Hơn 2 thập kỷ qua, khi Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân, thế giới thường viện đến sự hỗ trợ từ 2 hàng xóm của nước này là Trung Quốc (vì quan hệ kinh tế chặt chẽ với Triều Tiên) và Hàn Quốc (nước thiệt hại lớn nhất nếu đụng độ quân sự xảy ra).
Những màn "đấu khẩu" giữa nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Trump leo thang trong tuần này. Ảnh: CNN. |
Tuy nhiên, khi dàn quan chức cấp cao, bao gồm nhà lãnh đạo Kim Jong Un, “đấu khẩu” với Tổng thống Mỹ Donald Trump, New York Times cho rằng cả Hàn Quốc và Trung Quốc đều bị “cho ra rìa” bên ngoài cuộc đối đầu. Ông Kim Jong Un đã thực hiện được nguyện vọng chính là đối đầu trực tiếp với Mỹ.
Sử dụng hạt nhân làm lợi thế mặc cả
Đối với Triều Tiên, nước này có thể yêu cầu Mỹ bảo đảm một hiệp ước hoà bình, sự công nhận ngoại giao, xoá bỏ những cấm vận hàng chục năm và rút lính Mỹ rút khỏi Hàn Quốc.
Kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền cách đây 6 năm, giới quan sát cho rằng Triều Tiên đã thúc đẩy tiến độ chương trình vũ khí và hạt nhân để buộc Washington phải chú ý, tạo lợi thế cho Bình Nhưỡng trong những cuộc đàm phán.
Do vậy, khi Tổng thống Trump đe doạ hồi đầu tuần về “huỷ diệt hoàn toàn”, Triều Tiên đã tạo cái cớ hoàn hảo để ông Kim Jong Un đáp trả trực tiếp với Mỹ. Trong tuyên bố công khai hiếm hoi, nhà lãnh đạo Triều Tiên gọi Trump là “lão già loạn trí”, còn Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho tuyên bố khả năng thử bom H ở Thái Bình Dương.
Để củng cố cho những phát ngôn mạnh mẽ này, các chuyên gia cho rằng Triều Tiên sẽ tiến hành nhiều vụ thử vũ khí hơn.
“Chúng ta không thể tránh việc căng thẳng quân sự ở bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang. Một trong những nguyên nhân là cuộc đối đầu giữa Triều Tiên và Mỹ ngày càng căng thẳng, Hàn Quốc ngần ngại đối đầu trực diện Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng phớt lờ Seoul và chỉ muốn đối thoại trực tiếp với Mỹ”, Cheong Seong Chang, chuyên gia Viện Sejong (Hàn Quốc), nói.
Trong những ngày căng thẳng vừa qua, Trung Quốc cũng rơi vào vị thế “đứng bên lề”, vai trò không lấy làm dễ chịu đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Sự im lặng của Bắc Kinh phản ánh Trung Quốc gần như không thể gây áp lực đủ mạnh đối với Triều Tiên, cũng như nỗ lực bất thành trong việc thuyết phục Tổng thống Trump "giảm tông" trong ngôn từ.
Triều Tiên phớt lờ Trung Quốc, Hàn Quốc
Giới quan sát nhận định, do lo ngại mất vị thể hoặc thể diện trong vai trò kiến tạo hoà bình, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ ngần ngại với mọi động thái ngoại giao trước kỳ đại hội đảng của nước này sẽ diễn ra vào ngày 18/10 tới. Đến nay, hành động của Bắc Kinh chỉ là ủng hộ việc siết chặt cấm vận lên Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc hồi tuần trước.
Triều Tiên hai lần phóng tên lửa bay qua Nhật Bản và có thể tấn công tới căn cứ Mỹ trên đảo Guam. Ảnh: AFP. |
“Tôi nghĩ đòn bẩy ngoại giao của Trung Quốc với Triều Tiên hiện giờ là con số không. Triều Tiên không còn muốn gặp các đại sứ Trung Quốc, cũng không quan tâm đến quan điểm của Trung Quốc", ông Feng Zhang, nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Australia, nói.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cũng nhận thấy cơ hội của ông trong nỗ lực ngoại giao bị thu hẹp dần khi Bình Nhưỡng và Washington đang kéo nhau vào vòng xoáy khiêu khích và leo thang.
Triều Tiên cũng dường như không màng đến các lời kêu gọi đối thoại của Tổng thống Moon. Sở dĩ như vậy vì ông không còn nhiều đòn bẩy với Triều Tiên khi các chính quyền tiền nhiệm đã cắt gần hết mối quan hệ thương mại và rút đầu tư khỏi Triều Tiên.
Nếu như Tổng thống Moon kêu gọi “giải toả căng thẳng” thì Tổng thống Trump khẳng định “chỉ nói thôi thì không phải là giải pháp”.
