Theo CNN, cứ đến ngày 14/2 hàng năm, những phụ nữ Nhật Bản đều đứng trước áp lực phải tặng chocolate cho rất nhiều người.
Đầu tiên là loại "giri choco" tức là "chocolate lịch sự" , được họ đem tặng những đồng nghiệp nam, và sau đó là "honmei choco" - "chocolate yêu thích", thường là loại chocolate đặc biệt có thể được tự làm bằng tay để dành cho người yêu hoặc chồng.
Ông Jeff Kingston, một chuyên gia Nhật Bản tại Đại học Temple ở Toyko, nhận định: "Ngày Valentine đã bị đảo lộn, trở thành một biểu tượng của sự gia trưởng trong xã hội Nhật Bản".
Năm nay, nhiều phụ nữ đã bày tỏ sự phản đối về truyền thống tốn kém này.
Khảo sát mới đây của một cửa hàng mua sắm ở Tokyo cho thấy 60% phụ nữ được hỏi cho biết họ sẽ chỉ mua chocolate cho bản thân mình. Chỉ 35% lên kế hoạch mua chocolate dành tặng các đồng nghiệp nam.
Một phụ nữ Nhật Bản chọn mua chocolate tại trung tâm mua sắm Ginza Mitsukoshi vào ngày 7/2. Ảnh: Kyodo. |
Nhật Bản bắt đầu kỷ niệm ngày Valentine vào năm 1958, sau khi công ty bánh kẹo Mary Chocolate tung ra một chiến dịch gợi ý phụ nữ hãy mua chocolate cho nam giới.
Điều này trái ngược hoàn toàn với truyền thống phương Tây khi đàn ông mới là bên mua hoa và chocolate cho phụ nữ trong ngày Valentine.
Đến năm những năm 1980, các công ty sản xuất bánh kẹo của Nhật cố gắng cân bằng lại điều này bằng cách giới thiệu ngày Valentine Trắng vào 14 tháng 3 để nam giới có thể mua chocolate cảm ơn, tặng lại những phụ nữ đã mua chocolate cho mình 1 tháng trước đó.
Tuy nhiên theo ông Kingston, phụ nữ thường xuyên phải tặng lượng chocolate nhiều hơn so với số họ được nhận lại. Hơn nữa, cuối cùng người được hưởng lợi nhiều nhất lại chính là những công ty bánh kẹo.
Theo Trung tâm Quốc tế Nagoya, một phần tư lượng chocolate bán ra hàng năm ở Nhật Bản được tiêu thụ trong ngày Valentine. Đó là con số rất lớn vì người Nhật đã chi khoảng 5,39 tỷ USD cho loại sản phẩm này trong năm 2017, nhiều hơn cả Trung Quốc và Ấn Độ.
Vào ngày 9/2, một tổ chức được gọi là Liên minh Cách mạng Những người Kém sức hút (RAUP) đã tổ chức cuộc tuần hành thường niên lần thứ 12 chống lại "chủ nghĩa tư bản lãng mạn" ở Tokyo.
Người đứng đầu nhóm, anh Takeshi Akimoto cho biết: "Chúng tôi phản đối những công ty cố tình tận dụng những sự kiện như ngày Valentine để thúc đẩy văn hóa tiêu thụ quá mức và khiến mọi người cảm thấy tội lỗi vì không có người yêu".
Cuộc tuần hành của RAUP vào năm 2018. Ảnh: Kotaku. |
Một trong những luận điểm được đưa ra bởi nhóm này là chocolate ngày Valentine ở nơi làm việc có thể khiến giá trị của một nhân viên được đo bằng số chocolate mà người này nhận được.
Mặc dù RAUP chỉ có 9 thành viên nhưng quan điểm này của họ nhận được sự chia sẻ rộng rãi trên toàn quốc. Một số công ty bắt đầu cấm nhân viên nữ tặng "giri choco" cho đồng nghiệp nam, cho rằng điều này sẽ gây ra vấn đề nếu các đồng nghiệp so sánh giá chocolate trong khi những người không nhận được bất kỳ món chocolate nào sẽ cảm thấy rất tệ.
Nhà nghiên cứu tại Đại học Sophia ở Tokyo, ông Kukhee Choo giải thích rằng: "Nếu một người đàn ông nhận được rất nhiều chocolate so với những người khác, tinh thần của mọi người sẽ giảm xuống, điều đó sẽ ảnh hưởng đến không khí làm việc của một công ty".
Vấn đề là ngày càng có nhiều người độc thân trong xã hội Nhật Bản, theo số liệu của năm 2015, 23% nam giới và 14% nữ giới tuổi 50 chưa kết hôn. Vì vậy theo Erico Mori, một cây viết chuyên về đồ ăn Nhật Bản tại Paris, điều này dẫn đến một xu hướng mới trong ngày Valentine, tặng chocolate cho bạn bè, hay còn được biết đến với tên gọi "tomo choco".
Theo chuyên gia Kukhee Choo, mặc dù xu hướng này khá tích cực vì nó không còn thể hiện một truyền thống gia trưởng, đối với các công ty sản xuất bánh kẹo thì đây chỉ đơn thuần là sự chuyển dịch trong xu hướng tiêu dùng.