Sáng 27/8, dư luận phẫn nộ vì clip dài hơn 2 phút ghi lại cảnh chị Vũ Thị Thu L. (27 tuổi, đang công tác tại một cơ quan báo chí ở Hà Nội) bế con nhỏ liên tục bị chồng là "võ sư" Nguyễn Xuân Vinh đấm đá, ném sỏi vào người. Sau đó, anh trai của chị L. đã làm đơn tố cáo lên Công an phường Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội). Người nhà cho biết đây không phải lần đầu chị L. bị chồng bạo hành.
Cùng ngày, Công an huyện Tánh Linh (Bình Thuận) quyết định trưng cầu giám định thương tích đối với chị Lâm Thị M. (31 tuổi, ngụ tại An Giang), người phụ nữ đang mang thai khoảng 26 tuần. Trước đó, chị M. từng bị người chồng hờ tên An đánh gãy tay, vỡ nền sọ. Mới nhập viện 2 ngày, An bắt M. xuất viện về nhà nấu cơm phục vụ và tiếp tục đánh đập cho đến khi người dân xung quanh phát hiện, đưa chị M. trở lại viện.
Trong hai vụ việc trên, những người phụ nữ đều bị chồng đánh đập nhiều lần rồi mới được trình báo công an. Lý giải nguyên nhân im lặng của hai nạn nhân sau những lần bị bạo hành trước, nhiều phụ nữ bày tỏ sự thấu cảm.
Đằng sau mỗi người mẹ là con nhỏ
"Quá dã man" là điều đầu tiên bà Lê Phương Anh (51 tuổi, Hà Nội) thốt lên khi đọc tin tức về hai vụ bạo hành gia đình tại Hà Nội và Bình Thuận. Bà cho rằng hành vi bạo lực của người chồng trong cả hai trường hợp đều xuất phát từ một mâu thuẫn quá nhỏ với vợ.
Thế nhưng, khi được hỏi về việc có kiên quyết chia tay người chồng nếu là nạn nhân trong hai trường hợp trên, bà Anh lại băn khoăn: "Cũng khó đấy".
Ngập ngừng một lúc, người phụ nữ 51 tuổi giải thích thêm: "Vì đằng sau mình là con nhỏ, là gia đình nội, ngoại. Việc quyết định dứt áo ra đi không phải dễ dàng".
Lý giải nguyên nhân một số phụ nữ chấp nhận chịu đựng người chồng bạo lực, bà Anh cho rằng có 4 lý do chính. Một là tâm lý sợ xấu hổ với hàng xóm, gia đình. Hai là do người chồng sau khi có hành vi bạo lực lại "lấp liếm" bằng cử chỉ âu yếm khiến vợ mủi lòng bỏ qua. Ba là người vợ còn phụ thuộc về kinh tế, chưa tự chủ tài chính. Bốn là mong muốn con cái được hưởng tình cảm trọn vẹn từ cả cha lẫn mẹ.
Hình ảnh cắt từ clip cho thấy người chồng đánh đập vợ dã man dù vợ bế con nhỏ mới 2 tháng và liên tục bị ngã. |
Đồng ý với nhận định của bà Phương Anh, một người mẹ 26 tuổi tại Nam Định cũng cho rằng lý do chính để nhiều người mẹ chấp nhận chịu đựng là con cái. Thế nhưng, người này cho rằng, những đứa trẻ cũng là đối tượng chịu tác động tiêu cực và lâu dài từ bạo lực gia đình.
"Đứa con chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau, đánh nhau sẽ ghi nhớ đến tận khi trưởng thành. Đến giờ, mình vẫn nhớ những kỷ niệm buồn lúc 3-4 tuổi. Đứa trẻ sau này lớn lên cũng vậy", người mẹ trẻ cho biết.
Trẻ em mới là nạn nhân lâu dài
Nhiều lần đứng trước các phiên tòa, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) phải lau nước mắt khi chứng kiến trường hợp đứa trẻ chưa đủ 16 tuổi đứng trước vành móng ngựa do đâm chết người.
"Người giám hộ là mẹ bị cáo đứng lên kể rằng 'nó đánh người ta y chang ngày xưa ba nó đánh tôi hồi nó còn nhỏ'. Nghe người mẹ mà cả phiên tòa không ai nói nên lời. Thế mới biết hậu quả của bạo lực gia đình ảnh hưởng đến con cái tận khi trưởng thành", luật sư Nữ kể lại.