Nhằm đáp trả các “hành vi khiêu khích bất cần” của Triều Tiên, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 23/9 đã điều các máy bay ném bom B1 và máy bay chiến đấu F-15 đến vùng biển phía bắc khu vực phi quân sự DMZ ngăn cách Triều Tiên và Hàn Quốc.
Và cho dù có bị áp cấm vận liên tục, các chuyên gia tin rằng Bình Nhưỡng sẽ không chịu từ bỏ những vụ thử vũ khí cho đến khi đạt được năng lực đủ lớn nhằm xây dựng vai trò bình đẳng cho Triều Tiên khi đối thoại với Mỹ. Nước này sẽ đạt được mục tiêu khi nắm được khả năng đưa đầu đạn hạt nhân vào tên lửa có thể phóng tới lục địa Mỹ.
Mặc dù một số cường quốc ở châu Á nói họ muốn ngăn cản Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân, những nước này cũng theo đuổi các mục tiêu khác nhau trong bàn cờ địa chính trị. Đó là một phần lý do khiến khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên vẫn là vấn đề kéo dài hơn hai thập kỷ.
Dù ông Trump tỏ ý muốn sử dụng quân đội để buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, Hàn Quốc bác bỏ việc này do lo ngại chiến tranh xảy ra trên bán đảo và Seoul bị tấn công. Trung Quốc cũng không muốn chiến sự xảy ra ở biên giới nước này, và muốn Triều Tiên vẫn là một đồng minh hữu ích để chống lại Hàn Quốc và Mỹ.
Ông Kim Jong Un được cho là không còn quan tâm đến những sức ép từ Bắc Kinh. Ảnh: CNN. |
Nhưng ông Chen Jian, giáo sư tại Đại học Cornell, nói việc ông Kim Jong Un không chịu lắng nghe Trung Quốc cho thấy mối quan hệ Bắc Kinh - Bình Nhưỡng ngày càng xa cách.
Bắc Kinh giảm ảnh hưởng
“Kim Jong Un và Triều Tiên gây ra vấn đề, cũng như khiến Chủ tịch Tập Cận Bình nhức đầu hơn tất cả những chuyện còn lại trên thế giới. Tại sao Trung Quốc phải đối đầu với Mỹ vì Kim Jong Un và Triều Tiên?”, ông Kim.
Ngày 23/9, Trung Quốc thông báo tuân thủ nghị quyết mới của Liên Hợp Quốc bằng việc ngưng xuất khẩu một số sản phẩm dầu mỏ sang Triều Tiên, cũng như ngưng nhập khẩu vải vóc từ nước này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc ủng hộ cấm vận chỉ mang ý nghĩa phần lớn là tỏ ra ủng hộ Tổng thống Trump, chứ không đủ mạnh để gây hậu quả kinh tế lớn và buộc Bình Nhưỡng phải đàm phán.
Lâu nay, Chủ tịch Tập Cận Bình không giấu giếm việc không đánh giá cao ông Kim Jong Un, người chỉ bằng một nửa tuổi của ông và hai bên chưa từng gặp mặt. Phái viên mới của Trung Quốc cho cuộc đàm phán Triều Tiên, Kong Xuanyou, không thể đến Bình Nhưỡng do Triều Tiên không chấp thuận ông này.
Khi biết không thể trông mong gì từ Kim Jong Un, ông Tập có thể sẽ đề nghị sự hỗ trợ của Tổng thống Trump để đề ra giải pháp, nhưng việc này sẽ chỉ diễn ra sau đại hội đảng.
“Bắc Kinh sẽ cố ‘hạ nhiệt tình hình’ với ông Trump trước khi đến Bình Nhưỡng. Ông Tập đã điện đàm với tổng thống Mỹ đầu tuần này. Phía Trung Quốc cho rằng đây là kênh liên lạc hiệu quả”, ông Sun Yun, chuyên gia về Đông Á tại Trung tâm Stimson, nói.
Như để chứng tỏ sự bực tức của Triều Tiên với Trung Quốc, hãng KCNA ngày 22/9 đăng bài bình luận nói Triều Tiên không nợ nần gì nhiều với Trung Quốc, và Bắc Kinh không nên coi Triều Tiên chỉ là vùng đệm để bảo vệ nước này trước các cuộc xâm lược.
Bài viết này cũng cáo buộc các phương tiện truyền thông Trung Quốc gần đây đã “phản bội nhân dân và cả hai nước”.
Các chuyên gia cho rằng đây là bài viết tấn công chính quyền Bắc Kinh bằng những lời lẽ chưa từng có. “Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng chưa bao giờ xảy ra trước đây. Những người tiền nhiệm của Kim Jong Un luôn tránh tấn công trực tiếp nhằm vào Bắc Kinh”, chuyên gia Chen nói.