“Hôm nay mẹ có vui không?”, “Mẹ đừng nhăn mặt nữa, mẹ hãy cười lên”. Đã bao giờ con thủ thỉ với bạn những lời như thế chưa? Nếu có, dù đang bận rộn điều gì, bạn hãy dừng lại một chút và dành cho con cái ôm thật chặt.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy mức độ hạnh phúc của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đáng kể đến mức độ hạnh phúc và thành công của con cái. Những ông bố, bà mẹ luôn tỏ ra lo lắng, chán nản hoặc hay cãi vã, con lớn lên cũng sẽ mang tính cách tương tự.
Ngược lại, những người sinh ra trong gia đình luôn đầy ắp tiếng cười sẽ hạnh phúc hơn, ít gặp tình trạng căng thẳng, lo âu kéo dài.
Tác giả Vân Anh (trái) trong buổi ra mắt sách và giao lưu với độc giả tại Đường sách TP.HCM. Ảnh: Kim Ngân. |
Tiềm thức của cha mẹ ảnh hưởng con cái
Tất nhiên, cha mẹ nào cũng yêu thương con mình. Nhưng đôi khi chúng ta không tránh khỏi những lần quát mắng, la rầy con, hoặc cha mẹ chán nản buồn rầu, cha mẹ kỳ vọng quá nhiều vào con, hoặc cha mẹ vô tình bỏ rơi cảm xúc của con. Tất cả điều này, nếu lặp đi lặp lại, lâu ngày dẫn đến sự đứt kết nối về mặt cảm xúc giữa cha mẹ và con cái. Vì sao như vậy?
Đó là do nhiều bậc cha mẹ còn mang trong mình những vết thương thời thơ ấu. Tiềm thức còn lưu giữ ký ức của những lần bị đòn roi, la mắng, bị lạnh nhạt hoặc thiếu quan tâm. Họ luôn nhắc mình sẽ không trở thành người giống cha mẹ, không để con chịu những thương tổn mà mình đã từng. Nhưng vô tình hay hữu ích, họ vẫn lặp lại hành động giống cha mẹ mình ngày xưa.
Khi trở thành cha mẹ, chúng ta mải mê chạy theo những phương pháp dạy con muôn hình vạn trạng từ các quốc gia khác. Nhưng ít ai để tâm đến phần bất ổn nằm sâu bên trong bản thân. Phần gốc chưa vững thì làm sao nuôi trồng cái cây khỏe mạnh? Làm cha làm mẹ trong tình trạng còn ngổn ngang vết thương thì làm sao nuôi dạy con được hạnh phúc?
“Một người thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu cũng có nguy cơ trở thành bậc cha mẹ bỏ rơi cảm xúc của con cái, nếu họ không nhận biết những gì đã xảy ra với mình và tìm cách chữa lành".
Đây cũng chính là tiền đề của cuốn sách Hôm nay mẹ có vui không? Theo tác giả Vân Anh, hạnh phúc của chúng ta có tác động rất lớn đến khả năng trở thành cha mẹ tốt và đem đến hạnh phúc cho con.
Và để hạnh phúc, ta cần biết tự chữa cho lành những vết thương bên trong, dù là ở thời thơ ấu hay trên hành trình chúng ta lớn lên, trưởng thành và trở thành cha mẹ của một đứa trẻ. Nếu không thể thì nói chi với con cái, chúng ta sẽ chẳng tạo dựng được mối quan hệ tốt đẹp với bất kỳ ai.
Hôm nay mẹ có vui không kể về hành trình nuôi dạy con của người mẹ đơn thân. Ảnh: Kim Ngân. |
Hành trình của mẹ đơn thân cùng con vượt thử thách
Cuốn sách không hướng dẫn phương pháp nuôi dạy con thành công, cũng không chỉ ra các giải pháp cho vấn đề tâm lý.
Tác giả Vân Anh đơn thuần chia sẻ hành trình của một người mẹ đơn thân trong quá trình tự chữa lành khỏi những cơn trầm cảm, tìm lại chính mình, sự cân bằng và niềm vui trong cuộc sống, đồng thời cùng hai con vượt qua những khiếm khuyết.
Tác giả tìm hạnh phúc ở nội tại chứ không cố tỏ ra hạnh phúc vì không ai khác và chính các con cảm nhận rõ nhất niềm hạnh phúc đó của mẹ và lớn lên một cách hồn nhiên, tự tin.
Người đọc cảm nhận ở Vân Anh những giằng xé, vật lộn trong tâm lý cũng như sự tích cực trong tư duy cùng niềm yêu thương vô hạn dành cho hai con.
Có thể bạn sẽ không đi theo con đường mà tác giả đã đi, nhưng bạn có thể nghiệm ra nhiều điều từ chính bản thân và nhìn rõ con đường của mình hơn.
“Không có công thức trong việc dạy con, không có phương pháp nào là đúng hay sai nhưng chắc chắn có nhiều con đường để trở thành người mẹ tốt. Một trong những con đường đơn giản nhất đó là trở thành một người hạnh phúc", trích cuốn sách.