Những vấn đề xoay quanh việc nâng cao văn hóa đọc, lựa chọn sách phù hợp cho con em mình, lan tỏa tri thức đến cộng đồng được một số diễn giả là người mẹ, người làm công tác xuất bản đưa ra thảo luận hôm 8/3.
Kiến tạo tri thức cho trẻ
Mở đầu sự kiện, bà Nguyễn Kim Thoa - CEO Tân Việt Books - thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ đến các bà mẹ trong Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) về số lượng sách đọc trong một năm. Kết quả cho thấy thói quen đọc sách của các bậc phụ huynh chưa cao.
Bà Kim Thoa thông tin đây không phải thực trạng riêng của một đơn vị, bộ phận, mà là tình trạng chung của toàn xã hội. Lý do nằm ở việc chúng ta chưa thực sự hiểu được giá trị của việc đọc đối với sự phát triển, trưởng thành của một thế hệ.
“Tôi công tác trong ngành xuất bản. Mỗi năm, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, có những số liệu thống kê cụ thể về tỷ lệ đọc sách của người dân Việt Nam. So với nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (Singapore, Malaysia, Indonesia), con số của chúng ta còn kém xa”, CEO Tân Việt Books nói.
Bà Kim Thoa dẫn lời nhà giáo dục học nổi tiếng của Đức: “Vận mệnh của một dân tộc nằm trong tay các bà mẹ” để thấy được rằng trong quá trình hình thành thói quen đọc sách cho con, trách nhiệm chính thuộc về người mẹ. Đặc biệt, đây không chỉ là việc lớn của một quốc gia, mà còn là nhiệm vụ quan trọng của một gia đình.
Một số diễn giả là mẹ, người làm công tác xuất bản tham gia tọa đàm hôm 8/3. Ảnh: Ngà Lương. |
Cũng là một bà mẹ, CEO Tân Việt Books rất quan tâm việc giáo dục sớm ở trẻ. Trên hành trình nuôi dạy để một đứa trẻ có thói quen đọc sách, mẹ chính là người truyền cảm hứng, khơi gợi thói quen đọc cho con thông qua những lời động viên, cổ vũ.
Bà Thoa cũng kể ra một số tấm gương nhờ đọc nhiều sách mà có được thành công, trở thành bậc vĩ nhân trên thế giới.
Tham dự tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Phương Châm - Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật Điện lực Yên Mỹ (Công ty Điện lực Hưng Yên), mẹ của ba con - tâm sự về thói quen đọc sách của bản thân.
Bà Phương Châm quan niệm sách là tri thức và một phần của văn hóa. Nó giúp ích rất nhiều trong cuộc sống cũng như công việc. Đặc thù công việc khiến bà phải thường xuyên giao tiếp với khách hàng.
“Đọc nhiều sách giúp tôi tư duy, nắm bắt tâm lý khách hàng cũng như có vốn từ phong phú để có thể trao đổi, chia sẻ với họ hiệu quả hơn”, bà Phương Châm nói.
Cha mẹ ý thức được tầm quan trọng của việc đọc sách, nhưng làm thế nào để xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ trong khi ngày nay, có quá nhiều phương tiện, hình thức giải trí đang vây xung quanh, thu hút con trẻ?
Trả lời cho câu hỏi này, bà Kim Thoa nói trước hết, người lớn tự phải đánh giá được việc đọc sách hữu ích như thế nào đối với bước đường thành công của con.
“Hiểu được vai trò của sách, cha mẹ mới có được định hướng đúng đắn cho con em mình. Nếu không có sự định hướng đó, trẻ chắc chắn sẽ lựa chọn làm bạn với những thiết bị điện tử, game giải trí”, bà Kim Thoa cho hay.
Trao đổi tại buổi talk show, người mẹ này cũng bày tỏ mong muốn các phụ nữ Việt Nam sẽ cùng nuôi dưỡng thói quen đọc sách, để “kiến tạo thành công những lâu đài tri thức”, không chỉ cho con em mình mà còn cho toàn xã hội.
Thói quen đọc sách được hình thành càng sớm càng tốt. Ảnh: Y.N. |
Khích lệ trẻ bằng nhiều hình thức
Cũng có mặt tại tọa đàm, bà Lưu Thị Thanh Thủy - Kế toán trưởng Tổng công ty Điện lực miền Bắc - cho hay phụ nữ ngày nay phải biết tự chủ, làm đẹp cả về hình thức lẫn tri thức.
Bà Thủy có thói quen đọc sách từ nhỏ. Sách cho bà nhiều bài học, kiến thức hữu ích để làm việc, chăm sóc bản thân, gia đình và cân bằng cuộc sống.
Bà cũng là mẹ của hai con đang độ tuổi teen. Chia sẻ về bí quyết giúp các con ham đọc sách, bà kể hồi còn nhỏ, mỗi lần được giấy khen, bố mẹ hay cho một số tiền nhỏ coi như phần thưởng để mua sách. Số tiền ấy chỉ đủ để mua một, hai cuốn sách. Khi đó, bà mơ ước đến lúc có con, sẽ mua thật nhiều sách mà con thích.
"Sau này được làm mẹ, mỗi lần đi hiệu sách, tôi thường mua nhiều cuốn sách nhỏ về nhà. Mỗi lần con được phiếu bé ngoan, tôi đều thưởng cho con một tập sách. Đó là nguồn động viên cho các con chăm ngoan và cố gắng, đồng thời rèn cho chúng thói quen đọc sách từ nhỏ. Đến khi lớn, các con tôi vẫn giữ thói quen đọc”, bà Thủy nói.
Bà Nguyễn Kim Thoa cũng nhấn mạnh rằng cha mẹ cần lưu ý đưa ra lời khuyên và các gợi ý cho con trong việc chọn sách phù hợp.
Theo bà, không nên định hướng trẻ một cách máy móc, cứng nhắc bằng những lời ra lệnh giáo điều. Thay vào đó, nên động viên, gợi mở để trẻ tìm thấy hứng thú, niềm vui mỗi khi đọc sách.
“0-6 tuổi là giai đoạn vàng của trí não. Nếu xây dựng cho con thói quen đọc sách từ thời điểm này chính là cha mẹ đang trao cho con em mình một khối tài sản lớn trong tương lai”, bà Kim Thoa nói thêm.