Đó là một thực tế được đại biểu góp ý khi thảo luận về chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công. Hội thảo vừa được Bộ Nội vụ tổ chức.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, bất cứ một nhà nước nào, cơ quan nào, thời điểm nào cũng quan tâm đến việc thu hút và trọng dụng nhân tài. Trong thời gian qua, ông Tân đánh giá việc trọng dụng nhân tài có nơi thành công nhưng cũng có nơi chính sách không phù hợp.
“GS Ngô Bảo Châu về Việt Nam chưa chắc được làm chuyên viên"
Thạc sĩ Lê Thị Lệ (Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư) nêu bất cập về cơ chế, chính sách đãi ngộ nhân tài khi hệ số lương, phụ cấp chức vụ dành cho họ không thỏa đáng.
Ví dụ, nghiên cứu viên cao cấp phải hơn 10 năm kinh nghiệm, qua kỳ thi nâng ngạch mới được hưởng hệ số lương từ 6,2 - 8,0, tương ứng với mức lương 8,5-11 triệu đồng. Nhưng mức lương này chỉ bằng nhân viên làm trong khu vực tư nhân có 5 năm kinh nghiệm. Còn chức danh nghiên cứu viên chính thì phải mất 9 năm lương của họ mới được khoảng 6,5 triệu, bằng sinh viên ra trường đi làm tư nhân khoảng 2-3 năm.
“Mức lương trong khu vực nghiên cứu nhà nước hiện nay không thể cạnh tranh với bên ngoài. Còn phụ cấp thì các nghiên cứu viên không có khoản nào. Điều này tạo sự bất cập cho nhân tài ở các đơn vị nghiên cứu”, bà Lệ nói.
GS.TS Phạm Hồng Thái (nguyên Trưởng khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Thanh Tuấn. |
GS.TS Phạm Hồng Thái (nguyên Trưởng khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng nhìn nhận với chế độ, chính sách hiện nay, khó thu hút được nhân tài. Thậm chí ông cho rằng, với cơ chế tuyển dụng hiện tại thì "như giáo sư Ngô Bảo Châu có về Việt Nam làm việc chưa chắc được làm chuyên viên”.
Theo GS Thái, vì cơ chế bất cập nên thời gian qua, ở TP.HCM không ít giám đốc sở xin ra khỏi khu vực công.
“Trong khi ở các nước, lương vụ trưởng, vụ phó khác một trời một vực so với người làm chuyên môn, thì ở ta, phụ cấp cả tháng của một thứ trưởng không bằng tôi đi dạy thêm một buổi", ông Thái nói.
Không lấy tiêu chí bằng cấp để xây dựng chế độ đãi ngộ
Chia sẻ kinh nghiệm ở TP.HCM, ông Lâm Hùng Tấn, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết từ năm 2014, TP đã có chính sách thí điểm thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ với mức lương tối đa 150 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, TP chưa có nhiều chính sách khuyến khích giữ chân cán bộ trẻ xuất sắc tiếp tục cống hiến lâu dài. Do quy định hiện hành về chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện thống nhất trên cả nước, TP.HCM không thể "vượt qua".
Thêm vào đó, việc quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý đã có nhiều thay đổi, ưu tiên trẻ hóa đội ngũ nhưng chưa tạo bước đột phá. Do vậy có những vị trí lãnh đạo, quản lý “dứt áo” ra khỏi khu vực công.
“Thu hút nhân tài phải tạo cơ hội bình đẳng cho các đối tượng thuộc mọi thành phần, tầng lớp, vùng miền. Phạm vi thu hút, tuyển chọn nhân tài có thể mở rộng ngoài quốc gia, đặc biệt quan tâm đến các cơ chế đãi ngộ và trọng dụng nhân tài”, ông Tấn góp ý.
Theo ông, chế độ đãi ngộ nên kết hợp giữa ưu đãi vật chất và phi vật chất, phân bổ đều từ đầu vào đến đầu ra, không nên lấy tiêu chí bằng cấp để xây dựng chế độ đãi ngộ.
Ngoài ra, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM đề nghị coi trọng việc phát huy năng lực người tài trong và sau khi thu hút, sử dụng. Cần nghiên cứu, mạnh dạn có cơ chế đặc biệt để tuyển chọn, đề bạt người tài có tiềm năng vào những vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp.
Cơ chế đề bạt, bổ nhiệm phải thực sự công khai, minh bạch để lựa chọn người xứng đáng; phòng chống tình trạng chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm ngăn cản cơ hội thăng tiến của người tài.