Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí quyết dạy con bằng đọc sách của MC Quỳnh Hương

MC nổi tiếng đã có những chia sẻ thú vị về bí quyết giúp con làm quen và giữ gìn tình bạn tốt đẹp với sách thay vì các thú vui giải trí hiện đại.

- Thực tế cho thấy trẻ con ngày càng xa rời thói quen đọc sách, điều này có thể do bé có nhiều lựa chọn giải trí hiện đại hơn như truyền hình, Internet. Chị có nghĩ như vậy không?

- Mình không nghĩ phim ảnh đang lấn thời gian đọc sách của con trẻ mà nguyên nhân chủ yếu do mạng xã hội. Lý do là mạng xã hội dùng chữ, nhưng những chữ (kèm hình ảnh) trên đó ít hơn, nội dung lại đa dạng, có tương tác và “giật gân” hơn. Có điều, mình nghĩ những ai đã có thói quen đọc sách rồi vẫn sẽ trung thành với sở thích cố hữu của mình. Chẳng hạn như chính mình, sách vẫn là phương tiện giải trí số một.

- Nhưng làm thế nào để trẻ thích đọc sách, có thói quen đọc sách, và có được tình yêu với việc này, thưa chị?

- Mình nghĩ để sách trở nên thân thuộc với con, điều đầu tiên là biến chúng thành một người bạn của con trước đã. Mẹ sẽ là người tạo điều kiện để “hai người bạn” này gặp nhau trước, giới thiệu “họ” với nhau, và khuyến khích “họ” tìm hiểu về nhau.

Khi đã thực sự cảm thấy “bạn” mang lại nhiều kiến thức, nhiều điều thú vị, con sẽ tự nhiên nhận ra lợi ích của “bạn” và mong muốn được gần gũi “bạn” hơn. Tin nhà mình đã được làm quen với sách từ lúc vừa thôi nôi. Từ đó cho đến hết mẫu giáo, hầu như mỗi buổi tối không phải đi làm, ở nhà mình đều dỗ con ngủ bằng cách đọc 1 - 2 câu chuyện cổ tích hay truyện ngụ ngôn. Đến mức, có lúc cậu ta có thể đọc làu làu quyển Ba chú heo con khi chưa biết mặt chữ.

Theo Quỳnh Hương, các bà mẹ phải là cầu nối để con cái “kết bạn” với sách.
Theo Quỳnh Hương, các bà mẹ phải là cầu nối để con cái “kết bạn” với sách.

-Và bé đã bắt đầu có sở thích đọc sách và giữ được thói quen đọc sách đúng như chị mong muốn?

- Có thể nói là như vậy. Nhưng sở thích đọc sách của bé cũng khác các bạn khác một chút và mình phải tôn trọng. Ví dụ như con chỉ thích đọc sách về du lịch, kiến trúc, lịch sử và các danh nhân, trong khi mình thì chỉ muốn con đọc sách văn học cho giống mẹ. Sách văn học không phải là lĩnh vực mà Tin yêu thích, dù mình đã ra sức “dụ dỗ” bằng cách tận dụng mọi dịp có thể để mua về, hoặc kể cho con nghe những cái hay cái đẹp trong sách văn học.  

- Một ngày chị và con dành bao nhiêu thời gian để đọc sách?

- Hàng ngày ở trường các con có giờ đọc sách, khoảng 15 phút đầu giờ sáng. Đó là khoảng thời gian mà các con được thoải mái đọc những gì chúng thích. Ngoài ra, những buổi tối ở nhà, mình thường dành khoảng 30 phút để đọc sách cùng con. Những ngày cuối tuần, hai mẹ con lại rủ nhau đi nhà sách để chọn thêm sách mới. Khi đi công tác, gặp những quyển sách đúng gu, hai vợ chồng mình cũng thường mua về làm quà cho con. Từ khi Tin nhỏ xíu đến giờ, quà tặng các dịp của con luôn luôn là sách. Vì ngoài sách ra, không thấy con đặc biệt mê cái gì khác. Đến “ông già Noel” hàng năm cũng biết con thích sách, nên năm nào cũng có sách trong túi quà tặng đó.

- Cá nhân chị cảm thấy con đã có được những lợi ích gì từ việc đọc sách mỗi ngày như thế?

- Ngoài kiến thức dồi dào, Tin đã am tường rất nhiều trường phái kiến trúc lớn trên thế giới, nắm khá rõ về các danh nhân thế giới; thông tin về các quốc gia, các thời đại, các thông tin địa lý - văn hóa… của nhiều nước. Tất cả đều nhờ đọc sách. Nhờ vậy, con học rất giỏi các môn lịch sử, địa lý. Khả năng tư duy, đọc nhớ và hiểu thông tin của Tin cũng khá cao. Ngoài ra, khả năng diễn đạt ngôn ngữ rất tốt. Môn văn cũng là một môn học con đạt kết quả cao nhờ lối viết trôi chảy và nhiều cảm xúc.

- Có rất nhiều kinh nghiệm về việc giúp con đọc sách, chắc hẳn chị đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về vấn đề này?

- Đúng vậy. Gần đây Hương có tham gia “Thư viện thông minh”, một chương trình trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng do công ty Samsung Việt Nam tổ chức. Bên cạnh việc xây dựng mô hình thư viện thông minh tại các trường vùng sâu vùng xa tạo điều kiện cho trẻ có môi trường đọc tốt nhất, chương trình còn hướng đến việc khuyến đọc, giúp các bậc cha mẹ biết cách hướng dẫn con làm quen và kết bạn, yêu thích việc đọc sách. Những bí quyết giúp con đọc sách, hiểu nhu cầu và sở thích của con, cách đọc sách thông minh cùng con, Quỳnh Hương đều rút ra từ quá trình tham gia chương trình này.

Ngày 1/2, tại nhà sách Fahasha Tân Định (TP.HCM) sẽ diễn ra một buổi tọa đàm nằm trong khuôn khổ chương trình, với nhiều diễn giả thú vị và những vấn đề, chia sẻ liên quan đến việc cùng con đọc sách… Nếu các bậc cha mẹ quan tâm đến việc, hẹn gặp ở buổi tọa đàm này nhé. Các bạn có thể đăng ký tham gia buổi tọa đàm này tại đây.

Dự án “Thư viện thông minh Samsung” được khởi động từ năm 2011, xuất phát từ việc nhận thức tầm quan trọng của tri thức và công nghệ hiện đại đối với sự thành công của thế hệ trẻ. Sau 4 năm thực hiện, chương trình đã mang 50 thư viện thông minh cùng 200.000 đầu sách đến với 50.000 em học sinh tại khắp các vùng miền trên cả nước.          

Không dừng lại ở đó, Samsung mong muốn mang tinh thần khuyến đọc đến với đông đảo người dân Việt Nam để trẻ em được nuôi dưỡng thói quen đọc ngay trong môi trường gia đình. Qua đó cung cấp các thông tin hữu ích trong việc giúp cha mẹ định hướng đọc cho con ngày từ khi còn nhỏ.

Hà Mỹ Giang

Bạn có thể quan tâm