Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phu nhân của anh hùng Nguyễn Thái Học tuẫn tiết theo chồng

Bà đến đứng dưới gốc cây cách làng Thổ Tang không xa, tự kết liễu đời mình bằng khẩu súng lục mà đức phu quân Nguyễn Thái Học tặng.

Ngày 17/6/1930 tại Yên Bái, thực dân Pháp xử chém Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí của ông. Trước khi lên đoạn đầu đài, thực dân Pháp đã rót cho mỗi người một ly rượu mạnh để uống cho bớt sợ, nhưng các ly rượu ấy vẫn còn nguyên. Các anh hùng, liệt sĩ bước lên máy chém đều hô vang “Việt Nam vạn tuế”. Đặc biệt, Nguyễn Thái Học đã yêu cầu phải chém ông cuối cùng để ông được tiễn các đồng chí của mình.

Trước khi thụ án ông có đọc trích đoạn một bài thơ:

Mourir pour sa patrie, C’est le sort le plus beau Le plus digne... d’envie.

Bản dịch:

Chết vì Tổ quốc, Cái chết vinh quang. Lòng ta sung sướng, Trí ta nhẹ nhàng.

Nếu Nguyễn Thái Học anh hùng thì một đồng chí của ông cũng bị thực dân Pháp chém đầu hôm ấy là Phó Đức Chính cũng anh hùng không kém. Phó Đức Chính năm ấy là một thanh niên trí thức 23 tuổi.

Ông đã yêu cầu người Pháp nếu Nguyễn Thái Học là người cuối cùng bước lên đoạn đầu đài thì ông là người thứ 12 bởi ông muốn tiễn các đồng chí đi trước. Trước khi lên máy chém, có giai thoại cho biết Phó Đức Chính đã yêu cầu người Pháp không được bịt mắt ông và phải để ông nằm ngửa để được nhìn lưỡi dao rớt xuống.

Và, nếu Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính anh hùng đến ngần ấy thì Cô Giang - Nguyễn Thị Giang (phu nhân của Nguyễn Thái Học) càng anh hùng hơn nữa.

Nhà văn Nhượng Tống, một người bạn, người đồng chí của Nguyễn Thái Học và Cô Giang trong cuốn sách Nguyễn Thái Học có cho biết Cô Giang đứng lẫn trong đám đông hôm thực dân Pháp chém đầu các nghĩa sĩ.

Anh hung anh 1

Ảnh phóng chân dung anh hùng Nguyễn Thái Học và Cô Giang.

Nhượng Tống viết rằng khi bước lên máy chém, Nguyễn Thái Học đã dõi mắt nhìn xa xăm ra đám đông và chắc hẳn người anh hùng ấy đang dõi tìm ánh mắt của một người, đó là phu nhân của mình. Trừ khi có thần giao cách cảm, chớ bằng con mắt sinh học, người anh hùng Nguyễn Thái Học hôm ấy khó nhìn thấy Cô Giang, song chắc hẳn trong tâm trí ông đã có hình bóng của bà.

Cô Giang chứng kiến toàn bộ cuộc hành quyết của giặc đối với chồng và các đồng chí của mình, sau đó bà về quê chồng lạy tạ cha mẹ chồng. Sáng hôm sau, ngày 18/6/1930, bà đến đứng dưới gốc cây cách làng Thổ Tang không xa, hướng về làng và tự kết liễu đời mình bằng khẩu súng lục mà đức phu quân Nguyễn Thái Học tặng bà ở đền Hùng ngày nào. Năm ấy Cô Giang 21 tuổi và đang có mang.

Khi nghe tin Cô Giang tuẫn tiết, nhà cách mạng Phan Bội Châu cảm khái làm bài văn tế:

“Than rằng:

Sóng nhân đạo ở hai mươi thế kỷ, bạn má hồng toan cướp gái làm trai - Gương nữ hùng trên một góc trời Nam, bọn da trắng phải ghê giòng giống Việt.

Trên quốc sử mực chàm giấy phấn, ong cả đoàn nhan nhản bầy nô - Dưới Long Thành máu thắm cỏ xanh, gái đến thế rành rành chữ liệt.

Trăng thu mờ mịt, trông những buồn tênh! Người ngọc xa vời, nghĩ càng đau tuyệt.

Nhớ nữ liệt sĩ xưa:

Đất nhả tinh hoa - trời treo băng tuyết. Vóc quần thoa nhưng chí khí tu mi - Thân khuê các mà can trường khí tiết.

Thuở bé nhờ ơn gia giáo, Hán học vừa thông - Tuổi xanh vào chốn học trường, Pháp văn cũng biết.

Tang hải gặp khi xoay cuộc, ngó giang sơn luống những lòng đau - Trần ai tức lối không người, thấy nô lệ giương đôi tròng ngút.

Xem sách Pháp từng đem óc nghĩ: Dan Đà, La Lan thuở nọ, chị em mình đã dễ ai hơn - Giở sử nhà bỗng vỗ tay reo: Bà Trưng, Cô Triệu sau này, non nước ấy có đâu hồn chết.

Triều cách mạng đang dâng sùng sục, cát Vệ Tinh ngậm đầy trước miệng, mong thấy bể vùi Vai quốc dân nặng gánh trìu trìu, đá Oa Hùng dắp sẵn trong tay, nỡ xem trời khuyết.

Tức tội cường quyền - Thi gan sấm sét.

Khi nhập đảng tuổi vừa mười tám, cơ nữ binh đăng đội tiền phong - Lúc tuyên truyền sách động ba quân, lưỡi biện sĩ trổ tài du thuyết.

Thổi gió phun mây từng mấy trận, nào Lâm Thao, nào Yên Bái, nữ tham mưu đưa đẩy đội hùng binh - Vào sinh ra tử biết bao phen, kia thành huyện, kìa đồn binh, cờ nương tử xông pha hùm rắn rết.

Nguyễn Thái Học trổ tài kiện tướng, nhờ có cô mà lông cánh thêm dài - Phạm Thị Hào nổi tiếng trung trinh, em có chị mà xứng danh nữ kiệt.

Khốn nỗi thay!

Vận nước còn truân - Tai trời chửa hết!

Trắc trở buồm xuôi gió ngược, tài anh thư gặp bước gian truân - Ngại ngùng nước biếc non xanh, tay chức nữ uổng công thêu dệt.

Nhưng hãy còn:

Thiết thạch tâm can - Châu toàn bách chiết.

Thời như thế, việc đành phải thế, đoạn đầu đài mừng được thấy anh lên - Sống là còn thác vẫn là còn, súng kề cổ không nhường cho giặc giết.

Tiếng súng lúc vang lên một phát, núi đổ sông nhào! Hồn anh thư hẹn phút trùng lai, thần gào quỷ thét.

Ôi thương ôi!

Khóc nữa mà chi! Nói không kể xiết!

Một nén hương lòng - Mấy lời thống thiết!

Bạn nữ lưu ai nối gót theo chân? Nghĩa đoàn thể, xin từ đây cố kết!

Hỡi ơi! thương thay!”.

“Tiếng thét Yên Bái” là ánh nến vụt sáng lên lần cuối cùng trước khi tắt hẳn. Đó cũng là tiếng báo hiệu sự kết thúc của các phong trào yêu nước bằng các đường lối khác nhau trước đó đã tắt hẳn để chuyển sứ mệnh và trọng trách nặng nề này sang một tổ chức cách mạng mới, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vũ Trung Kiên/NXB Trẻ

SÁCH HAY