- Nhiều năm qua, xuân thu nhị kỳ, Phú Quang đều làm đêm nhạc. Năm nay, ông mang tới món gì mới để khán giả thưởng thức?
- Nghệ thuật và báo chí rất khác nhau. Báo chí luôn cần cái “mới”, còn nghệ thuật không nên lấy tiêu chí phải “có cái gì mới”. Bài hát hay là lúc nào người nghe cũng cảm thấy hay. Như âm nhạc của Beethoven, Mozart, 300 năm nay người ta vẫn nghe và vẫn thấy hay đó thôi.
Nhạc sĩ Phú Quang. |
- Mỗi mùa ông thường làm một chương trình, nhưng thu này ông làm hai show với bốn đêm liên tiếp. Điều gì khiến số chương trình tăng lên vậy?
- Từ ngày 3 - 6/11, tôi làm hai đêm nhạc “Khi mùa thu tới” và “Rồi mùa đông sẽ qua". Hai chương trình trong bốn đêm không phải là nhiều.
Tôi có gần 500 bài hát, không giới thiệu hết thì phí. Làm thế nào để đến lúc 100 tuổi cũng phải giới thiệu hết 500 bài chứ. Hai chương trình lần này sẽ có 46 bài hát, không lặp lại nhau.
Tôi chọn những người hát hay nhất nhạc của mình, chỉ làm với những người hiểu âm nhạc của mình, chứ không cần người có danh hiệu.
- Ông có bí quyết gì khi tự tin làm nhiều chương trình trong 38 năm qua?
- Với hai chương trình lần này, chúng tôi mới mở bán hai ngày nay và 1/4 số vé đã có chủ. Tôi dự đoán có phần lạc quan rằng 30 - 50% khán giả sẽ xem cả hai chương trình.
Nhiều người hỏi tôi là làm thế nào để bán hết vé. Tôi chẳng có bí quyết gì cả, chắc là dân thương thì được ủng hộ. Tôi nghĩ cần phải biết trân trọng khán giả. Thời buổi này không ai nói dối được, nên phải thật lòng. Mình nói làm chương trình chất lượng, thì phải hết lòng, dốc sức cho nó chất lượng.
Xét về mặt thương mại, hàng hóa muốn bán được phải có chất lượng. Một cái tủ lạnh, xe máy, ô tô… loại nào tốt cũng được xếp hàng mua. Hàng của tôi chẳng phải chất lượng cao mà do tôi làm hết lòng. Hết lòng thì có lẽ cũng ra được tác phẩm khiến người ta hài lòng.
- Lần này, bên cạnh làm đêm nhạc, Phú Quang còn ra mắt cuốn sách “Chuyện bình thường và Những hồi ức chợt hiện”. Điều gì khiến ông viết sách?
- Tôi cứ viết chơi vậy. Thời điểm này viết vì cảm thấy có hứng.
Thực ra ngày bé, tôi thích văn thơ hơn âm nhạc. Tôi từng nghĩ lớn lên sẽ làm nhà thơ, nhà văn nhưng có 21 năm học nhạc, đó là nghiệp. Đó cũng là điều may; vì nếu theo nghiệp viết, có khi giờ này tôi chưa được kết nạp vào Hội nhà văn, hoặc làm nhà văn trẻ cũng nên (cười).
Như trong Lời tựa, tôi nói rõ, tôi viết không có ảo tưởng về sứ mệnh, hay có tham vọng để lại di sản cho đời sau. Đến một tuổi nào đó, ta cảm nhận được dấu ấn thời gian, thì những mảnh hồi ức quay về. Cuốn sách là những kỷ niệm, hồi ức của tôi.
Sách "Chuyện bình thường & Những mảnh hồi ức chợt hiện" phát hành tháng 10. |
- Vậy, hồi ức chợt hiện của ông có những chuyện gì?
- Tôi viết về những kỷ niệm tuổi thơ, học nhạc, rồi quãng thời gian vào Nam sinh sống. Ở đó, tôi viết về những người bạn thân, về các con.
Ở đây có hai đối tượng tôi không nhắc tới. Thứ nhất là những cuộc tình, bởi lúc này tôi muốn giữ cho riêng mình.
Đối tượng thứ hai là những kẻ ti tiện, bởi những kẻ xấu xa không đáng để nhắc tên, không có cơ hội xuất hiện trong hồi ức của tôi.
- Từ các đĩa nhạc, đêm nhạc ông đều làm cẩn thận. Với cuốn sách này ông cũng làm hộp gỗ sang trọng. Điều gì khiến ông phải cầu kỳ như vậy?
- Mẹ tôi dạy rằng “điều gì con không thích, đừng bắt người khác phải chịu”. Nên làm gì tôi phải làm “xịn”. Làm sao để mình thích thú đã, tránh không phải xấu hổ nếu người khác không ưng sản phẩm của mình.
Nhiều người chọn cách chơi, trải nghiệm rồi sáng tác. Nhưng tôi luôn làm trước, làm xong, làm tốt rồi thì mới chơi.
- Hồi ký nghệ sĩ thường nhận thị phi, ông có sợ điều đó khi quyết định xuất bản sách?
- Tôi không định viết hồi ức để câu khách. Trong cuốn sách này cũng không có gì để câu khách cả. Người ta viết hồi ký thường đưa vào nhiều cuộc tình, còn tôi thì không. Tất nhiên con người ai cũng có cuộc tình, nhưng tôi chưa muốn viết lúc này.
Biết đâu lúc nào đó, nếu tôi thấy muốn, hoặc ai đó muốn đọc, có lẽ tôi sẽ viết. Nhưng cũng viết thật thôi, “thật thà là cha quỷ quái” mà.
- Làm nhạc, viết hồi ức, ở tuổi gần thất thập, ông còn quan tâm những điều gì nữa?
- Điều quan tâm của tôi là chẳng quan tâm gì cả. Nếu tôi đã chú tâm vào làm việc, thì mọi sự khác tôi đều không để ý. Xung quanh người ta có thể cãi cọ, đánh nhau, tôi vẫn có thể ngồi viết nhạc được. Thậm chí, tôi đang viết, nếu ai cấu vào tay tôi, có chảy máu tôi vẫn không cảm thấy đau. Chỉ sợ mình đang viết mà người ta hát ông ổng, khác tông thì mình mới khó chịu.
Mình phải tự thiền cho mình thôi.