Trong cuộc họp phụ huynh hôm 16/1 tại trường tiểu học (Hoàn Kiếm, Hà Nội), ông Thế Dũng được giáo viên và trưởng ban phụ huynh vận động ký vào văn bản tự nguyện dùng sổ liên lạc điện tử ENet Việt.
Ông Dũng cho hay giáo viên chủ nhiệm lớp con ông giải thích sổ liên lạc điện tử này sẽ được dùng để thông báo các hoạt động của lớp cho phụ huynh, thay thế Zalo và Viber như trước đây.
Theo phụ huynh, giáo viên giải thích sổ liên lạc điện tử sẽ được dùng thay cho việc trao đổi qua Zalo, Viber. Ảnh minh họa: The Verge. |
Những phụ huynh đồng ý sử dụng sổ liên lạc điện tử sẽ ký vào đơn tự nguyện và đóng khoản phí 30.000 đồng/tháng/học sinh. Ông ước tính nếu toàn trường chấp thuận sử dụng, chỉ tính riêng trường tiểu học, số tiền thu hàng năm lên đến 270 triệu đồng - con số khá lớn.
Trong khi đó, trước nay, gia đình và giáo viên vẫn tương tác hiệu quả qua Zalo, Viber. Vì thế, ông cho rằng việc vận động phụ huynh đóng thêm khoản phí 270.000 đồng/năm/học sinh cho kênh liên lạc mới, chưa có gì khác biệt không hợp lý.
“Thông tin tôi nắm được từ một số phụ huynh khác, chất lượng sổ liên lạc điện tử rất tệ, gần như không có nội dung, thông tin gì mà phải chi 1.000 đồng/ngày như lời giải thích của giáo viên. Đối với con cái, tôi không tiếc tiền nhưng khoản thu phải xứng đáng, hợp lý, thiết thực, hiệu quả, giúp ích cho cả hai phía”, vị phụ huynh bày tỏ.
Ông đặt câu hỏi liệu giáo viên có đủ thời gian để cập nhật thường xuyên tình hình của học sinh qua sổ liên lạc điện tử không. Nếu không, sổ không có thông tin gì mấy, số tiền 30.000 đồng/tháng mà phụ huynh phải bỏ ra không đáng.
Ông Dũng nói thêm trong học kỳ I, gia đình ông dùng sổ liên lạc điện tử nhưng chỉ xem được nội dung điểm danh, xin nghỉ học. Các nội dung khác, vợ chồng ông chưa xem được vì chưa đóng tiền.
Trao đổi với Zing về khoản thu sổ liên lạc điện tử, đại diện nhà trường khẳng định đây là khoản tự nguyện. Điều này được ghi trong công văn của Sở GD&ĐT.
Bà cho hay trong công văn đôn đốc triển khai phần mềm truyền thông giáo dục hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành ngành GD&ĐT, sở lưu ý các trường “sử dụng nhóm chức năng mở rộng, nâng cao trên phần mềm lựa chọn mức thu phù hợp với dịch vụ cung ứng và trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh học sinh”.
Do đó, nếu chỉ dùng phiên bản miễn phí, phụ huynh vẫn có thể sử dụng các chức năng điểm danh, thông báo, xin phép nghỉ học hay cập nhật điểm số. Bà hiệu trưởng nói thêm trường còn yêu cầu giáo viên trao đổi cả qua sổ liên lạc điện tử và nhóm lớp để cha mẹ học sinh nắm thông tin.
Trong học kỳ I, trường sử dụng bản miễn phí. Thông qua cuộc họp phụ huynh vừa qua, trường giới thiệu phiên bản miễn phí và nâng cao để phụ huynh lựa chọn.
“Đương nhiên, phiên bản miễn phí không bằng bản mở rộng. Theo thông tin các lớp báo về, gần như 100% phụ huynh nhất trí sử dụng. Một số phụ huynh có ý kiến, trường định trao đổi lại để nắm ý kiến, đồng thời tìm hiểu xem liệu có phải khi trao đổi, giáo viên chưa thoát ý khiến phụ huynh hiểu nhầm”, bà nói.