Điểm đặc biệt khi người ta nhớ tới thương hiệu sách của chàng trai sinh năm 1981 này là những cuốn sách dành cho nữ giới. Với tham vọng để những người yêu sách biết tới nhiều hơn những cuốn sách về nữ giới, Minh Tuấn - Giám đốc Nhà sách Quảng Văn tổ chức Cuộc thi sáng tác văn học Đoàn Thị Điểm trong thời gian tới.
Minh Tuấn - GĐ Nhà sách Quảng Văn (áo trắng). |
- Định hướng trở thành thương hiệu tiên phong xuất bản sách dành cho nữ giới. Tại sao anh lại chọn hướng đi này khi nó sẽ bó hẹp thị trường?
- Tôi không nghĩ xuất bản ấn phẩm dành cho nữ giới sẽ tự bó hẹp thị trường. Phụ nữ là một nửa nhân loại. Năm 2009, khi tôi thành lập Quảng Văn thì thị trường xuất bản trong nước đã định hình với những tên tuổi. Lựa chọn xuất bản ấn phẩm dành cho nữ giới là hướng đi nhằm khác biệt hóa sản phẩm, tập trung vào một phân khúc thị trường cụ thể.
Ở các quốc gia có nền công nghiệp xuất bản phát triển như Anh, Mỹ, Canada, Nhật Bản… một số nhà xuất bản hướng tới độc giả nữ đều có vị trí xứng đáng. Lý do quan trọng hơn là trong lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam có những đóng góp vô cùng to lớn trên tất cả mọi lĩnh vực, nhưng do tư tưởng trọng nam khinh nữ còn phổ biến trong xã hội đã tước đoạt nhiều quyền lợi của họ. Họ chưa được bình đẳng trong việc thụ hưởng những giá trị mà giáo dục, văn hóa, kinh tế đem lại.
- Với định hướng như thế, khi chọn bản thảo xuất bản, anh dựa theo những tiêu chí nào?
- Ngay từ khi mới thành lập chúng tôi đã có kế hoạch xây dựng bốn tủ sách chính: văn học nước ngoài; văn học Việt; người mẹ tốt và Phụ nữ thế kỷ 21.
Mỗi một tủ sách có tiêu chí riêng. Sách văn học trong và ngoài nước chúng tôi tập trung xuất bản những tiểu thuyết lãng mạn, tiểu thuyết về đề tài hôn nhân gia đình có yếu tố giải trí, hướng con người tới những giá trị chân - thiện - mỹ. Tủ sách người mẹ tốt thì cung cấp những cuốn sách giáo dục con cái dành cho cha mẹ với các tiêu chí: ngắn gọn, dễ hiểu và dễ áp dụng. Sách phụ nữ thế kỷ 21 là những câu chuyện về những phụ nữ giàu nghị lực, đam mê, nhiều mơ ước và có nhiều cống hiến cho xã hội. Chúng tôi mong muốn, phụ nữ hãy đọc sách nhiều hơn nữa để họ thay đổi tương lai cho chính mình, cho con cái và cho cộng đồng.
Ảnh bìa một số cuốn sách thu hút độc giả của Quảng Văn. |
- Ấp ủ cuộc thi sáng tác văn học Đoàn Thị Điểm. Tại sao Quảng Văn lại quyết định tổ chức một giải thưởng văn học cho các tác giả trong nước giữa lúc nhiều nhà xuất bản, công ty sách gặp khó khăn?
- Đúng là đầu tư vào văn học Việt như hiện nay không đem lại lợi nhuận cao như văn học dịch. Tuy nhiên, nếu chúng ta không đầu tư phát triển đội ngũ tác giả trong nước thì ngành xuất bản Việt khó có thể phát triển và hòa nhập nhanh với xuất bản quốc tế.
Tôi tin, nếu chúng ta bồi dưỡng được đội ngũ tác giả Việt tiềm năng, đội ngũ dịch giả giỏi, tâm huyết với nghề, các trung tâm môi giới bản quyền chuyên nghiệp thì chắc chắn trong một tương lai gần chúng ta có thể bán được nhiều bản quyền sách Việt ra nước ngoài chứ không chỉ dừng lại ở một vài tác giả như hiện nay. Đầu tư vào văn học Việt cần thời gian để đơm hoa kết trái.
- Hiện nay, theo chúng tôi biết, doanh thu sách điện tử ở Việt Nam khá khiêm tốn, anh làm cách nào để tăng doanh thu từ sách điện tử và phân phối sách điện tử trên toàn cầu?
- Để tăng doanh thu sách điện tử chúng tôi cùng các đối tác đầu tư nhiều vào marketing, mở rộng hệ thống phân phối trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các tác giả không nên hy vọng nhiều vào doanh thu từ sách điện tử. Lợi ích của việc xuất bản điện tử là tác phẩm dễ dàng được độc giả biết đến với chi phí thấp. Tôi nghĩ, đối với tác giả trẻ mới xuất bản tác phẩm đầu tay thì xuất bản điện tử sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn.
Khi thị trường sách điện tử mới bắt đầu manh nha ở Việt Nam thì Quảng Văn đã tham gia và dành ngân sách đầu tư phù hợp. Hiện tại chúng tôi có hàng chục đối tác trong nước và một số đối tác ở các quốc gia có nền xuất bản điện tử phát triển. Chúng tôi rất sẵn sàng giúp các tác giả phân phối sách điện tử trên toàn cầu. Còn phân phối như thế nào thì cho phép chúng tôi giữ bí mật.
- Câu chuyện xuất khẩu văn học ra nước ngoài đã được bàn đến nhiều lần nhưng kết quả còn rất hạn chế. Làm thế nào để anh có thể hỗ trợ tác giả giới thiệu, môi giới bản quyền ra nước ngoài?
- Tôi không nghĩ việc giới thiệu, môi giới để bán bản quyền ra nước ngoài là quá khó khăn. Vấn đề là chúng ta có gì để bán. Quan trọng là chúng ta phải bồi dưỡng được một thế hệ tác giả tiềm năng và tài năng. Sau đó chúng ta phải có những khảo sát cụ thể về thị hiếu đọc, về nhu cầu đề tài của họ.
Về phía Quảng Văn, chúng tôi sẽ hỗ trợ tác giả dịch tóm tắt tác phẩm bằng tiếng Anh, dịch 1-2 chương đặc sắc nhất, gửi catalogue cho các trung tâm bản quyền, tham dự một số hội chợ sách quốc tế trọng điểm để giới thiệu tác phẩm.