Ở tuổi 30, Hawa là mẹ của 4 đứa con nhỏ tại quận Dasht-e-Barchi, thủ đô Kabul. Chồng cô mất từ vài năm trước. Gia đình 5 người của Hawa phải vật lộn chạy ăn từng ngày. Để vượt qua thảm cảnh hiện nay, Hawa phải rao bán con gái nhỏ nhất trên mạng xã hội với giá 1.100 USD.
"Tôi thấy TV đưa tin việc người ta đang bán con mình đi. Suốt tuần vừa rồi nhà tôi không có thức ăn, cũng chẳng còn tiền. Đấy là lý do tôi quyết định bán con gái mình", Hawa nói với Nikkei Asia.
Bán thân nuôi gia đình
Nhiều năm qua, Afghanistan lệ thuộc nặng nề vào viện trợ nước ngoài. Nhưng kể từ khi Mỹ rút đi và Taliban tiếp quản đất nước, nền kinh tế Afghanistan rơi tự do thẳng vào khủng hoảng.
Những chính sách tàn bạo trong quá khứ của Taliban khiến chính quyền này hiện không được phép tiếp cận các khoản cứu trợ nhân đạo hay viện trợ khác để có thể giúp nền kinh tế Afghanistan tồn tại.
Ramiz Alakbarov, phó trưởng phái đoàn viện trợ của Liên Hợp Quốc tại Afghanistan, cảnh báo 95% người dân bị đói, con số này đang tiếp tục tăng lên. Nếu gia đình không có trụ cột là nam giới, gần như 100% rơi vào cảnh thiếu ăn.
Văn phòng điều phối cứu trợ nhân đạo Liên Hợp Quốc cho hay 24,4 triệu người Afghanistan, tương đương 55% dân số, cần cứu trợ nhân đạo khẩn cấp.
Zeba là một góa phụ ở Kabul. Dưới chính quyền cũ, cô từng làm giáo viên. Từ sau khi Taliban trở lại nắm quyền, Zeba mất việc và phải làm gái mại dâm để kiếm tiền nuôi 6 miệng ăn trong gia đình.
"Chẳng ai thích thú công việc này. Chúng tôi đã chậm 3 tháng tiền nhà. Chủ nhà trọ dọa nếu không trả tiền, ông ấy sẽ tống cổ chúng tôi đi. Các con tôi đã không được ăn suốt vài ngày qua. Bọn trẻ đôi khi cần giày và sách mới", Zeba nói.
Nạn đói ngày càng trầm trọng ở Afghanistan. Ảnh: AP. |
Luật pháp Afghanistan cấm hoạt động mại dâm. Gái mại dâm sẽ đối mặt án phạt nghiêm khắc của pháp luật, đó là chưa kể những hình thức trừng phạt tàn bạo khác của Taliban.
Nhưng bất chấp luật pháp cấm đoán, hoạt động mại dâm vẫn âm thầm tồn tại. Những người nghèo khổ nhất, cuộc sống tan nát vì chiến tranh và đói nghèo, chấp nhận làm tất cả những gì có thể để sống sót.
Zeba nói chỉ riêng việc tìm được khách hàng cũng rất nguy hiểm. Mỗi tháng, cô chỉ kiếm được khoảng 11 USD.
"Mỗi khi họ đụng chạm, tôi cảm thấy rất ghê tởm. Tôi chỉ ước là nếu bắt buộc phải làm cái nghề này, ít nhất tôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn", Zeba cho biết.
Người phụ nữ phải giấu cả gia đình công việc hiện nay của mình.
"Tôi không dám nói với ai, kể cả các con. Tôi kể với chúng là kiếm tiền nhờ đi ăn xin. Nếu các anh trai tôi biết, họ sẽ giết tôi mất", Zeba nói.
Zeba quê ở tỉnh Badakhshan, tây bắc Afghanistan. Người phụ nữ có 3 chị em gái và 5 anh em trai. Một trong số các anh trai của Zeba là thành viên Taliban. Người này làm việc trong sở cảnh sát Badakhstan. Nhưng giống với nhiều nhân viên chính quyền khác, anh trai Zeba đã không được trả lương suốt nhiều tháng.
"Họ thường bảo gia đình tôi chuyển về sống cùng. Nhưng khi nhìn vào hoàn cảnh kinh tế, tôi không nỡ đặt tất cả gánh nặng lên vai họ", Zeba nói.
