Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bác Hồ đã gặp vua Thành Thái thế nào?

Cảm phục tinh thần chống Pháp của các vị vua nhà Nguyễn yêu nước, nhất là vua Thành Thái, tháng 1/1918, Nguyễn Tất Thành tới đảo Réunion thăm cựu hoàng.

Cảm phục tinh thần chống Pháp của các vị vua nhà Nguyễn yêu nước, nhất là vua Thành Thái, tháng 1/1918, Nguyễn Tất Thành đã tới đảo Réunion thăm cựu hoàng Thành Thái đang bị an trí tại đây. Nhớ lại việc này, năm 1947, khi trả lời các vị trong hoàng tộc, cựu hoàng Thành Thái đã nói:

“Tôi già rồi, tôi không có ý định trở lại cuộc đời chính trị. Vả lại cụ Hồ Chí Minh đã là người tiêu biểu của phong trào cách mạng của dân tộc Việt Nam. Đối với tôi, cụ Hồ Chí Minh không phải là người xa lạ. Ngay từ năm 1918 khi trốn ra ngoại quốc, cụ Hồ Chí Minh đã đến gặp tôi ở đảo Réunion. Từ hồi ấy tôi đã thấy cụ Hồ Chí Minh là một nhà ái quốc nhiệt thành và sáng suốt”.

Bac Ho anh 1

Ảnh tư liệu.

Cùng với các sĩ phu nổi dậy trong nước, nhiều người đã tìm con đường ra đi để học tập nước ngoài. Trong số các sĩ phu, những chí sĩ yêu nước ấy, đặc biệt có hai người vừa là chỗ thân tình với gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc, vừa là những người có ảnh hưởng sâu sắc tới Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc, đó là các cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.

Cả hai cụ Phan đều là những người yêu nước nhiệt thành nhưng hai cụ đi hai con đường khác nhau. Một điều đặc biệt, cả cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đều mong muốn Nguyễn Ái Quốc đi theo con đường của các cụ. Thế nhưng Nguyễn Ái Quốc đã chọn cho mình một con đường đi riêng, mặc dù vẫn rất kính trọng hai cụ.

Năm 1923, khi gặp nhà thơ Nga nổi tiếng Osip Mandelstam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”.

Có lần, khi trả lời một nhà văn người Mỹ, Người cho biết: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau, ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này thì nghĩ là Nhật, người kia thì nghĩ là Anh, có người thì nghĩ là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”.

Cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Nguyễn Tất Thành, và cụ Phan Châu Trinh cùng đỗ Phó bảng khoa thi năm Tân Sửu, niên hiệu Thành Thái thứ 13 (1901), vì vậy trên con đường vào Nam để ra đi tìm đường cứu nước, cụ Nguyễn Sinh Sắc (lúc bấy giờ mang tên là Nguyễn Sinh Huy) đã dẫn con trai Nguyễn Tất Thành vào miền Nam để gặp Phan Châu Trinh. Chắc hẳn cụ muốn gửi gắm con trai của mình cho người bạn ở nơi đất khách, quê người.

Điều này càng được khẳng định và xác tín vì khoảng cuối năm 1912, tức sau ngày Nguyễn Tất Thành ra đi, từ nước Anh, Nguyễn Tất Thành đã gửi cho bác Phan Châu Trinh một bức thư:

Toàn văn bức thư như sau:

“Hy Mã nghi bá đại nhơn,

Cách lâu không tiếp được tôn tín, không hay bác hành chỉ thế nào và sự thể bên ta thế nào? Và cháu muốn biết như cháu có thể gặp bác trước lúc bác đi3 hay không, vì cháu rất cần một ít lời tôn hội.

Xin bác trả lời liền cho cháu, vì chừng nào trong tuần lễ cháu sẽ xuống tàu “đi chưa biết đi đâu”.

Kính chúc bác, Mr. Trường và em Dật và các đồng bào yên hảo.

C. Đ. Tất Thành, 10. Orchard Place. 10 Southampton England”.

Ngày 1/1/1913, cũng từ nước Anh, Nguyễn Tất Thành tiếp tục gửi thư cho cụ Phan Châu Trinh và thông báo về việc học tiếng Anh của mình.

Toàn văn bức thư:

“Hy Mã nghi bá đại nhơn, cháu kính chúc bác, em Dật và ông Trạng mấy các anh em ta ở Paris đều mạnh giỏi. Nay cháu đã tìm được nơi để học tiếng. Bốn tháng rưỡi nay thì chỉ làm với Tây, nói tiếng Tây luôn luôn. Tuy ở Anh song chẳng khác gì ở Pháp và tháng ngày luống những chỉ lo làm khỏi đói, chớ chẳng học được bao nhiêu. Và cháu ước ao rằng 4, 5 tháng nữa lúc gặp bác thì sẽ nói và hiểu được tiếng Anh nhiều nhiều.

Bên ta có việc gì mới? Và nếu bác dịch mấy hồi sau xong rồi xin bác gửi cho cháu. Chuyến này bác sẽ đi nghỉ hè đâu?

Nay kính, cuồng điệt: Nguyễn Tất Thành”.

Sau này, vào quý I năm 1913, Nguyễn Tất Thành còn làm bài thơ gửi cụ Phan Châu Trinh và năm 1914, Người viết tiếp cho bác Phan Châu Trinh một bức thư.

Trong bài “Phan Châu Trinh ở Mỹ Tho” của tác giả Phan Thị Minh, cháu nội cụ Phan đăng trên tạp chí Xưa & Nay số 4 năm 1995 có đoạn viết: “Trong tư liệu Phan Châu Trinh đem về lưu trữ tại gia đình thì Phan Châu Trinh cùng con trai lên Sài Gòn ngày 29/3/1911 và xuống tàu hai ngày sau đó mùng 1/4/1911. Như vậy, cuộc gặp gỡ trên nếu có, chỉ diễn ra tại Mỹ Tho.

Sự khẳng định này càng được củng cố khi liên hệ với nội dung mà anh Vũ Kỳ là thư ký riêng của Bác Hồ đã xác nhận lời Bác phát biểu về cụ Phan Châu Trinh: “Mình biết cụ từ trong nước rất sớm và cụ là bạn thân của cha mình. Lúc đi Pháp là dựa vào cụ, ở Pháp cũng dựa vào cụ để sống và hoạt động”. (Anh Vũ Kỳ nói ngày 2/3/1993 có chứng kiến và xác nhận của Bảo tàng Hồ Chí Minh”.

Như vậy, khi ở Pháp, Nguyễn Tất Thành thân thiết với bác Phan Châu Trinh. Đó cũng là lý do ngày 18/6/1919, thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp, Nguyễn Tất Thành cùng Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường thảo bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gởi tới Hội nghị Versailles, dưới bản “Yêu sách” ký tên: Nguyễn Ái Quốc, đây là lần đầu tiên tên gọi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện.

Nguyễn Tất Thành vừa là cháu, vừa thân thiết với cụ Phan Châu Trinh, thế nhưng Nguyễn Tất Thành vẫn có tư duy độc lập, tự chủ của riêng mình. Dù ở gần cụ Phan Châu Trinh như vậy, nhưng Nguyễn Tất Thành cũng không đi theo con đường của cụ. Mặc dù rất khâm phục các bậc sĩ phu dũng cảm tìm đường đấu tranh cứu dân, cứu nước nhưng người thanh niên Nguyễn Tất Thành cũng sớm nhận ra những hạn chế trong con đường của các bậc tiền bối.

Vũ Trung Kiên/NXB Trẻ

SÁCH HAY