Nghề săn cá voi Nhật trước nguy cơ biến mất và cả chỉ trích quốc tế
Thứ ba, 1/1/2019 19:45 (GMT+7)
19:45 1/1/2019
Dù việc săn bắt cá voi từng được coi là một phần của văn hóa ẩm thực Nhật Bản nhưng ngành này khó tiếp tục tồn tại ngay cả khi hoạt động đánh bắt cá voi thương mại được nối lại.
Nhật Bản vừa quyết định rút khỏi Ủy ban Cá voi Quốc tế (IWC) và tiếp tục săn bắt cá voi ở vùng ven bờ. IWC được thành lập năm 1946 với 89 thành viên nhằm bảo tồn cá voi và quản lý việc săn bắt cá voi trên khắp thế giới. Ủy ban đã cấm đánh bắt cá voi thương mại vào năm 1986. Trong ảnh, một con cá voi minke được kéo lên bờ tại cảng Kushiro ở Hokkaido năm 2016. Ảnh: Kyodo.
Dù Nhật Bản là thị trường chính tiêu thụ cá voi nhưng sức tiêu thụ ở nước này cũng hạn chế ở khoảng 28 g/người/năm, tương đương khoảng 4.000 đến 5.000 tấn, theo báo cáo của Viện Phúc lợi Động vật. Ảnh: Kyodo.
Xác cá voi minke trên một tàu săn cá voi Nhật Bản ở Nam Đại Dương năm 2014. Sự rút lui của Nhật Bản được đánh giá là một động thái chính trị nhằm gửi thông điệp rằng nước này có thể sử dụng các đại dương theo ý muốn. Ảnh: AP.
Các thủy thủ kiểm tra cây lao để đâm cá voi trước khi khởi hành ở cảng Ayukawa, thành phố Ishinomaki, Miyagi, Nhật Bản, năm 2014. Trong nhiều thập kỷ, Nhật Bản đã ráo riết theo đuổi một chiến dịch săn bắt cá voi được tài trợ tốt để chống lại lệnh cấm đánh bắt cá voi toàn cầu. Ảnh: AFP/Getty.
Nhật Bản tiến hành cuộc săn cá voi hàng năm ở Nam Đại Dương dưới danh nghĩa nghiên cứu khoa học bất chấp sự lên án của quốc tế. Săn bắt cá voi cho các mục đích khoa học được miễn trừ khỏi lệnh cấm. Nhật Bản từ lâu đã bị cáo buộc sử dụng sự miễn trừ như vỏ bọc khi cung cấp một số bộ phận cho các nhà nghiên cứu và bán phần thịt cá voi còn lại cho thị trường tiêu thụ. Ảnh: GreenPeace.
Một con cá voi bị kéo lên tàu Nhật Bản sau khi bị đánh bắt ở vùng biển Nam Cực năm 2008. Nhật Bản đã giết tới 300 con cá voi ở Nam Cực trong năm 2016, trong đó có hơn 200 con cá voi cái đang mang thai. Trong cuộc bỏ phiếu vào mùa hè tại cuộc họp thường niên của ủy ban, đề xuất của Nhật Bản về việc cho phép đánh bắt cá voi thương mại đã bị từ chối. Ảnh: AFP/Getty.
Khi rút khỏi ủy ban, Nhật Bản không còn có thể tận dụng sự miễn trừ của IWC đối với việc săn bắt cá voi khoa học ở vùng biển quốc tế và do đó sẽ phải ngừng việc săn bắt cá voi ở vùng biển sâu. Tuy nhiên, Nhật Bản có thể tiếp tục săn bắt cá voi tại nước mình mà không bị giám sát. Ảnh: Kyodo.
Tàu săn cá voi Nhật Bản Nisshin Maru neo đậu tại Shimonoseki, miền Tây Nhật Bản, năm 2017. Nhật Bản không chịu hậu quả trực tiếp từ việc rút khỏi ủy ban nhưng các quốc gia khác có thể áp dụng biện pháp trừng phạt như không cho phép Nhật Bản đánh cá trong vùng biển của họ. Điều đó cũng có nghĩa là Nhật Bản sẽ không còn là một phần trong cuộc đối thoại quốc tế về đánh bắt cá voi. Ảnh: AP.
Một con cá voi mõm khoằm Baird ở cảng cá Wada, phía đông nam Tokyo, năm 2009. Theo Japan Times, những nỗ lực của Nhật Bản trong 30 năm qua để tiếp tục săn bắt cá voi thương mại đối với các loài tương đối phong phú như cá voi minke đã bị các quốc gia như Australia và New Zealand cản trở. Ảnh: AP.
Các công nhân xẻ thịt một con cá voi mõm khoằm Baird đánh bắt được ngoài khơi bờ biển Wada, phía đông nam Tokyo. Cộng đồng ven biển có truyền thống săn bắt cá voi tại Nhật Bản đã hoanh nghênh quyết định rút khỏi IWC của chính phủ. Tuy nhiên, theo Telegraph, khi việc săn bắt cá voi thương mại quay trở lại, ngành công nghiệp này sẽ phải vật lộn để tồn tại vì không còn được chính phủ tài trợ. Ảnh: AP.
Các công nhân mang theo những thùng chứa đầy thịt cá voi được xẻ từ con cá voi mõm khoằm Baird tại cảng Wada ở Minamiboso, Chiba, Nhật Bản, năm 2009. Các quan chức nói rằng nhu cầu tiêu thụ thịt cá voi hiện tại ở Nhật Bản rất hạn chế. Số lượng thịt cá voi được tiêu thụ đã giảm từ 233.000 tấn vào năm 1962 xuống còn khoảng 3.000 tấn trong những năm gần đây. Ngành công nghiệp này giờ chỉ còn tồn tại nhờ trợ cấp lớn từ chính phủ. Ảnh: Getty.
Sushi cá voi làm từ thịt cá voi thái lát, mỡ cá voi và cơm nắm tại một cửa hàng sushi ở thị trấn cá voi Ayukawahama, tỉnh Miyagi, Nhật Bản. Do người tiêu dùng không còn hứng thú với thịt cá voi nên phần lớn số lượng cá voi đánh bắt hàng năm được phục vụ trong các bữa ăn trưa ở trường học trong cộng đồng săn bắt cá voi. Phần lớn còn lại làm thức ăn cho thú cưng. Hàng nghìn tấn cá voi từ các cuộc săn bắt những năm trước vẫn còn trong kho lạnh. Ảnh: AFP/Getty.
Trong bài phát biểu cuối cùng nhân dịp sinh nhật trước khi thoái vị, Nhật hoàng Akihito cho biết ông cảm thấy nhẹ nhõm vì triều đại của mình sắp kết thúc trong hòa bình.
Tokyo cho biết đã xác định được các vụ tấn công thực hiện bởi nhóm tin tặc APT10 được cho là xuất phát từ Trung Quốc, yêu cầu Bắc Kinh hành động "có trách nhiệm" trước vụ việc.
Bất chấp tình trạng thiếu lao động trầm trọng, nhiều người Nhật phản đối đạo luật mới nhằm đưa nhiều lao động nước ngoài vào nước này do lo sợ tương lai bất ổn.