Sai lầm của Taliban
Đến nay, Taliban vẫn chưa được cộng đồng quốc tế công nhận là chính quyền hợp pháp đại diện Afghanistan, chủ yếu bởi tư tưởng cực đoan và các chính sách xâm phạm quyền của phụ nữ và trẻ em.
Các nhà tài trợ quốc tế gặp nhiều khó khăn khi đưa hàng viện trợ tới thường dân Afghanistan, từ thiếu nhân lực tại bản địa cho tới thiếu nguồn cung tài chính.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) ước tính cần 340 triệu USD hỗ trợ hoạt động tại Afghanistan, nhưng cơ quan này hiện chỉ có khoảng 97 triệu USD.
Khi được hỏi về kế hoạch phục hồi nền kinh tế, Abdul Qahar Balkhi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao chính quyền Taliban, nói rằng đang có một chiến lược tập trung "phục hồi khu vực kinh tế tư nhân và nông nghiệp trong ngắn hạn, với tầm nhìn dài hạn hướng đến đầu tư và kết nối khu vực".
Những ý tưởng vĩ mô như vậy vượt xa khỏi ưu tiên và nhu cầu cấp thiết mỗi ngày của những người phụ nữ như Zeba và Hawa. Dân nghèo ở Afghanistan không còn đủ thời gian chờ đợi những chuyến hàng tiếp tế, chứ đừng nói tới kế hoạch kinh tế vĩ đại của Taliban đơm hóa kết trái.
Nỗi lo thường nhật của họ là thất nghiệp, giá hàng hóa cơ bản leo thang, khiến nhiều người phải dùng tới những cách thức tiêu cực nhất để tồn tại.
Hawa và hai con gái tại tư gia ở Kabul. Ảnh: Nikkei Asia. |
Trước khi lâm vào cảnh khốn cùng như hiện nay, Hawa từng là người giúp việc gia đình, có thu nhập ổn định.
"Nhưng sau khi Taliban đến, gia đình chủ nhà chạy trốn khỏi Afghanistan, vì thế tôi mất việc. Hiện giờ, Taliban không cho phụ nữ ra ngoài mà không có người thân là nam giới đi cùng. Thế nên tôi không có việc làm, không có thu nhập", Hawa nói.
Con trai 10 tuổi của Hawa mỗi ngày đều làm việc trên phố, nhưng đứa trẻ chỉ kiếm được 0,1-0,2 USD mỗi ngày, không đủ để mua bất cứ thứ gì.
Sau khi vấp phải sự phản đối trên mạng, bài đăng bán con gái của Hawa đã bị xóa. Nhưng trong thời gian ngắn ngủi tồn tại, bài đăng ấy thu hút sự chú ý của một nhiếp ảnh gia Iran có tên Nava Jamshedi. Người này sau đó ra tay trợ giúp gia đình Hawa.
"Một người bạn kể với tôi về gia đình này muốn bán con. Tôi quyết định giúp họ mua đồ ăn, cho họ tiền. Tôi cũng dự định mua máy móc, giúp Hawa khởi nghiệp, cô ấy có thể làm bánh mỳ ở nhà và bán cho hàng xóm", Jamshedi cho biết.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, chính quyền mới tại Taliban đã khiến sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động giảm 16% tính đến quý III/2021. Con số này vào giữa năm 2022 có thể tăng lên đến 28%.
"Phụ nữ bị loại khỏi lực lượng lao động đồng nghĩa suy giảm nguồn cung ứng nhân công, hệ lụy là giá cả hàng hóa tăng cao, sụt giảm sản phẩm lao động. Và dĩ nhiên, khó khăn sẽ đổ lên đầu những người phụ nữ không được phép đi làm", Shah Mehrabi, giáo sư kinh tế học Đại học Montgomery, nhận định.
Mùa thu năm ngoái, sau khi chồng qua đời, Zeba vay mượn tiền của người thân mở một cửa hàng ở Kabul bán bánh boulani, một loại đồ ăn đường phố phổ biến tại Afghanistan. Ban đầu, công việc kinh doanh ổn định. Thế rồi Taliban trở lại.
"Khi giá thực phẩm tăng nhanh chóng mặt, Taliban vẫn niêm yết giá boulani cố định ở 0,1 USD. Tôi không đủ khả năng duy trì hoạt động của cửa hàng", Zeba nói.