Bella Wang hầu như không chú ý đến phần trong mẫu đơn xin việc hỏi liệu cô đã kết hôn hay có con chưa. Các nhà tuyển dụng ở Trung Quốc thường xuyên hỏi phụ nữ những câu hỏi như vậy và cô từng gặp những câu hỏi này trong các cuộc phỏng vấn xin việc.
Điều bất ngờ là sau khi cô chấp nhận vị trí quản lý tại một doanh nghiệp đào tạo ngôn ngữ lớn ở thành phố Thiên Tân, cô được thông báo rằng công việc đi kèm với một điều kiện.
Một cặp đôi chụp ảnh cưới ở thành phố Trùng Khánh, phía tây nam Trung Quốc. Ảnh: New York Times. |
Đã kết hôn nhưng chưa có con, Wang sẽ phải ký một "thỏa thuận đặc biệt", cam kết không mang thai trong hai năm. Nếu phá vỡ thỏa thuận, công ty có thể sa thải cô mà không phải bồi thường.
Cô Wang cảm thấy bị xúc phạm nhưng cô vẫn ký vào thỏa thuận.
Theo New York Times, những thỏa thuận như vậy là bất hợp pháp nhưng ngày càng phổ biến ở Trung Quốc, nơi sự phân biệt đối xử với phụ nữ đang gia tăng. Từ trong bụng mẹ đến nơi làm việc, từ đấu trường chính trị đến gia đình, phụ nữ ở Trung Quốc đang mất dần vị thế.
Áp lực rời bỏ lực lượng lao động
"Khi các nhà hoạch định chính sách cần bàn tay phụ nữ, họ lôi kéo phụ nữ vào lực lượng lao động. Bây giờ họ muốn đẩy phụ nữ vào hôn nhân và sinh thật nhiều trẻ em", Wang Zheng, giáo sư nghiên cứu về phụ nữ và lịch sử tại Đại học Michigan, cho biết.
Giờ đây, các quan chức làm ngơ khi các chủ lao động, vốn miễn cưỡng trang trải các chi phí liên quan đến nghỉ thai sản, lại công khai tuyển dụng và thăng chức cho nam giới thay vì phụ nữ. Ở nhà, phụ nữ ngày càng thiệt thòi khi ly hôn và mất đi lợi ích trong sự bùng nổ kinh tế của đất nước.
Phụ nữ Trung Quốc đang bị ép buộc rời khỏi nơi làm việc bởi những chủ lao động xử phạt khi họ có con, trong khi các quan chức thúc giục họ tập trung vào cuộc sống gia đình. Đồng thời, những người cố gắng tiếp tục làm việc ngày càng kiếm được ít tiền hơn so với nam giới.
Để có được công việc, Bella Wang đã buộc phải ký một thỏa thuận hứa sẽ không mang thai trong hai năm. Ảnh: New York Times. |
Bất chấp những biến động chính trị và sự thiên vị dai dẳng, phụ nữ Trung Quốc đã gia nhập lực lượng lao động với số lượng kỷ lục, bắt đầu được hưởng các quyền lớn hơn và được tôn vinh vì những đóng góp kinh tế của họ.
Ba mươi năm trước, khi đất nước lần đầu tiên cải cách thị trường, phụ nữ Trung Quốc kiếm được chưa đầy 80% so với thu nhập của đàn ông.
Đến năm 2010, theo dữ liệu chính thức mới nhất, thu nhập trung bình của phụ nữ ở các thành phố Trung Quốc đã giảm xuống còn 67% so với nam giới và ở nông thôn là 56%.
Với sự chuyển đổi kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc, phụ nữ đang sống lâu hơn, kiếm được nhiều tiền hơn và tốt nghiệp đại học với số lượng lớn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, nam giới vẫn là những người được hưởng lợi nhiều hơn.
Theo một nghiên cứu gần đây, giới tính là một trong những yếu tố quan trọng nhất đằng sau sự bất bình đẳng thu nhập ở Trung Quốc, có lẽ còn hơn cả khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Trong thập kỷ qua, thứ hạng của Trung Quốc trong bảng xếp hạng bình đẳng giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã giảm đáng kể - từ thứ 57 trong số 139 quốc gia năm 2008 xuống 108 vào năm 2018.
Trung Quốc từng có một trong những tỷ lệ lao động nữ cao nhất thế giới, với gần 3/4 phụ nữ làm việc vào năm 1990. Bây giờ con số này giảm xuống còn 61%, theo Tổ chức Lao động Quốc tế.
"Đằng nào cũng thua"
Kể từ khi ký thỏa thuận đặc biệt hai năm trước, Wang đã rất sợ có thai. Trong những tháng đầu tiên cô đi làm, một đồng nghiệp mang thai đã bị sa thải.