Hình ảnh cắt từ clip cho thấy cảnh chị L. bế con 2 tháng tuổi bị chồng đánh ngã dúi dụi xuống nền nhà. |
Nghiên cứu Quốc gia về Bạo lực Gia đình đối với Phụ nữ tại Việt Nam do Tổng cục Thống kê và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam công bố vào năm 2010 cho thấy con cái của các nạn nhân bạo lực giới phải gánh chịu các hậu quả tiêu cực về sức khỏe và tinh thần.
Hơn 25% phụ nữ từng bị chồng bạo lực cho biết con cái họ thường xuyên gặp ác mộng và rất rụt rè hoặc dễ bị kích động so với gần 15% phụ nữ không bị chồng bạo lực. Trẻ em phải chứng kiến hay bị bạo hành tại gia đình có nguy cơ cao hơn sẽ tiếp tục bị bạo hành hoặc gây ra bạo hành khi lớn lên.
Quyền bất khả xâm phạm về thân thể
“Thế mày hỏi ý kiến tao chưa? Mày không cho tao xem à?”. Đó là lời quát mắng của võ sư Nguyễn Xuân Vinh với vợ khi chị L. tháo tivi ở phòng khách mang vào cho con trai xem.
Phân tích tình huống trên, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA), nhận định lời nói của võ sư Vinh là biểu hiện rõ ràng của khuôn mẫu giới ở người chồng, cụ thể là, làm vợ thì chuyển tivi cũng phải hỏi xin ý kiến chồng.
Theo bà Vân Anh, khuôn mẫu giới ở cả nam và nữ là nguyên nhân chính của hầu hết các vụ bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng.
“Xã hội vẫn tồn tại khuôn mẫu giới cho rằng người chồng đánh vợ là bình thường và người vợ phải chịu nhịn thì tình trạng này sẽ còn tiếp tục, không chỉ dừng lại ở vụ việc võ sư đánh vợ”, nữ chuyên gia nhận xét.
Chị L. được đưa vào bệnh viện kiểm tra sức khỏe sau khi bị chồng đánh liên tiếp. Ảnh gia đình cung cấp. |
Cùng quan điểm trên, ThS Nguyễn Phương Chi, người có kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực giới và phát triển, cho rằng vẫn tồn tại khuôn mẫu giới ở cả đàn ông và phụ nữ cho rằng người chồng có quyền lực hơn trong gia đình và được phép có hành vi gia trưởng.
“Các khuôn mẫu này từng xuất hiện trên phim ảnh, mạng xã hội. Trong đó, hình ảnh nam giới thường được thể hiện là người có quyền lực lớn nhất và phụ nữ thường có vai trò chăm sóc chồng, luôn nghe theo ý kiến nửa kia”, bà Chi nhận định.
Bà Chi cho rằng khả năng tự chủ tài chính, nỗi lo sợ mất thể diện hay lo lắng cho con cái cũng là những nguyên nhân dẫn đến tồn tại tình trạng bạo lực giới. Nhưng điều cốt lõi là phụ nữ cần có kiến thức về giới và quyền của mình để có khả năng độc lập bảo vệ bản thân trước tình huống bạo lực có thể xảy ra.
"Phụ nữ cần tự nhận thức rằng mình có quyền bất khả xâm phạm đối với cơ thể, không ai được phép gây tổn thương, bao gồm cả người chồng", bà Chi đưa lời khuyên.
Vòng xoáy bạo lực giới
Vòng xoáy bạo lực giới. Nguồn: UN Việt Nam. |
Vòng xoáy bạo lực giới thể hiện cách thức mà bạo lực giới (BLG) bị tạo ra và duy trì bởi các chuẩn mực, thái độ và hành vi bất bình đẳng liên quan đến vai trò giới, cấu trúc và trách nhiệm gia đình, sự phát triển và áp dụng luật pháp không bình đẳng, dẫn đến hệ quả là bạo lực bị bình thường hóa, thậm chí là tồn tại vĩnh viễn.
Theo nghiên cứu đa quốc gia của Liên Hợp Quốc về nam giới và bạo lực tại Châu Á - Thái Bình Dương (2013) với sự tham gia của 10.000 nam giới cho thấy trải nghiệm bạo lực thời thơ ấu có liên quan đến hành vi bạo lực nói chung, gồm cả việc tham gia vào các băng nhóm tội phạm và ẩu đả có sử dụng vũ khí, đến việc gây bạo lực tình dục đối với người không phải bạn tình, bạo lực với bạn tình và mua dâm.