Bản sửa đổi gần đây về luật nhập cư mở ra một cánh cửa mới cho khoảng 345.000 lao động nhập cư vào Nhật Bản trong 5 năm tới. Tuy nhiên, Thủ tướng Shinzo Abe đã nhiều lần nói rằng hệ thống thị thực mới không cấu thành chính sách nhập cư.
“Hệ thống này là cần thiết để nhân sự người nước ngoài tài năng đóng vai trò lớn hơn ở Nhật Bản trong bối cảnh thiếu hụt lao động toàn quốc”, ông Abe nói về đạo luật sửa đổi tại cuộc họp báo ngày 10/12.
“Chúng tôi sẽ đề ra giới hạn rõ ràng về số lượng và thời gian tiếp nhận. Đây không phải là chính sách nhập cư”, ông khẳng định.
Các chuyên gia cho biết sự phủ nhận của ông Abe không chỉ cho thấy thái độ của chính quyền đối với vấn đề nhập cư mà còn thể hiện một thực tế mâu thuẫn. Dù phủ nhận sự tồn tại của di dân nhưng Nhật Bản đã nhận hàng trăm nghìn người nhập cư và tỷ lệ cư dân nước ngoài dài hạn dự kiến sẽ tiếp tục tăng.
Âm hưởng của Đức
Akihiro Koido, giáo sư xã hội học nghiên cứu về chính sách nhập cư tại Đại học Hitotsubashi ở Tokyo, cho biết luật này đích thị là một chính sách nhập cư bất kể sự chối bỏ của ông Abe.
Thực tập sinh người Việt được công nhân người Nhật hướng dẫn tại một nhà máy ở Funabashi, tỉnh Chiba, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo. |
Ông Koido so sánh tình trạng chính sách nhập cư hiện tại ở Nhật Bản với các "gastarbeiter" ở Đức, những "thợ khách" được tiếp nhận vào thập niên 1950 để thúc đẩy nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá. Khi Đức ký kết hiệp ước lao động với các nước láng giềng, tiền đề là họ sẽ chỉ tiếp nhận lao động nhập cư tạm thời.
“Khi đó, Đức phủ nhận các thợ khách đó là người nhập cư. Tuy nhiên trên thực tế, Đức đã phải thay đổi cách giải thích về người nhập cư sau khi chấp nhận nhiều người trong số họ”, ông Koido nói với Japan Times.
Vị chuyên gia giải thích rằng khi Đức tuyên bố sẽ chấm dứt hệ thống vào những năm 1970, nhiều người lo ngại họ sẽ không thể nhập cảnh một lần nữa. Điều này đã khuyến khích họ ở lại và lập gia đình, thúc đẩy sự phát triển của những người định cư dài hạn.
Trước đó, dân số nước ngoài ở Đức đã tăng từ 686.000 vào năm 1961 lên 1,8 triệu vào năm 1967, theo Viện Chính sách và Đào tạo Lao động Nhật Bản.
Cuối cùng, Đức đã ban hành một đạo luật vào năm 2005 tập trung vào cư trú dài hạn và hội nhập, giảm các loại cư trú xuống còn hai và ghi rõ người nộp đơn phải học ngôn ngữ và văn hóa Đức như một phần quan trọng của quy trình. Luật năm 2005 được coi là có ý nghĩa lớn khi tuyên bố Đức là “quốc gia của những người nhập cư”, nửa thế kỷ sau khi đưa ra chính sách "gastarbeiter".
Những năm 1960, các công nhân Thổ Nhĩ Kỳ đến Đức để đáp ứng nhu cầu lao động giá rẻ trong nền kinh tế hậu chiến đang bùng nổ. Nhiều người trong số họ không bao giờ rời đi, tạo ra một cộng đồng thiểu số làm thay đổi vĩnh viễn nhân khẩu học của Đức. Ảnh: DPA. |
Theo ông Koido, Nhật Bản đang lặp lại bước đi ban đầu của Đức khi phủ nhận các thợ khách là những người nhập cư thay vì điều chỉnh chính sách cho hiện đại, tiến bộ và hiệu quả hơn.
Trong các cuộc thảo luận trước quốc hội, ông Abe khăng khăng rằng việc sửa đổi luật sẽ không mở ra cơ hội cho những người nhập cư định cư ở Nhật Bản vĩnh viễn.
Tuy nhiên, luật nhập cư sửa đổi sẽ giới thiệu hai loại thị thực làm việc mới, một loại có giá trị đến 5 năm và loại còn lại có thể gia hạn vô thời hạn với hợp đồng lao động hợp pháp.
Những người trong loại đầu tiên không thể mang theo gia đình của họ. Những người trong loại thứ hai, mà chính phủ mô tả là dành cho những người có kỹ năng cao hơn, có thể mang theo thân nhân.
Chính sách không rõ ràng
“Chúng tôi không nghĩ đến việc áp dụng chính sách chấp nhận số lượng người nước ngoài nhất định với những người phụ thuộc của họ vô thời hạn để duy trì dân số của đất nước”, ông Abe nói năm ngoái.
Các nhà phân tích chính trị nói rằng việc ông Abe liên tục phủ nhận là một nỗ lực nhằm xoa dịu bộ phận đảng viên bảo thủ hoài nghi về vấn đề nhập cư mặc dù lập trường đó đi ngược với cộng đồng doanh nghiệp, những người đang rất cần chính sách này.
Ông Koido cho biết chính phủ, ngay cả trước chính quyền hiện tại, đều không muốn thừa nhận Nhật Bản đang tiếp đón người nhập cư. Ông chỉ ra việc cải cách nhập cư những năm 1990 đã mở rộng thị thực cho những người tìm kiếm việc làm và giúp người nước ngoài, đặc biệt là những người gốc Nhật, đến Nhật Bản làm việc dễ dàng hơn.
Chính phủ tại thời điểm đó cũng phủ nhận chính sách cải cách là chính sách nhập cư. “Chính phủ Nhật Bản chưa từng xác định rõ ràng chính sách nhập cư, nhưng điều đó không có nghĩa là đất nước không có người nhập cư vào những năm 90”, ông Koido nói.
“Kiểu lập luận những cư trú dài hạn không phải người nhập cư rất vô lý. Mặc dù Nhật Bản không mặc nhiên trở thành quốc gia của những người nhập cư, chính sách nhập cư thực chất đã tồn tại vào khoảng thời gian đó”, ông nhận định.
Thực tập sinh Việt Nam làm việc tại một công trường ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Ông nói thêm rằng việc chính phủ không chịu thừa nhận người nhập cư đã đẩy áp lực phát triển các chính sách hội nhập sang các địa phương.
Ông Yasutomo Suzuki, thị trưởng thành phố Hamamatsu thuộc tỉnh Shizuoka, nơi có khoảng 20.000 cư dân nước ngoài sinh sống, nhấn mạnh rằng các thành phố đã chủ động tìm cách tiếp nhận người nhập cư. Ông Suzuki cho rằng cuộc tranh luận tại quốc hội Nhật Bản về việc sử dụng thuật ngữ này là xa rời thực tế.
Dữ liệu của Bộ Tư pháp Nhật Bản cho thấy 29% trong tổng số 2,56 triệu người nước ngoài cư trú tại Nhật có tư cách pháp nhân. Khoảng 749.000 người là thường trú nhân vào cuối năm 2017. Năm 1997, chỉ có khoảng 82.000 trong số khoảng 1,48 triệu người là thường trú nhân.