng tập luyện của đội tuyển bị hư hỏng, không đủ thời gian để báo cáo lên cấp trên kịp thời sửa chữa. Vấn đề phương tiện và cơ sở vật chất luôn là nỗi bận tâm lớn của các thành viên trong ban huấn luyện.

Không chỉ dừng lại ở đó, ngay trước thềm thi đấu tại Indonesia, ban huấn luyện, chuyên gia và các VĐV còn gặp phải tình trạng tập luyện khó khăn khi điều kiện thời tiết không ủng hộ, đúng vào giai đoạn căng thẳng nhất. 

Tuy nhiên, điều mà ông Quang đau đáu hơn cả, đó là trước thềm ASIAD, VĐV Phạm Thị Thảo bị trào ngược dạ dày, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và ý chí tập luyện. Thậm chí, chỉ 3 tuần trước khi chính thức sang Indonesia, Thảo căng thẳng đến mức còn có ý định muốn HLV tìm người khác để thay thế cô.

"Lúc ấy, khi có 1-2 ngày vắng mặt ở đội tuyển, tôi đều nhắn tin để hỏi về thời tiết và giáo án hoàn thành đến mức độ nào. Tôi cũng gọi điện cho chuyên gia Joseph Donnelly cần chú ý tới trường hợp của Thảo vì năm nay VĐV này chỉ thi đấu một nội dung. Để đảm bảo thành tích của đội và không ảnh hưởng đến 3 VĐV còn lại ngồi trên thuyền, cần chú ý tới tình hình sức khỏe của Thảo. Thảo chỉ cần đạt được trạng thái ổn định là sẽ thành công, là có niềm tin cả đội sẽ giành được HCV", ông Quang chia sẻ.

Sở dĩ, HLV đặc biệt lưu tâm tới vấn đề sức khỏe của các VĐV là bởi cách đây 4 năm tại ASIAD Incheon, đua thuyền Việt Nam giành được 1 HCB và 1 HCĐ. Bốn VĐV này đã đấu loại cạnh tranh ở thế 50-50 với đội Trung Quốc, nhưng trong trận chung kết lại thua một cách đáng tiếc.

Sau đó, cũng 4 chị em thi đấu ở nội dung hạng nặng và chỉ về vị trí thứ 3. Đây là lý do khiến ông Quang chú ý đến vấn đề phân phối sức lực cho các VĐV tại kỳ Á vận hội lần này.

Trong đội đua thuyền nữ Việt Nam, có tới 2 VĐV cùng tên Thảo. Nếu Thảo "lớn" (Phạm Thị Thảo) đã có 12 năm gắn bó với đua thuyền, Thảo "bé" (Lương Thị Thảo) chỉ có 2 năm đặt chân vào đội tuyển và mới thi đấu 2 giải lớn là cúp châu Á và giải vô địch Đông Nam Á.

Theo đánh giá của HLV Lê Văn Quang, đây đều là những giải đấu mà mức độ cạnh tranh không quá cao, chưa thử thách nhiều tâm lý của VĐV.

"Thảo là một VĐV có năng lực, nhưng chúng tôi rất lo Thảo bị 'ngợp' khi bước vào một giải đấu lớn như ASIAD. Việc không giữ được tâm lý ổn định có thể gây ảnh hưởng đến thành tích của toàn đội", HLV Quang chia sẻ với Zing.

doi tuyen dua thuyen nu Viet Nam thang cach biet doi thu,  ASIAD 18 anh 3
Bao nỗ lực của các VĐV chèo thuyền được đền đáp bằng tấm HCV ASIAD. Trong cuộc phỏng vấn trực tuyến do Sting đồng hành, bốn cô gái vàng môn đua thuyền trả lời độc giả Zing.vn tối 23/8.

Trái với nỗi lo lắng của HLV, sự đoàn kết của 4 VĐV ở nội dung hạng nhẹ đã mang về thắng lợi lớn cho đua thuyền Việt Nam. "Trên thuyền ai cùng hô nhau, mỗi người một nỗ lực. Người nhìn đường là chị Thảo, người dẫn chèo chỉnh đường đua cho thuyền đi thẳng là Thảo bé, người để ý tốc độ là chị Lý, Huyền hô các cột mốc khoảng cách để quyết định chiến thuật", VĐV Hồ Thị Lý chia sẻ.

Cứ thế, con thuyền của 4 chị em đã cập bến vinh quang châu lục.

Thành tích vượt trội so với đối thủ

Trong khoảnh khắc quyết định khi tất cả đội đua chạy nước rút về đích, ban huấn luyện rowing Việt Nam chỉ có thể nhìn thấy thuyền của các cô gái ở hướng chéo, mắt thường không thể nhận ra thành tích tuyệt vời của 4 cô gái đầy bản lĩnh.

Rồi sau đó, thành tích được công bố khiến ai cũng vỡ òa: Đội thuyền của Việt Nam về đích nhanh nhất với thành tích 7 phút 1 giây 11, bỏ xa đội xếp thứ 2 là tuyển Iran lên đến 3 giây 27.

"Tôi đã có 20 năm chứng kiến những cuộc đua, trong đó có những giải đấu lớn như vòng loại Olympic hay ASIAD, tất cả vị trí nhất, nhì, ba thường chỉ chênh nhau vài phần trăm giây", theo lời ông Quang, cách biệt 3 giây là một chiến thắng vượt trội của đội tuyển Việt Nam so với đội về nhì và tất cả đối thủ còn lại.

Sau 4 năm bỏ lỡ chiếc HCV tại Incheon, Hàn Quốc, cuối cùng đội tuyển rowing của Việt Nam đã hiện thực hóa giấc mơ vàng tại Đại hội thể thao hàng đầu châu Á.

Bỏ lại phía sau bao bộn bề trăn trở của những cơ sở vật chất khó khăn, tình trạng sức khỏe không đảm bảo, Đoàn thể thao Việt Nam đã có thể tự hào với bạn bè châu lục bởi những nhà vô địch rắn rỏi, đầy bản lĩnh của bộ môn sông nước.

Đó là Tạ Thanh Huyền, Lương Thị Thảo, Hồ Thị Lý và Phạm Thị Thảo, những cô gái tài năng đưa quốc kỳ Việt Nam lần đầu tiên tung bay ở vị trí cao nhất trên bục vinh danh tại ASIAD Indonesia 2018.

Sau khi biết tin đội tuyển rowing nữ vô địch tại ASIAD, thông qua Zing, nhãn hàng nước tăng lực Sting thông báo sẽ tặng đội tuyển 100 triệu đồng nhằm cổ vũ tinh thần cho các VĐV đã mang về vinh quang cho Tổ quốc.

Tại ASIAD lần này, Sting đóng vai trò là nhà tài trợ đồng hành, qua đó muốn truyền tải thông điệp về sự nỗ lực, kiên cường và kêu gọi người hâm mộ ủng hộ nhiều hơn cho thể thao Việt Nam.

Đội tuyển rowing Việt Nam gửi lời chào độc giả Zing.vn Sau khi giành được tấm HCV đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD, bốn cô gái của đội tuyển rowing gửi lời chào và có buổi giao lưu trực tuyến với các độc giả của Zing.vn.

Nhà vô địch ASIAD từng suýt chết đuối vì bị đắm thuyền

Tối 23/8, bốn vận động viên của đội tuyển rowing vô địch ASIAD 2018 chia sẻ cảm xúc và kỷ niệm trong buổi giao lưu trực tuyến cùng độc giả Zing.vn.

Bích Hiền - Minh Chiến (từ Indonesia)

Bạn có thể quan tâm