Wang cũng muốn có con nhưng cô đã ký hợp đồng và không thể tố cáo chủ lao động với chính quyền. "Tôi vẫn là một phụ nữ Trung Quốc. Mặc dù chúng tôi có một số khiếu nại, chúng tôi không thể mạo hiểm đề cập đến chúng. Bởi vì dù thế nào, chúng tôi cũng thua", cô nói.
Buộc phải lựa chọn giữa sự nghiệp và gia đình, Wang chọn sự nghiệp. Nhiều phụ nữ Trung Quốc khác chọn rời bỏ công việc.
Wang Yan, 35 tuổi, một bà nội trợ ở thành phố Yên Đài, nói rằng cha mẹ trước đây "chỉ cần đảm bảo con cái không bị bỏ đói". Hiện tại, đối mặt với nền kinh tế cạnh tranh hơn, các bậc cha mẹ, thường là các bà mẹ, sẽ giám sát bài tập về nhà, dạy kèm sau giờ học và tham gia các hoạt động ngoại khóa. Họ còn phải lưu tâm tới các vụ bê bối sữa bột, nhà trẻ và tiêm chủng.
Tại nơi làm việc, các nhà quản lý rất muốn loại bỏ những phụ nữ có thể cần nghỉ thai sản. Kể từ năm 2012, Trung Quốc đã yêu cầu các công ty cung cấp ít nhất 14 tuần nghỉ có lương cho phụ nữ có con. Người cha thường nhận được hai tuần. Sự chênh lệch có nghĩa là các tin tuyển dụng thường công khai chỉ định "chỉ tuyển nam" hoặc "ưu tiên nam giới".
Một phụ nữ bế con nhỏ ở quảng trường Thiên An Môn. Ảnh: New York Times. |
Điều này là bất hợp pháp nhưng ngay cả các cơ quan chính phủ cũng làm vậy. Các nhà tuyển dụng thường xem những phụ nữ như cô Wang, đã kết hôn mà chưa có con, là canh bạc lớn nhất để tuyển dụng hoặc thăng chức. Rất nhiều phụ nữ mang thai được sắp xếp lại vào các vị trí ít quan trọng hơn hoặc bị thay thế khi trở lại làm việc.
Vì vậy, cơ hội cho phụ nữ leo lên vai trò lãnh đạo công ty đã bị đình trệ trong những năm gần đây. Chỉ có 21% các công ty Trung Quốc có phụ nữ trong vai trò quản lý hàng đầu vào năm ngoái, theo báo cáo khoảng cách giới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Nữ giới phản kháng
Bắc Kinh đã ban hành chỉ thị vào tháng hai kêu gọi thực thi pháp luật mạnh mẽ hơn chống phân biệt đối xử về giới. Nhưng nó không phải là ưu tiên hàng đầu và các tòa án không đứng về phía phụ nữ trong các vấn đề khác.
Số lượng đàn ông ở Trung Quốc nhiều hơn 31 triệu người so với phụ nữ, sự mất cân bằng gây ra bởi truyền thống trọng nam, chính sách một con và chọn lọc giới tính thai nhi. Tuy nhiên, phụ nữ Trung Quốc thường chấp nhận kết hôn với những điều khoản không thuận lợi.
Một cuộc khảo sát năm 2012 của Horizon China, một công ty nghiên cứu tại Bắc Kinh, cho thấy 70% phụ nữ đã kết hôn đóng góp tài chính cho việc mua bất động sản của gia đình nhưng chỉ có chưa đến 1/3 số nhà ở bao gồm tên phụ nữ. Điều này sẽ trở thành thảm họa cho phụ nữ trong thủ tục ly hôn.
Một cặp đôi ăn tối ở Trùng Khánh. Ảnh: New York Times. |
Hầu hết phụ nữ ở Trung Quốc có ít lựa chọn trong hôn nhân và thường chẳng còn gì sau ly hôn. Nhiều người chọn níu kéo những cuộc hôn nhân bất hạnh.
Một số phụ nữ Trung Quốc đã tổ chức các cuộc biểu tình và chiến dịch trên đường phố qua mạng xã hội để yêu cầu quyền lợi lớn hơn.
Cũng có nhiều dấu hiệu bất mãn ở phụ nữ Trung Quốc: Tỷ lệ kết hôn năm ngoái đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi ông Tập nắm quyền và tỷ lệ sinh giảm xuống mức chưa từng thấy trong lịch sử 70 năm của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Tỷ lệ ly hôn cũng tăng lên, với phụ nữ khởi xướng hầu hết trường hợp. Tại Bắc Kinh, chính quyền cho biết cứ hai cuộc hôn nhân thì lại có một vụ ly hôn vào năm 2017.
"Họ không kết hôn và sinh con nữa. Đó là cách chống đối của họ", Lü Pin, một nhà hoạt động nữ quyền nổi tiếng của Trung Quốc, nói.